Điện về xua tan nghèo đói
Đến bản Bước (xã Thành Sơn) - một trong những bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hoá những ngày này, âm thanh đầu tiên nghe được là tiếng máy xay xát gạo phát ra từ một hộ dân trong bản.
Gần 40 tuổi nhưng chị Vi Thị Hóa mới được hưởng niềm vui được sử dụng điện lưới cho sinh hoạt của gia đình. Có điện rồi, chị Hoá sắm nồi cơm điện, tủ lạnh, tivi... về dùng.
“Ngày được đóng điện, bà con trong bản vui như Tết. Chúng tôi mong năm nay sẽ có thêm một con đường bê tông kiên cố dẫn ra trung tâm xã”, chị Hóa chia sẻ.
Giờ đây, trong ngôi nhà của chị Hoá không chỉ được thắp sáng bởi những bóng đèn điện mà còn có tiếng nhạc reo vang như hát mừng cho niềm vui của gia đình chị cùng với người dân nơi đây.
Có điện, những đứa trẻ không còn phải học tập dưới ánh đèn dầu. (Ảnh: NT). |
Ánh sáng được về với bản Bước từ năm 2021. Trước đây, khi chưa có điện, bà con trong bản phải mua tua bin nước hoặc sắm ắc quy, máy nổ... vừa tốn kém, vừa mất an toàn, điện lại không đủ sáng. Không có điện đã đành, sóng điện thoại cũng không, khiến bản Bước gần như bị tách biệt với cuộc sống bên ngoài.
Kể từ khi có điện lưới quốc gia, người dân đã tận dụng và từng bước phát huy được các mặt tích cực của nguồn điện vào trong sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hằng ngày như: sử dụng các đồ điện cho sinh hoạt gia đình, lắp đặt các hệ thống thông tin, sử dụng máy móc vào sản xuất.
Việc trao đổi thông tin thuận tiện hơn; bà con trong bản được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Thời điểm chưa có điện, tỷ lệ hộ nghèo ở bản Bước trên 60%, khi có điện rồi, số hộ nghèo của bản giảm dần, hiện chỉ còn 39%.
Đường vào bản Bước. (Ảnh: NT). |
Rời bản Bước đến với bản Pượn (xã Trung Sơn), đây là bản khó khăn về giao thông nên cuộc sống của người dân luôn bị trói buộc với cái nghèo, cái khó. Thế nhưng, từ ngày có điện lưới quốc gia thắp sáng như đem đến một sức sống mới, không chỉ thắp sáng bản làng, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Ông Ngô Sỹ Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, cho biết, xã Trung Sơn có độ dốc rất lớn lại thường xuyên gặp lũ lụt, thiên tai nên việc đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông cũng như đầu tư lưới điện về xã gặp rất nhiều khó khăn.
“Năm 2020, được Nhà nước quan tâm triển khai dự án nâng cấp đường giao thông vào bản, ai cũng mừng vì từ con đường đất đỏ trơn trượt sắp được thay thế bằng con đường bê tông, thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục khi tuyến đường đi qua đất rừng phòng hộ nên việc thi công đang phải dừng lại.
Song, trước Tết Nguyên đán 2022 bà con có điện lưới quốc gia để dùng đã phần nào giúp cuộc sống của bà con vơi bớt khó khăn, vất vả”, ông Tâm chia sẻ.
Xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia
Theo thống kê, năm 2020 huyện Quan Hóa còn 8 bản chưa có điện lưới quốc gia. Nếu theo phân kỳ đầu tư thì huyện Quan Hóa đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa bản "trắng” điện lưới quốc gia.
Người dân sắm ti vi để tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. (Ảnh: NT). |
Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như sự nỗ lực của địa phương, năm 2022 huyện Quan Hóa đã chính thức bao phủ điện lưới quốc gia về 107/107 thôn, bản, đây được xem là một kỳ tích.
Nói về những nỗ lực trong việc đưa điện lưới quốc gia về tới các thôn, bản, ông Lộc Văn Hào, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Hóa, cho biết, không thể kể hết những khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, giải phóng hành lang lưới điện.
Dự án không có nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng mà chủ yếu là vận động Nhân dân. Tuy nhiên, vì tinh thần chung, sau những “chiến dịch” ra quân vận động bà con cũng nhất trí, đồng tình.
“Có những bản dân cư thưa thớt như bản Cốc 3, xã Nam Tiến chỉ có 28 hộ dân; bản Cụm, xã Nam Tiến có 36 hộ; bản Nót, xã Nam Động có 37 hộ dân; bản Pượn, xã Trung Sơn có 40 hộ dân... để đầu tư lưới điện đến với bà con đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con mới có được dự án điện lưới. Thấu hiểu điều đó, bà con rất đồng tình, ủng hộ” - ông Hào chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, việc bao phủ điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn bản trên địa bàn huyện là sự nỗ lực rất lớn đến từ toàn thể hệ thống chính trị từ huyện, đến xã, thôn, bản cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đặc biệt là ngành điện.
“Từ khi có điện, cuộc sống của người dân ở vùng khó đã có nhiều đổi thay. Bà con đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, cũng như máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, được tiếp cận nhiều hơn các thông tin khoa học - kỹ thuật; nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách về huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...”, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá nhấn mạnh.
Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 3606/QĐ-UBND ngày 28-10-2014 và điều chỉnh tại Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 20-4-2021 với tổng mức đầu tư 431,863 tỷ đồng. Dự án do Sở Công Thương làm chủ đầu tư và thực hiện cấp điện cho 4.957 hộ dân thuộc 80 thôn, bản chưa có điện của 9 huyện miền núi, gồm: Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát.