Kỳ vọng ở chính sách đột phá trong việc tuyển dụng và giữ chân nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước thực tế không ít GV nghỉ việc với nguyên nhân chính là thu nhập thấp, nhiều địa phương đã xây dựng đề án thu hút và giữ chân đội ngũ.

Giáo viên Trường Tiểu học Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) trong giờ lên lớp. Ảnh: Hồ Phúc
Giáo viên Trường Tiểu học Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) trong giờ lên lớp. Ảnh: Hồ Phúc

Các chính sách được thông qua kỳ vọng góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giúp thầy cô yên tâm công tác.

Nhiều chính sách thu hút

Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đang triển khai lấy ý kiến góp ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành đối với Dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023 - 2025).

Theo đó, dự thảo đưa ra chính sách thu hút, tuyển mới giáo viên một lần với mức thấp nhất 120 triệu đồng/người và cao nhất 200 triệu đồng/người. Đối với chính sách hỗ trợ hằng tháng, nếu giáo viên đang hưởng mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng, giáo viên công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, giảng dạy tại trường chính trị tỉnh có thể được hỗ trợ thấp nhất 1,5 triệu đồng/người và cao nhất 2,5 triệu đồng/người.

Đối tượng dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ, thu hút gồm: Giáo viên tham gia tuyển dụng mới, trúng tuyển và nhận công tác ở cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh; giáo viên dạy bộ môn khó tuyển dụng gồm Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân cấp học phổ thông; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS - THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số xã của các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất, Định Quán của tỉnh Đồng Nai… Dự kiến nguồn lực chi cho chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên là 440 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 5/2023, Sở GD&ĐT Tây Ninh tham mưu UBND trình HĐND tỉnh Dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông về công tác ở địa bàn đặc thù. Theo đó, địa phương đưa ra nhiều chính sách thu hút giáo viên. Cụ thể, với sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHSP TPHCM, Trường ĐHSP Hà Nội đạt loại giỏi, hoặc trình độ thạc sĩ chuyên ngành ở cơ sở giáo dục đại học khác, nếu có cam kết phục vụ tối thiểu 7 năm liên tục trong ngành Giáo dục, phù hợp với vị trí việc làm thì tuyển dụng và hỗ trợ 50 triệu đồng.

Trường hợp được tuyển dụng và có cam kết phục vụ ít nhất 5 năm, hưởng các chính sách thu hút, cụ thể như sau: Giáo viên mầm non tuyển dụng mới kể từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2026 – 2027, năm đầu tuyển dụng hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng. Năm thứ hai sau khi tuyển dụng hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng. Năm thứ ba sau khi tuyển dụng hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng. Từ năm thứ tư, thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành.

Còn giáo viên phổ thông mới tuyển dụng thuộc các môn thiếu thì thời gian tập sự hưởng 100% mức lương theo ngạch, bậc tuyển dụng; được trợ cấp lần đầu để ổn định nơi công tác với số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Ngoài ra, hằng tháng mỗi giáo viên được hỗ trợ 1 triệu đồng…

Giáo viên tỉnh Đồng Nai tham gia coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hồ Phúc

Giáo viên tỉnh Đồng Nai tham gia coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hồ Phúc

Quan tâm đến chế độ

Từ năm 2020 - 2023, tỉnh Đồng Nai có trên 1 nghìn giáo viên, nhân viên trường học nghỉ việc, nguyên nhân chính do thu nhập chưa đủ sống. So với định biên, đội ngũ giáo viên các cấp của địa phương thiếu 3.600 người. Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ, đãi ngộ với giáo viên cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023 - 2025) được đưa ra lấy ý kiến đã tạo sự phấn khởi cho nhiều địa phương, nhất là huyện khó khăn trong việc giữ chân đội ngũ đang công tác và tuyển dụng nhân sự mới.

Cô Kiều Thị Tố Uyên - giáo viên gắn bó hơn 20 năm tại Trường Tiểu học - THCS Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: Trường có 1 điểm chính tại trung tâm xã Mã Đà, 4 điểm lẻ tại ấp 3, 5 và 2 điểm tại ấp 4. Các điểm trường đang thiếu 5 giáo viên. Với khoảng cách các điểm trường trên dưới 30km, mỗi tháng thầy cô phải tự túc chi phí xăng xe, trong khi thu nhập như thầy cô nơi khác, không có phụ cấp.

“Khi biết Dự thảo chính sách hỗ trợ đãi ngộ giáo viên của sở GD&ĐT đang lấy ý kiến, chúng tôi rất phấn khởi và kỳ vọng. Chính sách nếu hiện thực hóa sẽ giúp thầy cô an tâm công tác, tạo sức hút cho các trường khó khăn trong công tác tuyển dụng. Tôi và đồng nghiệp đều mong chờ chính sách này sớm được thông qua”, cô Uyên chia sẻ.

Tại tỉnh Bình Dương, năm học 2022 - 2023, có 478 giáo viên, nhân viên nghỉ việc. Sau kỳ tuyển dụng viên chức năm học 2023 - 2024, hiện địa phương thiếu 2.560 giáo viên các cấp học. Theo bà Trương Hải Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, địa phương thiếu nhiều giáo viên gồm TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và thị xã Bến Cát. Nguyên nhân do một số môn không có nguồn tuyển, ngoài ra chế độ, chính sách cho giáo viên chưa đủ mạnh để giữ chân họ cống hiến cho ngành GD-ĐT.

“Chính sách thu hút, chế độ, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương đang thực hiện theo Nghị quyết số 05 và Nghị quyết 07 năm 2019 của HĐND tỉnh. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND trình HĐND tỉnh điều chỉnh Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 05. Dự kiến Nghị quyết sẽ được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương họp, xem xét vào kỳ họp cuối năm 2023”, bà Thanh cho hay.

Tại TPHCM, ngày 3/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM có văn bản đề nghị UBND TPHCM quan tâm chỉ đạo công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, nhất là các môn thiếu giáo viên như: Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học, Tổng phụ trách Đội. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM kiến nghị cần có chế độ, chính sách đặc thù cho giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non và tiểu học. Đồng thời xem xét, bổ sung ngân sách chi tiền dạy buổi 2 cho giáo viên tiểu học đang dạy các khối 1, 2, 3, 4. Hiện, ngân sách không có khoản chi này, trong phụ lục danh mục theo Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) chỉ áp dụng khoản thu buổi 2 với khối lớp 5.

Tại buổi thảo luận tổ về vấn đề kinh tế - xã hội năm 2023 và 2024 diễn ra sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ chính thức thông qua cải cách tiền lương. Chính sách tiền lương mới sẽ cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản (70%), tỷ lệ phụ cấp (30%); loại hết cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản, để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điều này phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ. Cải cách giúp ngành Giáo dục, Y tế thực hiện được mục tiêu tăng lương. Viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.