“Tôi chắp ghép tất cả những tinh túy, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ và phát triển, đưa chúng vào một định dạng mới trong dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt”, họa sĩ Bùi Thanh Tâm chia sẻ.
Choáng ngợp với “Không có gì ở đằng sau”
Với ba mảng chủ đề: Chiến tranh, tình yêu và đức tin triển lãm “Không có gì ở đằng sau” vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không khỏi khiến người xem ngỡ ngàng, choáng ngợp trước những bức tranh dát vàng cỡ lớn, phủ lên nhiều hình ảnh, biểu tượng, câu chuyện quen thuộc ở những dòng tranh dân gian huy hoàng trong quá khứ.
Nhà sưu tập Thu Hòa cho biết, họa sĩ Bùi Thanh Tâm đã sử dụng kỹ thuật thếp vàng trên tranh Hàng Trống vào những tác phẩm này. Họa sĩ đặt mua một bộ tranh chỉ vài chục nghìn, thế nhưng để lên được một tác phẩm dát vàng chỉnh thể cũng mất đến cả trăm triệu...
Cách “chơi sang” này được Bùi Thanh Tâm lý giải một cách khiêm tốn: “Chẳng cứ dát vàng là đắt, là quý đâu, nhiều chất liệu còn quý hơn vàng nhiều”.
Trong “Không có gì ở đằng sau”, các nhân vật tràn ngập trong các tác phẩm làm nên tên tuổi của Bùi Thanh Tâm, những búp bê u buồn ba chiều đen tối đầy ám ảnh đã được thay thế bằng rất nhiều hình ảnh khai thác từ những kho dữ liệu dân gian.
Thao tác vẽ, tô màu được thay thế bằng thao tác cắt dán collage, tạo nên những tác phẩm siêu bề mặt tập hợp đa dạng các chất liệu, kỹ thuật dân gian.
Họa sĩ cho biết, phát triển ý tưởng các bức tranh không xuất phát từ cái nhìn thấy trực tiếp, mà hiện diện ở cách thực hành của nghệ sĩ, bằng việc đến làng nghề, gặp gỡ và làm việc cùng nghệ nhân. Có điều, lựa chọn các chất liệu dân gian giờ đây không còn đơn giản chỉ là sự hoài niệm về nghệ thuật truyền thống hay khích lệ sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa.
Vẫn là hình ảnh đám cưới chuột, cậu bé trong tranh vinh hoa - phú quý, cá chép, gà đàn… nhưng các vật thể được trộn lẫn vào nhau, biến tấu thành những vật thể khác. Ở đó, con người không phải là trung tâm mà chỉ là một thành tố, cùng kể câu chuyện nghệ thuật.
“Cảm xúc nghệ sĩ đi theo một dòng chảy nhất định. Ngày trước tôi muốn thứ ngôn ngữ ngồn ngộn, va đập mạnh, thì giờ đây là cái gì lắng lại, có chiều sâu hơn”. Và cái lắng lại, chiều sâu hơn ấy được Bùi Thanh Tâm làm cho hiển lộ bằng cách tìm về chất văn hóa truyền thống.
Thực ra, ý tưởng khai thác chất liệu tranh dân gian đã được anh đưa ra từ khoảng 10 năm trước, sau triển lãm cá nhân “Monalisa” gây tiếng vang ở trong nước và quốc tế. “Nhưng giai đoạn đó, tôi vẫn chưa thỏa mãn với những gì mình phát triển được. Phải đến thực hành lần này, với hành trình hơn 3 năm qua theo đuổi mục tiêu tái tạo một thứ gì mới cho nghệ thuật truyền thống - vốn là giá trị cốt lõi của văn hóa Việt”, Bùi Thanh Tâm chia sẻ.
“Định dạng mới” cho tranh dân gian
Tranh dân gian của người Việt mang sự tinh tế, thấm đượm tinh thần dân tộc. Tiếp cận nghệ thuật hội họa dân gian, những lần đi vẽ ký họa tại các ngôi làng, đình, đền, chùa cổ đã giúp Bùi Thanh Tâm nhìn ra thần thái, tay nghề của nghệ nhân, điều đó càng hấp dẫn anh trong các thực hành nghệ thuật.
Tuy nhiên, tìm đến nghệ thuật dân gian cũng là lúc dấy lên nỗi trăn trở về sự mai một, ngày càng vang bóng của dòng tranh này. Có dòng tranh chỉ còn một nghệ nhân, có dòng tranh đã bị thất truyền, thậm chí nhà nghiên cứu còn phải sang tận Pháp mượn lại bản in để về phục chế, mong tìm lại nét xưa... Tất cả điều này thôi thúc nghệ sĩ “phải làm cái gì đó”.
Bùi Thanh Tâm chia sẻ, những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc... đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa Việt, trở thành những biểu tượng văn hóa dân gian của người Việt.
Anh thực hành việc chắp ghép tất cả những tinh túy, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào một “định dạng mới” trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt.
“Tôi muốn khẳng định dòng tranh dân gian có sự khác biệt, độc đáo. Là họa sĩ đương đại, tôi muốn thứ nghệ thuật trong tranh dân gian có gì đó hiện đại hơn. Giống như mở ra một chương mới, cái nhìn mới về truyền thống. Và tôi kết hợp tranh đồ họa thủ công của nghệ nhân với hội họa đương đại của nghệ sĩ”, Bùi Thanh Tâm cho biết.
Anh tâm sự, những nhà sưu tầm, những bảo tàng cũng quan tâm hơn đến những vùng đất mà nghệ thuật chưa có nhiều phát triển, hoặc là những vùng đất mà văn hóa vẫn còn nhiều bí ẩn với thế giới. Cái đích cao nhất mà họ tìm đến là cái mới, mà cái mới cao nhất so với các phần thế giới đã được biết là văn hóa bản địa của từng khu vực, từng đất nước. Nhiều nghệ sĩ quan tâm đến điều này.
Bằng cách giữ lại tinh thần của thủ công nhưng nâng tầm nó lên, họa sĩ muốn nhắc nhở mọi người giữ gìn văn hóa truyền thống. Đó cũng là con đường mà nhiều nghệ sĩ đương đại quan tâm trong bối cảnh gần đây hoạt động nghệ thuật trở nên mạnh mẽ, ý niệm trở về nguồn cội càng được đề cao.
Bùi Thanh Tâm gọi con đường trở về với nguồn cội, quay về với đặc sắc văn hóa truyền thống ấy là bước song hành của nghệ thuật dân gian với nghệ thuật hiện đại.