Ký ức người lính Điện Biên: Bẻ hoa ban đánh dấu đường hành quân!

GD&TĐ - Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày 7/5 lịch sử, giã từ vũ khí, giã từ chiến trường, thế nhưng ký ức Điện Biên vẫn rõ mồn một trong tâm trí ông Nguyễn Việt Sỹ: “Đến bây giờ, tôi vẫn có thể hình dung và vẽ lại toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ, nó ở trong đầu và rõ như lòng bàn tay tôi” -ông nói.

Ký ức người lính Điện Biên: Bẻ hoa ban đánh dấu đường hành quân!

Năm 1952, đang học cấp 3 thì chàng thanh niên Nguyễn Việt Sỹ (SN 1934) “trốn mẹ” đi bộ đội. “Mẹ không cho đi, nhưng tôi trốn nhà đi. Ngày ấy, nhà tôi còn ở quê xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Tối hôm đó, chị dâu nấu cho nồi cơm nếp, rồi sáng hôm sau gói vào lá chuối cho tôi mang theo lên đường tòng quân” - ông Sỹ kể lại.

Nguyễn Việt Sỹ tham gia chiến dịch Tây Bắc, rồi tiếp tục nhận lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ. Sau nhiều những trận đánh cam go cả ở chiến trường lẫn trên bàn ngoại giao, khu vực lòng chảo Điện Biên đã trở thành một cụm cứ điểm quan trọng có ý nghĩa chiến lược quyết định cho toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Cả quân ta lẫn thực dân Pháp đều dồn lực lượng cho cú đánh cuối cùng này, để tiến tới một hiệp ước trên bàn ngoại giao.

“Thực tế chiến đấu không như phim, có khi mình thắng trận, nhưng cũng có lúc mình thất thủ”, ông Sỹ nói. Rồi như sống lại với những trận đánh ác liệt năm xưa, ông cố gắng kể lại chính xác diễn biến cuộc chiến đấu mình đã góp công, như mong lớp con cháu chúng tôi đừng bao giờ quên lịch sử:

“Cuối năm 1953 địch đổ quân xuống Điện Biên. Các cố vấn của ta nhận định, địch vừa đổ quân xuống, chưa kịp đào công sự, khả năng phòng ngự yếu nên cần đánh nhanh, thắng nhanh, nội trong 3 ngày 2 đêm là có thể đánh chiếm được sân bay Mường Thanh.

Tuy nhiên, trong quá trình tấn công vào tập đoàn cứ điểm này, ta phải chịu nhiều thiệt hại lớn về người, vũ khí và phương tiện chiến đấu, đặc biệt là chịu hậu quả nặng nề từ các trận pháo kích của đối phương...”.

Thời điểm bấy giờ, Nguyễn Việt Sỹ là chiến sĩ quân báo, thuộc đại đội 926, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, là một trong 6 người được cử đi làm thăm dò quân địch. Nhiệm vụ bao gồm tìm hiểu căn cứ địch, cách bố trí các trận địa pháo, sân bay Mường Thanh… Những thông tin này sẽ góp phần quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả các trận đánh của ta.

Núi rừng hoang sơ, lính trinh sát ngụy trang cẩn thận, bám gót nhau. “Để khỏi bị lạc và nhớ đường trở về đơn vị, chúng tôi bẻ hoa ban để đánh dấu nơi mình đi qua. Lúc ấy đang là mùa xuân, mùa hoa ban Tây Bắc”, ông Nguyễn Việt Sỹ nhớ lại.

Đến khi trèo được lên đỉnh núi Pú Hồng Mèo, mọi người phân chia nhau trèo lên cái cây cao nhất, dùng mắt thường để “đo” khoảng cách tới sân bay Mường Thanh, xác định các loại máy bay mà địch sử dụng như máy bay chở xăng, máy bay chở vũ khí. “Nếu ai bị địch phát hiện bắn trúng, thì người khác thế chỗ. Lần lượt mỗi người trèo lên cây “đo” 1 lần, sau đó thống nhất với nhau về khoảng cách.

Theo đường chim bay, khoảng cách từ núi Pú Hồng đến sân bay Mường Thanh là 1.800m. Chúng tôi cũng nắm quy luật thả dù của Pháp, nếu thả dù đỏ, tức là thả tướng, dù xanh là thả lính, dù trắng là tiếp phẩm”.

Cùng với những thông tin về trận địa pháo của địch, nhóm trinh sát trở về báo cáo với chỉ huy.

Có một thời như thế

Tháng 3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Thái Nguyên sang Điện Biên Phủ trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Nguyễn Việt Sỹ là một trong những người tham gia đo chu vi phục vụ xây dựng căn cứ hầm Đại tướng, đào dưới chân núi Phú Hồng Mèo, trên đỉnh núi, một trận địa cối 82 ly được bày bố.

Đêm Giao thừa năm 1954, từ đỉnh Pú Hồng Mèo, lần lượt 6 khẩu cối 82 ly khai hỏa hướng, một số máy bay của địch ở sân bay Mường Thanh bốc cháy dữ dội.

