Cùng con gìn giữ giá trị truyền thống - Khơi dậy cảm xúc

GD&TĐ - Giáo dục lịch sử và lòng yêu nước cho trẻ được coi là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ để bảo tồn giá trị truyền thống, mà còn chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ trong việc xây dựng nhân cách, nâng cao ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Các hoạt động chứa đựng văn hóa dân gian sẽ giúp trẻ thấm nhuần hơn tinh thần yêu nước. Ảnh minh họa: ITN.
Các hoạt động chứa đựng văn hóa dân gian sẽ giúp trẻ thấm nhuần hơn tinh thần yêu nước. Ảnh minh họa: ITN.

Giáo dục truyền thống lịch sử cần được nhìn nhận như một hành trình khơi dậy cảm xúc cho trẻ, chứ không chỉ là việc truyền đạt kiến thức. Điều đó cần sự chung tay của cả giáo viên và phụ huynh.

Cần trải nghiệm thực tế

Xác định việc giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho học sinh là một nội dung quan trọng, một số trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như: Hành trình về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ; tặng quà cho các thương, bệnh binh; nghe các nhân chứng kể chuyện… Tất cả các hoạt động đều được đông đảo học sinh hưởng ứng nhiệt tình, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng biết ơn “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều trường học cũng chú trọng đưa các hoạt động trải nghiệm lịch sử vào chương trình giáo dục. Mỗi chuyến đi không chỉ là dịp để trẻ khám phá, mà còn giúp các em cảm nhận một cách trực quan những giá trị văn hóa, truyền thống của quê hương.

Việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm thực tế vào chương trình giảng dạy giúp trẻ có cơ hội tiếp cận với lịch sử và văn hóa địa phương. Những buổi tham quan di tích không chỉ mở rộng hiểu biết của trẻ về vùng đất nơi mình sinh sống, mà còn khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống mà thế hệ cha ông đã vun đắp.

Bên cạnh đó, ngoài kiến thức về lịch sử, những hoạt động trải nghiệm còn mang đến cho trẻ cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm, xây dựng tính tự lập, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm. Những trải nghiệm thực tế này được coi là nền tảng vững chắc giúp thế hệ trẻ trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Nhiều năm qua, các trường đã đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Qua đó, nhằm giúp trẻ biết trân trọng, biết ơn những thế hệ cha anh đi trước, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục ý thức dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào truyền thống lịch sử cha ông cho thế hệ trẻ, thanh thiếu niên, nhất là trẻ mầm non, là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, toàn cầu hóa, quốc tế hóa với các yếu tố chủ quan và khách quan tác động đa chiều, thì càng cần tăng cường thực hiện giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước cho trẻ từ sớm. Ngay từ lứa tuổi mầm non, trẻ cần phải được hiểu rõ giá trị văn hóa truyền thống, chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam.

cung-con-gin-giu-gia-tri-truyen-thong2.jpg
Cha mẹ nên dạy con về tinh thần yêu nước từ những chuyện nhỏ, mang tính đời thường. Ảnh minh họa: ITN.

Chú trọng từ khi trẻ còn nhỏ

“Giáo dục ý thức dân tộc cũng như khơi dậy tinh thần yêu nước cho trẻ không phải là điều dễ dàng. Cách thức giáo dục cần không ngừng đổi mới cho phù hợp bằng những trải nghiệm thực tế và kết hợp với các hoạt động thực tế trong xã hội. Thầy cô, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy, tình cảm của trẻ. Mỗi người sẽ là tấm gương về lòng yêu nước, tự hào dân tộc để trẻ noi theo. Vì vậy, phải coi trọng giáo dục giá trị của độc lập, tự do, thể hiện tinh thần yêu nước, biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”, cô Trịnh Mai Chi - giáo viên Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Theo cô Chi, việc giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho trẻ luôn được chú trọng ngay từ những ngày đầu các bé đến trường. Song, người lớn không thể nuôi dưỡng tình yêu nước ở trẻ chỉ bằng cách bắt các bé hô vài khẩu hiệu, đọc bài báo yêu nước… Thay vào đó, cần lồng ghép thông điệp vào từng lời nói, hành động trong đời sống hằng ngày. Lòng yêu nước ở trẻ phải đến một cách tự nhiên nhất và được bồi đắp qua sách vở, âm nhạc, thơ ca…

“Việc học tập truyền thống văn hóa hay lịch sử không nên chỉ được thực hiện trong trường lớp hay từ các thầy cô. Cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy trẻ về lòng yêu quê hương. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cần giúp bé biết rằng, Việt Nam là nơi con sinh ra, sống và lớn lên với những người thân yêu”, cô Mai Chi gợi ý.

