Tích xưa mới nay
Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”, mở cửa đến 31/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đang thu hút sự quan tâm của du khách, nhất là giới trẻ. Cũng bởi, ở đây kể câu chuyện độc đáo, mới lạ về tranh Hàng Trống – dòng tranh dân gian tưởng đã quá đỗi quen thuộc và nổi tiếng trong lĩnh vực tranh thờ, tranh trang trí.
Nhưng, khi bộ sưu tập của nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê được công bố tại triển lãm, công chúng hôm nay còn được khám phá một di sản khác của dòng tranh này.
Đó là những truyện nôm khuyết danh lấy từ các giai thoại, tích truyện trong dân gian hoặc lấy từ nước ngoài như: “Từ dân”, “Chiêu Quân cống Hồ”, “Nhị độ mai”, “Hán Sở tranh hùng”, “Chiến quốc”, “Tam quốc”, “Sơn hậu”… được kể lại qua kỹ thuật in ván và tô màu từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Hàng Trống.
Thật thú vị khi bước vào không gian này khách tham quan được thư thả đọc chú dẫn rồi ngắm tranh với các tạo hình sinh động, sắc màu hài hòa, trong đó màu hồng tía và xanh lục được lấy làm chủ đạo.
Có thể thấy, hầu hết các tranh truyện đều sáng tác dựa trên những tích có từ Trung Quốc mà người đương thời yêu thích và được nghệ nhân chọn các nội dung ý nghĩa để tái hiện qua tạo hình.
Ví như, trong bộ 4 tranh kể “Hán Sở tranh hùng” có hình bên trên thể hiện chuyện Hàn Tín trở lại tìm gặp bà cụ nghèo đã cứu giúp ông lúc khó khăn, đói khát để tặng 1.000 lạng vàng còn bên dưới là chuyện Hạng Vũ bị truy đuổi, đường cùng phải tự sát nhưng trước đó gọi người nông dân đang cày ruộng đến để ông ta có thể chém đầu Hạng Vũ dâng quân Hán lấy thưởng.
Còn ở bộ “Tam quốc” có tranh nhắc lại việc Tào Tháo đại bại ở trận Xích Bích, dẫn quân chạy trốn, gặp Quan Vân Trường mai phục. Tào Tháo kể công ngày trước đối xử tốt với Quan Vân Trường nên được ông tha bổng.
Hay chuyện Tào Tháo muốn mua chuộc Quan Vân Trường song không được. Vân Trường vẫn đưa hai vị phu nhân đi tìm Lưu Bị, bị đuổi theo nhưng ông cản đường. Tào Tháo giả bộ tặng áo gấm, Vân Trường không xuống ngựa nhận áo mà dùng mũi thanh đao móc lấy…
Bộ “Nhị độ mai” cũng được sáng tác từ truyện thơ Nôm của tác giả khuyết danh Việt Nam biên soạn theo tiểu thuyết “Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai” (Trung Quốc).
Câu chuyện những người yêu chính nghĩa đấu tranh với gian thần và giành kết quả xứng đáng: Đoàn tụ, sum họp như bông mai lại được nở hoa lần hai tiếp tục được đề cao ở đây.
Còn bộ “Sơn Hậu” lại được vẽ từ tích tuồng cổ khuyết danh của Việt Nam cũng có cốt truyện kể về cuộc tranh bá ở nước Tề, giữa anh em thái sư Tạ Thiên Lăng với các trung thần Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân, Tử Trình…, qua đây gửi gắm những câu chuyện về lòng trung hiếu, tiết nghĩa của người xưa.
Điều thú vị, dù mượn hay lấy cảm hứng từ tích truyện nước ngoài nhưng nghệ nhân Hàng Trống luôn tiếp cận từ văn bản chữ Nôm đồng thời có ý thức tạo hình mang phong cách nghệ thuật dân gian Việt Nam cùng tham vọng phổ biến chúng trong đời sống xã hội.
Như “Tam Quốc”, theo ông Khuê, bộ này có cấu trúc bố cục thiên về trang trí, hoàn toàn không có ý tưởng và kỹ thuật tạo không gian theo phối cảnh của Trung Quốc hay Tây phương. Khi đó, hình vẽ hồn nhiên như cách tạo nét, tạo hình của nghệ thuật điêu khắc dân gian trên các đình làng Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII.
