(GD&TĐ) - Kỷ niệm 38 năm chiến thắng (30/4/1975 - 30/4/2013), giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, NXB Thanh niên tái bản lần thứ 5 tác phẩm "Ký ức Chiến tranh" của thầy giáo Vương Khả Sơn, Chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Đây là cuốn sách nằm trong tủ sách "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi Hai mươi" của NXB Thanh niên. Qua 4 lần tái bản với số lượng lên đến hàng chục ngàn bản, cuốn sách đã được đông đảo các tầng lớp độc giả, đặc biệt là các thầy, cô giáo và tuổi trẻ học đường cả nước đón đọc đã tạo nên một hiệu ứng xã hội rộng lớn.
Xin chúc mừng thầy về tác phẩm: "Ký ức chiến tranh" được tái bản lần thứ 5. Nhân dịp này, thầy có thể chia sẻ cho độc giả báo Giáo dục và Thời đại được biết quá trình "thai nghén" tác phẩm ra sao?.
- Thật ra thì ý định làm một việc gì đó để tỏ lòng tri ân đồng đội đã hy sinh xương máu góp phần cùng cả dân tộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã nung nấu trong tôi từ khi rời quân ngũ vào tháng 7/1976. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà mãi vẫn chưa thực hiện được. Đó chính là nỗi niềm đau đáu, thường trực mà tôi luôn thấy như mình như đang mắc nợ với đồng đội và với cả chính mình. Năm 2004, khi cả nước náo nức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi mới thực sự có cơ hội để dồn hết tâm huyết của mình bằng một việc làm thiết thực nhất trong khả năng có thể đó là ghi lại hiện thực "mắt thấy tai nghe" với tư cách của người trong cuộc. Và tôi đã hoàn thành bản thảo "Ký ức chiến tranh" gần 250 trang trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 11/2004 đến tháng 3/2005).
Không phải là nhà văn, cũng không có ý định viết văn như thầy tâm sự, nhưng tác phẩm đã thành công vượt xa mong đợi của tác giả..
- Ý này tôi đã bộc lộ trong lời “Tựa” đầu sách: "Tôi không có ý định đem những trang viết này xin đăng tải trên báo hay tạp chí hoặc đến một Nhà xuất bản nào đó để có thể in thành sách. Mà chỉ có nỗi niềm viết cho đồng đội - những người đã cầm súng chiến đấu góp phần giải phóng đất nước, những người đã đi qua chiến tranh (hoặc con cháu họ) để khi đọc hồi ký này có thể tìm lại bóng dáng, nỗi niềm của cha ông mình ở một thời máu lửa trong thế kỷ XX trên những trang viết để có thể sống tốt hơn với quá khứ vẻ vang ấy".
Sau khi cuốn sách ra đời, tôi đã nhận được hàng ngàn bức thư tay, thư điện tử qua mail, qua tin nhắn, các comments. Tất cả đều có chung những cảm xúc và nỗi niềm: Bày tỏ lòng tri ân với quá khứ oanh liệt của cha ông đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Sau đó, Sở GD&ĐT Quảng Bình; Trường THPT Năng Khiếu Hà Tĩnh, Trường THPT An Ninh, Đức Hoà, Long An; trường THPT Thủ Thừa, Long An; Trường sỹ quan Lục quân II, Long Thành, Đồng Nai; Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Hà Nội; Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, Hà Tĩnh; Trường THCS Quang Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh đã mời tôi giao lưu cùng CB, chiến sỹ, GV, CNV, học sinh…
Năm 2010, Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Tĩnh đã đặc cách kết nạp tôi vào Hội. Và cuốn "Ký ức Chiến tranh" đã giành được giải Nhất giải thưởng VHNT Nguyễn Du (2005-2010) về Văn xuôi của Hội LHVHNT Hà Tĩnh.
Ảnh bìa sách |
Theo thầy, điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của cuốn hồi ký?
- Tôi đã viết bằng tất cả tâm huyết, tình cảm; bằng cả máu và nước mắt của mình những năm tháng bi tráng cùng đồng đội thường trực đối mặt với sống, chết.. Đặc biệt tôi không né tránh hiện thực, kể cả những hiện thực bi thương nhất, sự hy sinh mất mát to lớn nhất trong cuộc chiến.