Cha mẹ không nên chỉ giáo dục “suông”, mà cần cho con tự do khám phá, hòa mình vào thiên nhiên, cảnh vật. Phụ huynh có thể dạy con về tình yêu quê hương, đất nước bắt đầu từ những hình ảnh cụ thể như cánh đồng, ruộng lúa, dòng sông, ngôi nhà nơi con ở... Ví dụ, khi gia đình đi du lịch cùng nhau, phụ huynh có thể truyền cảm hứng cho con hiểu vẻ đẹp của đất trời, sông núi. Hãy tạo cơ hội giúp con trải nghiệm tất cả sự khác biệt của những vùng miền địa lý khác nhau. Như vậy, trẻ sẽ hiểu rõ vẻ đẹp phong phú đa dạng của quê hương.

Yêu quê hương là giúp con trải nghiệm ẩm thực Việt Nam với các món ăn khắp mọi miền, cho con biết về những trò chơi dân gian; là tạo nhiều cơ hội cho con tiếp xúc với lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc qua sách, qua triển lãm, phim ảnh, qua những chuyến tham quan bảo tàng, di tích...; là trò chuyện, thảo luận nhiều hơn với con về những danh nhân, các tác phẩm văn học, hội họa, sân khấu… để gieo vào lòng trẻ sự tự hào.

Hãy dành thời gian đưa con đi xem lễ duyệt binh, diễu hành các sự kiện lịch sử lớn, các lễ kỷ niệm lịch sử quan trọng... Khuyến khích con tích cực tham gia một số hoạt động xã hội để trẻ trực tiếp trải nghiệm niềm vui và ý nghĩa của việc đóng góp cho quê hương. Điều này không chỉ nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm xã hội của trẻ, mà còn rèn luyện tinh thần làm việc nhóm và nâng cao kỹ năng lãnh đạo.

“Cha mẹ hãy là những người hướng dẫn con gắn kết với vạn vật trên quê hương qua những hoạt động giản dị. Cách giáo dục này giúp trẻ dần thấm nhuần giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước. So với cách dạy lý thuyết có phần cứng nhắc, thì phương pháp này sẽ trao cho trẻ sự hiểu biết về khái niệm lòng yêu nước theo hướng cụ thể và sống động hơn”, cô Mai Chi nhận định.

cung-con-gin-giu-gia-tri-truyen-thong3.jpg
Cùng mẹ đến tham quan di tích cách mạng Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Ảnh: Bình Thanh.

Bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ

Trẻ em vốn dĩ năng động và thích khám phá. Các con thường tiếp nạp kiến thức một cách tự nhiên thông qua cuộc sống thường nhật và những người con thường hay tiếp xúc nhất như mẹ cha, ông bà.

Cô Nguyễn Hương Ly - giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho biết, không công cụ nào có thể giúp trẻ học và nhớ nhanh bằng việc được nghe những câu chuyện kể. Đặc biệt là khi câu chuyện đó lại do những người mà trẻ yêu thương tin tưởng như cha mẹ kể. Vì vậy, dù bận rộn đến mấy, phụ huynh cũng nên dành thời gian mỗi ngày để kể cho con về những câu chuyện truyền thống, sự vật sự việc gắn liền với những phong tục tập quán.

Theo cô Hương Ly, cha mẹ không cần đề cập đến những giá trị truyền thống quá lớn lao ngay từ đầu. Thay vào đó, hãy bắt đầu từ những chuyện nhỏ, mang tính đời thường, liên quan trực tiếp đến nếp sống sinh hoạt hằng ngày của con. Ví dụ như văn hóa “đi thưa về trình” với người lớn, văn hóa “mời cơm” trong gia đình, phong tục dọn dẹp trang trí nhà cửa mỗi khi Tết đến… Đó đều là những điều trẻ chứng kiến. Từ đó, trẻ cũng sẽ dễ dàng hiểu và nhớ lâu.

“Trong bối cảnh thiết bị công nghệ phát triển, thay vì sử dụng để xem các chương trình giải trí nước ngoài, cha mẹ có thể hướng con xem các chương trình nghệ thuật trong nước, trò chơi văn hóa dân gian, hay những câu chuyện cổ tích… Trong khi xem, cha mẹ có thể phân tích để con thấy sự thú vị trong những hoạt động văn hóa, truyền thống”, giáo viên Hương Ly chia sẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy con về lịch sử, tinh thần yêu nước mỗi khi có dịp đặc biệt, như Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Lễ Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán... Điều đó sẽ giúp con thật sự sống trong không khí truyền thống. “Giáo dục lịch sử không nên chỉ dừng ở việc kể lại quá khứ, mà cần gắn kết với hiện tại và tương lai. Trẻ cần được truyền cảm hứng rằng, hiểu biết lịch sử để trân trọng quá khứ và tiếp nối tinh thần ấy trong việc xây dựng một đất nước vững mạnh”, cô Hương Ly cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