Các lệnh trừng phạt của phương Tây đang tấn công mọi mặt trong hệ thống tài chính của nước Nga, trừ một ngoại lệ là mạng lưới thanh toán vì Nga đã có sẵn một “lá chắn tài chính” là hệ thống thanh toán thẻ mang tên Mir của riêng mình.
Sau khi hai hệ thống thẻ phổ biến nhất toàn cầu là Visa và Mastercard rút lui khỏi Nga theo lệnh trừng phạt của phương Tây hồi đầu tháng này, hệ thống thanh toán nội địa của nước Nga vẫn hoạt động trơn tru. Trong khi phương Tây nhận định việc Nga thiếu hai gã khổng lồ thanh toán nói trên sẽ là vấn đề lớn, nhưng trên thực tế điều này không gây ra quá nhiều thay đổi.
Theo báo cáo của Nilson Report, đến cuối năm 2020, Nga có khoảng 197 triệu thẻ Mastercard và Visa. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, Moscow đã dần xây dựng và sử dụng một hệ thống thanh toán riêng được giám sát bởi Ngân hàng Trung ương Nga. Tổ chức Thanh toán Quốc gia Liên bang Nga (NSPK) điều hành hệ thống tài chính này để xử lý các giao dịch thẻ tại Nga.
Đây chỉ là một phần trong nỗ lực kéo dài 8 năm qua của Nga nhằm bảo vệ nền kinh tế trước sức ép tài chính từ phương Tây. Theo đó, Nga đã tích cực quảng bá cho thẻ thanh toán riêng mang tên Mir được xây dựng trên cơ sở hạ tầng của NSPK. Theo website của Mir, hơn 100 triệu thẻ Mir đã được phát hành kể từ khi ra mắt vào năm 2015.
Tờ Wall Street Journal nhận xét hệ thống thanh toán này là một “chiến thắng” của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc đối đầu tài chính với phương Tây, khi bảo đảm được an ninh quốc gia trong lĩnh vực thanh toán. Chính Visa và Mastercard cũng phải thừa nhận điều này.
Trong một cuộc thảo luận về các lệnh trừng phạt Nga, Giám đốc Điều hành của Visa, MasterCard và nhiều hãng thanh toán khác đã nói với quan chức Bộ Tài chính Mỹ rằng, việc cấm các mạng thanh toán của Mỹ xử lý giao dịch ngân hàng của Nga sẽ không gây ra nhiều tác động. Các lệnh trừng phạt sẽ chỉ đơn giản là thúc đẩy hệ thống thẻ Mir nội địa được thực hiện nhiều giao dịch hơn.
Tuy nhiên, không thể tránh việc khi Visa và MasterCard rút khỏi Nga đã khiến người Nga gặp khó khăn khi giao dịch tại nước ngoài. Hiện, mạng lưới của Mir chỉ mở rộng đến một số quốc gia nhỏ quanh Nga thuộc Liên Xô cũ.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Nga đã đàm phán để mở rộng mạng lưới thanh toán sang Venezuela và Iran. Một số ngân hàng Nga đang tìm hiểu hợp tác với UnionPay của Trung Quốc, để khách hàng có thể sử dụng thẻ ở nhiều nơi hơn.
Ngoài Nga, hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng phát triển hạ tầng thanh toán riêng, khiến tầm ảnh hưởng của Mỹ đến các nước thông qua hệ thống tài chính giảm đi. Ví dụ, UnionPay của Trung Quốc đang xử lý hầu hết các giao dịch nội địa trên thẻ do các ngân hàng nước này phát hành. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng bắt đầu có hệ thống riêng để giảm sự phụ thuộc vào Visa và MasterCard.
Với Nga, nước này đã xây dựng “lá chắn tài chính” của mình để giảm bớt áp lực từ phương Tây sau các lệnh trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập Crimea từ năm 2014. Sau khi hàng trăm nghìn người Nga phát hiện thẻ của họ không hoạt động chỉ sau một đêm vào tháng 3/2014 do các lệnh trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Putin đã ký luật thành lập NSPK.
Theo NSPK, từ con số 2 triệu thẻ vào năm 2016, đến cuối năm 2020, số thẻ Mir của họ phát hành tại Nga đã lên đến 95 triệu. Trong những tuần gần đây, việc phát hành thẻ Mir càng bùng nổ do các ông lớn ngành thẻ nước ngoài rút lui. Đây chính là một trong những cách mà Nga đang đối phó với sự cấm vận từ phương Tây.