Những người lính chân đất ấy, nhiều người không biết chữ nhưng đã trở thành anh hùng Điện Biên, tên tuổi và những chiến công gắn với lịch sử dân tộc.
Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu sinh năm 1929, dân tộc Tày, ở Trùng Khánh (Cao Bằng), đảm nhiệm vị trí pháo thủ số 2, là người duy nhất trên thế giới một mình điều khiển một khẩu pháo. Bác là một trong số 16 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được phong tặng ngay sau chiến dịch kết thúc.
Ở cái tuổi 85, trong ngôi nhà ở thành phố Sơn Tây (Hà Nội) bác đã rành rọt lật trong ký ức của mình kể về những ngày tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên:
"Tôi mồ côi mẹ từ khi 17 tháng tuổi. 5 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ. Cuộc đời đi ở cực khổ. Theo tiếng gọi của Bác Hồ, tôi xung phong vào bộ đội, khi đó mới 17 tuổi.
Nhưng đi tuyển 3 lần vẫn không trúng bởi thân hình bé nhỏ, phải trên 20 tuổi mới đi được. Ra về, tôi thấy buồn, bèn nghĩ cách khai tăng tuổi để được đi bộ đội. Nhưng kèm theo, tôi phải viết đơn xin vào bộ đội.
Trong làng, chỉ có địa chủ tôi đi ở biết chữ thôi, đành phải nhờ ông ta viết, với điều kiện tôi lên rừng chặt hai xe củi mới đòng ý viết hộ. Đơn viết xong, tôi lên ủy ban xã đóng dấu nhưng do khai tăng lên 3 tuổi, xã không chứng nhận, tôi khóc.
May nhờ bà vợ của ông đi làm về thấy tôi khóc lóc, đã phân tích “Chính quyền cho anh để anh chứng nhận cho các chú đi bộ đội”, đơn của tôi được xác nhận. Nhờ đó, tôi lên huyện tuyển quân và đã trúng tuyển vào làm anh nuôi. Đó là năm 1946.
Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 4/1950, từ anh nuôi giỏi, Phùng Văn Khầu được biên chế tại Khẩu đội 1, Đại đội 755, Trung đoàn 675, Đại đoàn Công pháo 351, đóng ở Đồn Vàng (Phú Thọ).
"Có sáu khẩu đội sơn pháo, mỗi khẩu đội bảy người. Kết thúc giai đoạn đợt 1, được lệnh lên Điện Biên tham gia chiến đấu, anh em trong đại đội reo hò: “Chúng ta được đi Điện Biên rồi”.
18 giờ ngày 30/3/1954, quân ta được lệnh tiến công cứ điểm đồi E1. Khẩu đội sơn pháo 75 ly của bác Phùng Văn Khầu được cấp 30 viên đạn, bắn mở đường với “Tiết kiệm đạn được khen thưởng. Bắn quá chỉ tiêu bị phê bình, kỷ luật”. Nhưng do “Pháo ta cách lỗ châu mai của địch 150 m, quả đầu tôi bắn trượt”.
Bằng kinh nghiệm, tôi đề nghị cho tăng cự ly bắn lên 10 m, thay đổi điểm ngắm. Viên thứ hai trúng lỗ châu mai địch. Trận đó, bắn 22 viên, chính xác 21 viên, tiêu diệt 4 lô cốt, tiết kiệm 8 viên đạn”.
Sau trận đồi E1, ông được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba - hai kỷ vật ông đeo suốt 36 ngày đêm ác liệt...
Giải phóng Điện Biên, anh hùng Phùng Văn Khầu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai và hạng Ba, đề bạt từ Khẩu đội trưởng lên Đại đội trưởng, vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ. Năm 1955 bác được tuyên dương anh hùng Lực lượng vũ trang.
Bác Trịnh Quang Thềm - Trung đội trưởng dân công Thanh Hóa, hiện ở xã Hợp Lý (Triệu Sơn) chia sẻ về những kỷ niệm trong thời gian tham gia chiến dịch.
Học xong phổ thông được kết nạp Đoàn, có mặt tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà nghèo, bác được mẹ may cho 2 chiếc quần soóc và đôi dép cao su.
Bác Thềm kể: Tôi tham gia chiến dịch dân công từ ngày 15/2/1953, vận chuyển lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch. Đoàn dân công xe thồ đi trước. Đoàn dân công gánh gạo đi sau, số lượng đông gấp hơn 20 - 30 lần dân công xe thồ.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh, riêng Thanh Hóa khi đó được lệnh phải cung cấp khoảng 10 vạn dân công và 11 ngàn tấn gạo. Bởi lương thực tập trung nuôi quân chiến dịch trong vòng 3 tháng là rất lớn.
Kỷ niệm tôi nhớ nhất là: Dân công được giao nhiệm vụ, riêng tổ chúng tôi là toàn xã khi đó với 500 người dân công, chia làm 3 loại dân công: dân công ở địa phương lên, dân công trung tuyến, dân công đưa gạo từ trung tuyến sát vào chiến dịch trận địa.
Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, như xã Hợp Lý chúng tôi phải vận chuyển từ 35 - 40 tấn gạo cho chiến dịch. Có hai đội trung đội nữ, nam, gánh gạo trên vai, liên tục đi trong thời gian 3 tháng, ngày nghỉ và đêm đi.
Từ xã đến các huyện miền núi Ngọc Lạn, chạy lên Quan Hóa, tiếp tục đi bộ gánh gạo lên Tuần Giáo (Lai Châu). Chỉ 7 chuyến mà đoàn dân công đã vận chuyển thành công 35 tấn gạo cho chiến dịch Điện Biên.