Kỳ vọng được gỡ khó

GD&TĐ - Hy vọng Luật Nhà giáo sớm được thông qua để ngành Giáo dục và các địa phương sớm gỡ khó bài toán tinh giản biên chế và phát triển đội ngũ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong các cuộc góp ý dự thảo Luật Nhà giáo gần đây, nhiều cử tri, đại biểu đề xuất cần có chính sách không giảm biên chế sự nghiệp giáo dục; thực hiện đúng chủ trương có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp. Và chính sách này cần được quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo, để tháo gỡ khó khăn.

Đề xuất trên xuất phát từ thực tế thực hiện chủ trương tinh giản biên chế ở các địa phương thời gian qua. Viên chức ngành Giáo dục chiếm số lượng lớn trong khối viên chức, vì thế, tỷ lệ tinh giản gây áp lực cho ngành Giáo dục không hề nhỏ.

Như tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2026 phải thực hiện giảm 10% biên chế viên chức, tương đương hơn 6 nghìn người; trong đó chủ yếu giảm biên chế sự nghiệp giáo dục. Nếu tinh giản biên chế đủ tỉ lệ theo quy định của Trung ương thì địa phương đang thiếu giáo viên càng thiếu thêm.

Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Để thực hiện chủ trương này, thời gian qua chính quyền, ngành chức năng địa phương và các cơ sở giáo dục phải triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo phương châm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Có thể kể như: Ký hợp đồng với giáo viên theo từng năm, thuê giáo viên thỉnh giảng theo tiết, tăng sĩ số học sinh/lớp, sắp xếp, sáp nhập các trường...

Các giải pháp này phần nào giải quyết được vướng mắc do thiếu giáo viên, nhưng để lại nhiều hệ lụy. Việc tuyển giáo viên hợp đồng không được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới tình trạng không đúng quy định, sau đó phải dừng hợp đồng hàng loạt, gây bức xúc với giáo viên và dư luận xã hội.

Một số địa phương áp dụng giải pháp cứng nhắc để đối phó bằng cách điều động giáo viên thừa ở cấp học này sang dạy cấp học khác, không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với giáo viên, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Việc tập trung tinh giản nhân viên khiến gánh nặng công việc đè lên đội ngũ làm công tác hỗ trợ trường học quá lớn trong khi thu nhập thấp, dẫn đến làn sóng nghỉ, bỏ việc ở nhóm này...

Thực tế khó khăn từ tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục thời gian qua đòi hỏi phải có giải pháp, chính sách mang tính bền vững, phù hợp hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước, bởi giáo dục là ngành đặc thù, không thể thực hiện tinh giản cơ học mà phải dựa trên nguyên tắc có người học là phải có trường lớp và giáo viên đạt chuẩn.

Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục cần thực hiện theo hướng sắp xếp lại bộ máy, tổ chức sử dụng lực lượng cán bộ, giáo viên tại những nơi có điều kiện phù hợp, tinh giản những vị trí không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, triển khai các giải pháp đồng bộ để đổi mới công tác tuyển dụng, giảm bớt cơ quan đầu mối, lãnh đạo… Những nội dung này đã và đang được cử tri gửi gắm qua hệ thống chính sách về quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Gần đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, tiến độ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 10/2024), trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 5/2025) và thời gian luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2027. Hy vọng Luật Nhà giáo sớm được thông qua để ngành Giáo dục và các địa phương sớm gỡ khó bài toán tinh giản biên chế và phát triển đội ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