Còn 2 bộ “Chiêu Quân cống Hồ”, ông Khuê cho biết, tích này được biết đến bằng những bài thơ Nôm theo thể đường luật, kể lại cuộc đời Vương Chiêu Quân dưới nhan đề “Truyện thơ Vương Tường”, khuyết danh.
Theo GS Hoàng Xuân Hãn, truyện thơ này xuất hiện từ thế kỷ 13, đời nhà Trần. Có thuyết cho rằng, thời đó truyền tụng truyện thơ này do triều đình gả công chúa Trần Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy châu Ô, châu Ly.
Đầu thế kỷ 20, văn bản văn học này được dịch từ tiểu thuyết “Song Phượng kỳ duyên” có từ thời Minh - Thanh sau dịch sang chữ Quốc ngữ lưu truyền ở Hà Nội – gọi nôm là “Chiêu Quân cống Hồ”. “Các nghệ nhân Hàng Trống sáng tác và phổ biến 2 bộ tranh này có ý nghĩa xã hội rất lớn.
Ý tưởng là ca ngợi những tấm gương trung hiếu, tiết nghĩa nhằm đề cao giáo dục những nhân cách cao đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp. Dịp này, tôi trao tặng Bảo tàng Phụ nữ bộ “Chiêu Quân cống Hồ” với mong muốn giúp thế hệ hôm nay nhìn lại những tấm gương cao đẹp của người xưa trong di sản văn hóa dân tộc”, ông Khuê tâm huyết nói.
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê tặng Bảo tàng Phụ nữ bộ tranh truyện 'Chiêu Quân cống Hồ'. Ảnh: Bình Thanh. |
Tấm lòng với di sản
Năm nay nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đã ở tuổi 87 nhưng vẫn luôn nặng lòng với di sản văn hóa của cha ông nói chung, trong đó có tranh Hàng Trống.
Nhớ lại thời gian sưu tầm, ông bảo, đó là công việc của một cán bộ làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hễ nghe nơi nào có điêu khắc đình làng là tìm đến để nghiên cứu, chụp ảnh, đồng thời đi đến đâu là hỏi người dân có nguồn tranh nào không hoặc có giữ được tranh dân gian hay không.
Dù tranh dân gian phổ biến trong nhân dân nhưng với chất liệu giấy, khó bảo quản nên có người giữ được cũng có người không.
Trong mấy mươi năm làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật, ông cần mẫn sưu tầm và gặp nhiều gia đình, nhất là các hiệu tranh. “Bộ “Chiêu Quân cống Hồ” là của gia đình làm tranh nổi tiếng ở Hà Nội, hiệu Thanh An.
Lúc đó, bà cụ 80 tuổi mang bó tranh ném trên gác xép đưa cho tôi. Thế là, tôi dụng công bồi lại từng tờ tranh mỏng manh để có thể gìn giữ từ những năm 1980 cho đến giờ”, ông Khuê nói.
Cùng với các hiện vật, ông Khuê còn viết sách “Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội”, trong đó in hơn 400 bức tranh. Cuốn sách được nhận nhiều giải thưởng, nhất là giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
“Đây không phải là vinh dự của riêng tôi mà tôi chỉ là người đi góp nhặt từng viên gạch để dựng lại lâu đài của tranh dân gian Hàng Trống. Tiếc rằng, các nghệ nhân gần như đã là người muôn năm cũ, giờ không còn ai sáng tác dòng tranh truyện này. Nếu có điều kiện, tôi mong chúng ta cùng nghĩ đến cách phổ biến dòng tranh đã góp phần làm nên nền nghệ thuật đặc sắc của kinh thành Thăng Long này”, ông Khuê bày tỏ
Chia sẻ thêm về quá trình gìn giữ tranh Hàng Trống, chị Phan Vân Ánh, con gái thứ 2 của ông Khuê cho biết, dù hồi đó còn nhỏ (chưa đến 10 tuổi) và khá nghịch ngợm nhưng ba chị em đã được bố giảng giải cặn kẽ về việc cần phải có ý thức gìn giữ các hiện vật trong căn nhà chỉ rộng chừng 30 – 40 m2.
Suốt năm, cả nhà cùng chăm chút từng bức, làm đến đâu bố Khuê lại kể bản nôm cũng như nguyên tác, dị bản của truyện ở Trung Quốc, thậm chí cả việc thể hiện bằng nghệ thuật tuồng như bộ “Sơn hậu”.