Ngay lập tức, các đợt pháo kích của địch cấp tập bắn trả, 13 chiến sĩ đã hi sinh. Ông Nguyễn Việt Sỹ cũng bị thương. Ngay trận đầu tiên quân ta bị thương vong nặng nề nhưng các trận địa pháo của địch bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng bị lộ.

Chiều hôm sau (26/1/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức cuộc họp ở hầm chỉ huy. Sau khi phân tích tình hình thực tế, Đại tướng lấy ý kiến của các chỉ huy các đơn vị và quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đại tướng ra lệnh rút quân ra, tổ chức đào hào bao vây địch, các đơn vị văn công được lệnh biểu diễn động viên tinh thần lính tráng. Một không khí thi đua lập công tràn ngập các chiến hào”, toàn quân bước vào công cuộc khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt như nhà thơ Tố Hữu từng viết.

Tối ngày 6/5, khối bộc phá 1.000kg phát nổ dưới lòng đồi A1, phát lệnh tổng tiến công. Từ các chiến hào, quân ta tràn lên chiếm lĩnh trận địa trước sự chống cự quyết liệt của địch với sự hỗ trợ của xe tăng, pháo cao xạ và máy bay ném bom. Cũng chính tại đồi A1, Nguyễn Việt Sỹ lần thứ 3 bị thương, nhưng vẫn kiên gan chiến đấu, và sau này được Bác Hồ tặng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.

Chiều 7/5, tướng Đờ Cát xin hàng. 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Thời khắc ấy, những người lính áo bết bùn, bạc mùi thuốc súng, ôm nhau hô vang Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp mà nước mắt trào ra.

Rồi khi những tên lính Pháp đầu hàng bị giải giáp đi, thì quân ta cũng đếm lại đơn vị mình: có người được chứng kiến ngày chiến thắng, cũng có đồng đội đã ngã xuống trong lúc rũ bùn xông lên.

Bây giờ, chiến tranh đã lùi xa lắm rồi. Nhưng ký ức về một thời khói lửa vẫn được lưu giữ trong ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Việt Sỹ, ở bộ quân phục đã sờn màu nhưng ông nâng niu, gìn giữ suốt bao năm; ở những tấm huân chương kháng chiến, huy hiệu chiến sĩ Điện Biên... lấp lánh nơi ngực áo; ở những cơn đau mỗi khi trở trời nơi vết thương đã liền sẹo; và cả những vần thơ ông viết dài theo năm tháng cuộc đời...  Lưu giữ cho chính ông, cho người vợ cũng là chiến sĩ kiên cường nơi quê nhà, và cho một thời không thể nào quên: “Có một thời như thế đó ai ơi/ Để câu nhớ câu thương cứ theo hoài người lính/ Trang nhật ký thấm mồ hôi và máu/ Nước mắt chung đồng đội bạn bè/ Khẩu súng ngỡ ngàng khi phải sang tay/ Võng mềm chở che cho người nằm lại/ Súng lại nổ chung lòng cho chiến thắng…

Chỉ có một điều mà mỗi khi nhắc đến, ông Nguyễn Việt Sỹ lại chùng xuống: “Ngày ra đi, tôi không chào mẹ được 1 câu. Đến khi chiến dịch thành công, trở về thì mẹ đã không còn nữa. Bố tôi mất sớm, nhà có 3 anh em đều đi bộ đội. Dân làng kể, ngày tôi trốn nhà đi đánh giặt, mẹ tôi đi từ Diễn Ngọc ra ngã ba Cầu Bùng (Diễn Kỷ, Diễn Châu) dựng một căn lán. Mỗi khi có đoàn quân đi qua, mẹ gọi tên tôi từ đầu cho đến cuối hàng quân nhưng chẳng thấy tôi đâu. Năm 1953, mẹ tôi qua đời, dân làng đắp cho mẹ một ngôi mộ ngay ven đường.

Sau này, khi tôi đã trở về, muốn tìm mộ mẹ đưa đưa về với bố tôi, với tổ tiên nhưng mộ đã bị thất lạc không tìm được. Tôi đã trọn vẹn nghĩa vụ với Tổ quốc, nhưng không làm tròn đạo hiếu với mẹ. Đó là điều day dứt lớn nhất cuộc đời tôi...”

Sau chiến dịch, ông Nguyễn Việt Sỹ về thăm nhà trước khi quay lại Quân khu 2 tiếp tục công tác. Năm 1961, ông chuyển ngành sang thương nghiệp châu Điện Biên Phủ. Năm 1964, ông chuyển công tác về Nghệ An, hoạt động trong ngành xây dựng cho đến khi nghỉ hưu.
Ký ức người lính Điện Biên: Bẻ hoa ban đánh dấu đường hành quân! ảnh 1Ký ức người lính Điện Biên: Bẻ hoa ban đánh dấu đường hành quân! ảnh 2Ký ức người lính Điện Biên: Bẻ hoa ban đánh dấu đường hành quân! ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.