Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự thành công và cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam vươn lên thành quốc gia giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Muốn vậy phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, số lượng đủ lớn.
Câu chuyện “bó đũa”
Năm 2022 và 2023, Đại học Đà Nẵng lần lượt ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Bách khoa Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Trước thời điểm ký kết hợp tác, Đại học Đà Nẵng cùng hai Đại học Quốc gia đã có những hợp tác quan trọng như phối hợp đề xuất, triển khai Dự án ODA (100 triệu USD cho mỗi đại học từ Ngân hàng Thế giới); Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học - PHER (với các đối tác Hoa Kỳ)…
Các đại học đã vượt qua không ít thách thức, khó khăn nhờ sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa lãnh đạo hai đại học cũng như các trường, đơn vị thành viên, trực thuộc. Điều đó thể hiện câu nói: Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì chúng ta phải đi cùng nhau”.
Thỏa thuận hợp tác của Đại học Đà Nẵng và 3 đại học trên tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Tuyển sinh và đào tạo; đảm bảo chất lượng, đổi mới quản trị đại học và đối sánh chất lượng giáo dục.
Đại học Đà Nẵng và đại học đối tác chú trọng đến các ngành mũi nhọn mà hai bên có thế mạnh để đáp ứng nhu cầu xã hội, chú trọng đến các vấn đề cấp thiết nhất là khu vực miền Trung. Trong đó, ưu tiên theo hướng liên ngành, hài hoà giữa nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng với nghiên cứu cơ bản/hàn lâm và công bố quốc tế; phối hợp tổ chức các sự kiện, hội nghị khoa học uy tín, chia sẻ mạng lưới học giả/chuyên gia…
Theo Giám đốc Đại học Đà Nẵng, sự phối hợp trong hợp tác quốc tế giúp các đơn vị có thể tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo quốc tế, trong đó mời các chuyên gia hàng đầu của thế giới đến Việt Nam cùng “3 điểm đến” là Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ về mô hình hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Đà Nẵng, GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Các đơn vị đã hoàn thiện sứ mệnh bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; vừa kế thừa nền tảng, thế mạnh trong các lĩnh vực, ngành Khoa học cơ bản, Khoa học xã hội và nhân văn, vừa phát triển thêm nhiều ngành, lĩnh vực mới như công nghệ, kỹ thuật ứng dụng, kỹ thuật số/chuyển đổi số… nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp với mô hình đại học đổi mới sáng tạo.
Trong đó, các trường đại học thành viên tập trung nghiên cứu, giảng dạy, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung cho chiến lược, chính sách đột phá và thúc đẩy tạo nên các giá trị mới.
Trong năm 2023 - 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia xây dựng và đề xuất các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia mới như: Chương trình chíp bán dẫn, hydrogen; chương trình công nghệ sinh học, khoa học biển, khoa học sức khỏe.
Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên phát triển các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ mới, tập trung vào công nghệ có khả năng ứng dụng cao, đồng thời chủ động tham gia vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu và tăng cường hợp tác với đối tác trong nước cũng như quốc tế để phát triển các dự án và chương trình lớn, xuyên quốc gia; hợp tác trong việc triển khai nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.
Từ thế mạnh này, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đơn vị có thể chia sẻ nguồn lực gồm hệ thống đối tác của mình trong khu vực và quốc tế, hệ thống các chương trình đào tạo, giải pháp khoa học - công nghệ đang sở hữu để thúc đẩy phát triển vùng.
“Đại học Quốc gia Hà Nội có thể ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Phạm Văn Đồng để phối hợp triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao với các đối tác trong khu vực và quốc tế. Hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết hợp tác với hơn 100 đối tác là đại học được xếp hạng cao trong hệ thống giáo dục quốc tế”, ông Quân cho biết.
Ở hướng khác, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội gợi mở khả năng hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với Đại học Đà Nẵng: Phối hợp xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh và phòng thí nghiệm dùng chung với sự tham gia của giảng viên hai bên, nhà khoa học quốc tế và chuyên gia doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường nghiên cứu hội nhập quốc tế.
Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Nẵng có thể cùng hợp tác với khu công nghệ cao ưu tiên của nhiều vùng kinh tế như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung… để cùng đưa các nghiên cứu vào thực tế và nghiên cứu từ thực tế.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Quyết Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Nẵng có cùng quan điểm phát triển trở thành trung tâm xuất sắc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và công nghệ, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực quan trọng phục vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Vì vậy, hai đại học có thể xây dựng chương trình nghiên cứu chung trên các lĩnh vực thế mạnh của hai bên, ví dụ như: Công nghệ bán dẫn, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng, hệ thống thông minh và nhà máy thông minh, năng lượng xanh và môi trường bền vững, công nghệ sinh học và sức khỏe, kinh tế biển, biến đổi khí hậu, quản trị tối ưu tài nguyên để nghiên cứu phát triển các công nghệ lõi, thúc đẩy ứng dụng và nội địa hóa công nghệ các sản phẩm.

Gạch nối giáo dục STEM giữa phổ thông - đại học
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 44 cơ sở giáo dục đại học nhưng phần nhiều quy mô đào tạo nhỏ, lẻ; nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân nhân lực trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế. Các trường đại học của địa phương gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh, năng lực, chất lượng và hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực giáo dục.
Cơ cấu đào tạo, tỷ trọng sinh viên theo các ngành STEM của các trường đại học trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Trong khi đó, nhiều ngành công nghiệp cần lực lượng lao động STEM như cơ khí, hóa dầu,... là các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.
Theo phân tích của các chuyên gia, lý do chính bởi công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội chưa triển khai đúng mức, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.
Ông Lê Quân cho rằng, quy trình đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục đại học ít thay đổi trong khi đây là khâu quan trọng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, với đào tạo tài năng, cần có sự ươm mầm, bồi dưỡng ngay từ bậc học phổ thông. Do vậy, rất cần sự liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học với trường phổ thông để vừa hướng nghiệp vừa bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu cho những học sinh xuất sắc.
Với định hướng nâng chất lượng nguồn tuyển cho khối STEM, các cơ sở giáo dục đại học thuộc thành viên của Đại học Đà Nẵng như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt Anh đã triển khai chương trình bồi dưỡng và chuyển giao phương pháp giáo dục STEM cho giáo viên phổ thông ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Cùng với đó, nhiều hoạt động trải nghiệm, đổi mới sáng tạo được các trường đại học tổ chức để hỗ trợ học sinh phổ thông phát triển ý tưởng, dự án học tập hoặc đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh. Đây là những nỗ lực để góp phần thay đổi cách tiếp cận học tập của học sinh phổ thông khi chuyển sang môi trường đại học.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) định hướng phát triển trở thành Hub (trung tâm) thu hút nguồn học sinh phổ thông có năng lực STEM. TS Nguyễn Linh Nam - Phó Hiệu trưởng cho biết, mô hình này giúp sớm định hướng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao ngay từ những năm học đầu, góp phần giải quyết nhu cầu ngày càng khắt khe của các doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Theo đó, từ năm 2024 - 2025, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) liên tục tổ chức chương trình tập huấn, trải nghiệm giáo dục STEM cho học sinh Đà Nẵng ở các Trường THCS Lê Hồng Phong, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, Trường THPT Ngô Quyền. Học sinh được tiếp cận với các khái niệm cơ bản của giáo dục STEM; tìm hiểu về những ứng dụng của STEM trong thực tiễn; trải nghiệm mô hình STEM liên quan đến khoa học kỹ thuật công nghệ.
Học tập thông qua trải nghiệm tại phòng thực hành, xưởng chế tạo, phòng thí nghiệm… giúp học sinh có cơ hội hiểu hơn về các ngành nghề liên quan đến khoa học kỹ thuật công nghệ nói chung, góp phần giúp học sinh có định hướng phù hợp trong việc lựa chọn các ngành học thuộc lình vực STEM trong tương lai.
Để khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã phối hợp với các trường THCS tổ chức cuộc thi Thiết kế bánh xe mơ ước trong khuôn khổ “Ngày hội STEM - Khơi nguồn sáng tạo”, Đường đua tương lai trong khuôn khổ “Ngày hội giáo dục STEM - Sáng tạo không giới hạn”…
Học sinh các trường phổ thông có thêm sân chơi từ cuộc thi “Sáng tạo kết cấu - CED 2025”. Các mô hình xe điều khiển không dây là sản phẩm mà học sinh đã tự tay thiết kế trong quá trình tập huấn tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật.

Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Đề xuất mô hình xây dựng các tổ tư vấn ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sinh viên, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh thành phần bao gồm chuyên gia tài chính, mô hình kinh doanh, chuyên gia tư vấn công nghệ, các chuyên gia tư vấn pháp lý.
“Có thể xây dựng quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế để giao cho một số cơ sở giáo dục đại học uy tín thí điểm cơ chế đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên trong giai đoạn sớm, gọi là đầu tư thiên thần.
Khoản đầu tư nhỏ nhưng số lượng dự án được đầu tư nhiều và theo hướng kết hợp cùng Quỹ đầu tư mạo hiểm, chú trọng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên giúp phát triển khoa học công nghệ. Từ đó, tăng số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sinh viên được đầu tư vốn sớm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát triển và thành công”, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội gợi ý.
Để các vùng triển khai mạnh mẽ chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nói chung, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, theo lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, cần tạo ra cộng đồng để sinh viên cùng trao đổi và hình thành các ý tưởng sáng tạo.
Việc kết nối này, có thể hình thành thông qua Mạng lưới các câu lạc bộ khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (HUB Network). Hiện mạng lưới HUB Network có kết nối tới sinh viên 8 khu vực khác nhau trên thế giới.
Trên cơ sở này, ông Huỳnh Quyết Thắng đề xuất Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là hạt nhân phát triển cộng đồng sinh viên sáng tạo khởi nghiệp Thủ đô Hà Nội gắn với mạng lưới HUB Network và lựa chọn một số cơ sở giáo dục đại học uy tín là trung tâm kết nối, từ đó lan tỏa với cộng đồng sinh viên sáng tạo khởi nghiệp Đà Nẵng.
Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự hợp tác chặt chẽ với cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần phải xác định 3 từ khóa: Cạnh tranh - gắn kết và nguồn lực. Về nguồn lực, vừa là trách nhiệm của Trung ương và địa phương không chỉ trong vấn đề tài chính mà còn ở cơ chế, chính sách và yếu tố con người.