Kỳ vọng về giáo dục năm 2019

GD&TĐ - Năm 2018 trôi qua đầy cảm xúc với đội ngũ những người làm trong ngành Giáo dục cũng như đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Gắn bó với giáo dục, các đại biểu Quốc hội chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại những nhận định cũng như kỳ vọng đối với GD-ĐT trong năm tới.

Kỳ vọng về giáo dục năm 2019

ĐBQH Đinh Thị Bình – GV Trường THPT Minh Đài (Tân Sơn, Phú Thọ):

Động lực phát triển từ những chính sách mới

Năm vừa qua, nói về giáo dục có lẽ nhiều người nhắc đến câu chuyện bạo hành trẻ mầm non, những hình phạt phản giáo dục của một số GV hay vụ việc tiêu cực chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Không khó để giải thích phản ứng của người dân trước những sự việc gây ra từ một vài “con sâu” trong ngành, bởi lẽ giáo dục là vấn đề của mọi người, mọi nhà nên luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội.

ĐBQH Đinh Thị Bình
 ĐBQH Đinh Thị Bình

Tuy nhiên, hãy nhìn nhận thật sự khách quan khi đánh giá về giáo dục. Trong những năm qua, cùng với KT-XH của đất nước, ngành Giáo dục đã đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Ngân sách chi cho giáo dục tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đủ để đáp ứng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường, nhất là vùng trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qui mô lớp học và số HS tăng nhanh nhưng số GV, nhân viên còn thiếu, lại vừa phải tinh giản biên chế theo đúng lộ trình gây sự quá tải và áp lực. Vấn đề chế độ chính sách cho GV chưa thực sự đảm bảo cho thầy cô duy trì cuộc sống, lương nhà giáo chưa đủ nuôi sống bản thân và gia đình, nhất là GV mầm non hợp đồng…

Khó khăn là thế nhưng đội ngũ thầy cô giáo, nhất là các thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn vẫn luôn bám lớp, bám trường. Hình ảnh thầy cô vác bàn ghế lội sông, đẩy xe máy cho nhau, trèo đèo tới lớp; hay cùng HS oằn mình chạy lũ thực sự khiến chúng ta khâm phục ý chí của họ.

Mặc dù thành quả của ngành Giáo dục còn nhiều, nhưng chỉ xin khẳng định một thành quả mà khó có điều kiện vật chất nào tạo ra được, đó là tấm lòng nhiệt huyết với nghề của đội ngũ nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các thầy cô công tác ở vùng khó khăn. Nếu không có tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, say sưa với sự nghiệp trồng người hẳn sẽ chẳng có sức mạnh nào có thể đưa họ đến với những nơi khó khăn như thế để hoàn thành sự nghiệp cao cả của mình.

Năm 2019, đất nước tiếp tục đứng trước những thời cơ, thuận lợi cùng khó khăn thách thức mới. Đặc biệt, việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế của quốc gia mà còn có những tác động trực tiếp tới GD-ĐT.

Bởi vậy, vấn đề đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng là phải hoàn thiện thể chế, chính sách về GD-ĐT. Việc thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục ĐH trong những năm tới có thể phát triển đúng như kỳ vọng.

Trong năm 2019, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện về thể chế, để sự nghiệp GD-ĐT tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước và yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Chúng ta kỳ vọng rằng, cùng với hoàn thiện thể chế, việc ban hành các chính sách mới về giáo dục trong thời gian tới sẽ tạo động lực cho ngành Giáo dục phát triển; tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo tiếp tục cống hiến. Cũng hy vọng, cử tri và nhân dân sẽ luôn đồng hành, ủng hộ, động viên, quan tâm, chia sẻ với thầy trò, để sự nghiệp GD-ĐT thực sự là của toàn dân chứ không chỉ của đội ngũ những nhà giáo.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Tin tưởng vào thành quả giáo dục năm 2019

ĐBQH Hoàng Văn Cường
ĐBQH Hoàng Văn Cường 

Tri thức (được đo bằng số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng) là một trong 3 tiêu chí của Chỉ số phát triển con người (HDI), cùng với sức khỏe và thu nhập. Dù thu nhập bình quân đầu người của chúng ta còn thấp, nhưng nhờ tiêu chí tri thức, sức khỏe nên chỉ số HDI của Việt Nam vẫn xếp hạng ở mức khá.

Trong công bố vào tháng 3/2018, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam là một trong 2 quốc gia thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng; HS Việt Nam có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Hiện cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS.

Đặc biệt, năm nay HS Việt Nam ghi dấu ấn ấn tượng trong các kỳ Olympic khu vực và quốc tế. Lần đầu tiên 100% HS các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt huy chương, trong đó có những HS trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới.

Về giáo dục ĐH, trong năm 2018, thí điểm về mô hình tự chủ ĐH đã khẳng định được sự thành công và là cơ sở thực tế để Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Nhiều trường, chất lượng đào tạo và nghiên cứu đã có bước tiến rõ rệt, thể hiện ở số các trường có mặt trong bảng xếp hạng khu vực và quốc tế tăng; lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học nằm trong top 1.000 thế giới.

Tuy nhiên, trong năm qua cũng nổi lên một số vụ việc làm dậy sóng dư luận, liên quan đến tiêu cực thi cử, đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường. Dù các sự việc xảy ra không phải phổ biến và lĩnh vực nào cũng có thể có, tuy nhiên với một lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến mọi người, mọi nhà như giáo dục, những sự việc đó dường như được quan tâm nhiều hơn, được nói đến nhiều hơn. Việc này cũng có khía cạnh tích cực nếu nhìn nhận ở tính minh bạch và công khai trong giáo dục.

Với thành công của đổi mới đã đạt được trong năm qua, cùng quyết tâm hành động của ngành Giáo dục, cũng như sự quan tâm của xã hội, tôi tin tưởng rằng, năm 2019 ngành Giáo dục sẽ có nhiều thành quả hơn nữa. Đặc biệt là những tiền đề vững chắc cho triển khai Chương trình, SGK mới với GDPT; những điều kiện để các cơ sở giáo dục ĐH thực sự chuyển mình sang cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm, từ đó khẳng định vị thế và chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