Tôi cũng đã từng đọc say sưa cuốn Hồi ký của thầy và thích nhất là những hiện thực trần trụi, khốc liệt mà thầy đã kể lại trong đó. Thầy có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời cầm súng.
- Lúc vừa đặt chân vào chiến trường chưa kịp vào trận đã phải hứng chịu sự tổn thất ngoài sức tưởng tượng bởi B52 rải thảm vào đội hình đóng quân, xoá sổ nguyên cả một tiểu đoàn hàng trăm người. Rồi liên tiếp các chiến dịch mùa Xuân 1972 đến chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa" năm ấy; Chiến dịch bảo vệ Hiệp định Paris năm 1973 - 1974 đến chiến dịch mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng chiến thắng 30/4. Trung đoàn chúng tôi ngày đi B với trên 2600 quân vậy mà sau ngày giải phóng miền Nam còn lại chưa đầy 800, nhiều người trong số đó không còn nguyên vẹn. Gần như tất cả đều bị thương.
Biết bao kỷ niệm được tái hiện trong hồi ký chỉ như mới ngày hôm qua:
Nào là mang vác thương binh liệt sỹ tử trận vượt lửa đạn ra ngoài an toàn; nào là băng bó cho viên sỹ quan nguỵ bị thương rồi tha mạng; nào là đồng đội hy sinh trên tay mình khi bị thương đang được băng bó; nào là cõng thương binh ra khi bị địch phục kích đánh toàn lựu đạn… Kỷ niệm về 14 đồng đội là chiến sỹ Thi đua đi họp ở Cam puchia về đơn vị bị địch phục kích bắn chết hết 13 người; Kỷ niệm về tấm gương hy sinh quả cảm của đồng đội Nguyễn Văn Đinh, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh bị thương gãy chân không thể bò ra được đã anh dũng điểm hỏa cho gần 10 kg thủ pháo TNT mang trên mình tiêu diệt hàng chục tên lính nguỵ; Kỷ niệm về việc đồng đội bắn quả B40 để tiêu diệt 7 tên lính nguỵ ngay trước công sự mà mình ngủ quên. Kỷ niệm về tình quân dân, về tình yêu lãng mạn trong chiến tranh...
Tất cả đó chỉ là những ghi chép lại theo trục thời gian thuận, và theo ký ức hết sức trung thành. Tất cả vì đồng đội những người đã hy sinh cũng như những người còn sống chứ không phải làm văn chương!
Tất cả ký ức thầy đã “tuôn” hết vào “Ký ức chiến tranh”, hay vẫn còn ẩn ức, cựa quậy và thôi thúc thầy một nay mai sẽ viết tiếp một tác phẩm tầm vóc hơn..?
- Tôi chưa thể hài lòng với "Ký ức chiến tranh", mặc dù nó đã gặt hái nhiều thành công ngoài ý muốn. Bởi sự hy sinh xương máu to lớn của đồng đội tôi trên một không gian chiến trận rộng lớn từ Hà Tĩnh, Quảng Bình vượt Trường Sơn trên đất bạn Lào, Campuchia đến chiến trường Đông Nam Bộ cùng một thời gian đằng đẵng gần 2000 ngày đêm không ngừng tiếng súng, tôi không thể nào nói hết được, diễn tả hết được trong một cuốn hồi ký ngắn gọn như thế, mặc dù đã hết sức cố gắng để tái hiện trong một dung lượng rất nhỏ nhưng đậm đặc nhất.
Lâu nay tôi đang âm thầm viết tiếp về đồng đội mình qua cuốn tiểu thuyết "Im lặng vang dội" mà gần 3 năm nay nó đã đi được khoảng 2/3 chặng đường (gần 300 trang). Cuốn sách sẽ vắt qua cả 2 thời kỳ chiến tranh và hậu chiến (với 3 giai đoạn: chống Mỹ, bao cấp và mở cửa hội nhập) với số phận của những nhân vật - người lính chiến đấu hy sinh và sống sót trở về sau chiến tranh. Họ phải đối mặt với bao thử thách nghiệt ngã của hiện thực cuộc sống với những cuộc đấu tranh nội tâm âm thầm, quyết liệt, dữ dội, dai dẳng không khác gì ngoài chiến trận…
Lê Văn Vỵ