“Hồi đó không có tivi hay đài nhưng ông kể chi tiết đến mức sau này chúng tôi được xem thì không thấy khác là bao nhiêu. Các câu chuyện cuốn hút, đem đến không ít thắc mắc: Tranh lụa bố vẽ bo là giấy mà sao ở đây ngược lại? Sao tranh không có khung?... và luôn được ông giải thích cặn kẽ”, chị Ánh kể.
Bức tranh trong bộ 'Sơn Hậu' kể liên tiếp 3 chuyện mà vẫn hài hòa, thống nhất. Ảnh: Bình Thanh. |
Khi ông Khuê thực hiện việc bảo quản tranh, 3 chị em chị Ánh được tham gia hỗ trợ. Vì thế đến giờ chị vẫn nhớ như in hình ảnh bố mình đạp xe lóc cóc đến chợ Đồng Xuân, thậm chí về tận Hưng Yên để tìm gạo mới về xay bột nấu hồ.
Phải là gạo mới thì mới còn nhựa và lúc xay cối không được vương các loại bột khác như đậu xanh, đậu tương. Bột xay tinh cho đủ lượng nước cùng tỉ lệ chính xác các phụ gia như phèn chua, hàn the… (để không bị đốm mốc).
Bếp dầu nấu hồ lửa chỉ để lom rom và tốc độ quấy phải đều, kéo dài đến nửa ngày, thậm chí cả ngày để từ nước bột đến cháo rồi thành chất keo khi từng tinh bột được ngấm nở.
Công đoạn bồi cũng được ông thực hiện rất tỉ mẩn, cẩn thận. Khi đó, cần giấy dó kéo dài gấp đôi so với tranh và ba cô con gái được tham gia bằng cách bắc ghế kéo căng. Bố Khuê quét hồ lên từ dưới lên, bên trong ra ngoài rồi đặt tranh và miết bằng vải mềm để giấy dó và tranh áp sát, đẩy hết bọt khí, keo thừa ra ngoài.
“Bố tôi tuân thủ sự tỉ mỉ trong công việc này đến khắc nghiệt. Mỗi di chuyển tay khi miết được tính bằng mi-li-mét nên phải mất cả tuần mới xong. Việc bo và làm khung cũng tỉ mẩn như thế nên sau 40 năm những bức tranh không bị nhàu hay đứt gãy. Và, trong nhiều lần chuyển nhà, đây luôn là tài sản đầu tiên được ông mang theo”, chị Ánh nhớ lại.
Đến thưởng lãm những tác phẩm tranh truyện Hàng Trống mà theo ông Khuê chúng có tuổi đời khoảng 100 năm, Tuệ Châu (sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) bày tỏ: “Em ngạc nhiên trước bố cục của mỗi bức tranh. Nghệ nhân thật tài tình trong việc tổ chức, trong đó có bức kể đến 3 câu chuyện mà nếu không đọc phần chú giải thì nhìn tổng thể vẫn hợp lý, hài hòa cả về tạo hình lẫn màu sắc.
Đây là lần đầu tiên em được biết đến dòng tranh truyện này và thấy biết ơn những nhà nghiên cứu như ông Khuê đã tâm huyết sưu tầm, gìn giữ cũng như bảo tàng tích cực tìm kiếm các chủ nhân, động viên, hỗ trợ họ lan tỏa đến cộng đồng”.
“Việc họa sĩ Phan Ngọc Khuê phối hợp cùng chúng tôi thực hiện triển lãm và trao tặng bộ sưu tập tranh truyện Hàng Trống “Chiêu Quân cống Hồ” cho bảo tàng là ông tiếp tục nối mạch nguồn tri thức, đưa di sản này tới công chúng và đặt trọn niềm tin vào bảo tàng. Nhờ ông giữ lửa cho tranh dân gian Hàng Trống mà thế hệ hôm nay có cơ hội được ngắm nhìn di sản, tuyệt tác của cha ông.
Mỗi bức tranh toát lên sự sinh động, tinh tế và ý nghĩa sâu sắc cả về nội dung và hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam.
Trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và thách thức khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống, chúng tôi hy vọng sự kiện hôm nay chính là cơ hội để công chúng chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn những nét đẹp về giá trị của một dòng tranh nổi tiếng đất Hà thành. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục chủ động tìm kiếm, kết nối với các chủ nhân để sưu tầm tư liệu di sản quý họ đang gìn giữ và giới thiệu tới công chúng” - Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.