‘Kỳ tích’ đáng nể của ngôi trường vùng khó xứ Thanh

GD&TĐ - Lần đầu tiên, một ngôi trường vùng khó ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) có 2 học sinh đỗ vào Trường THPT DTNT tỉnh, với số điểm rất cao.

Trường THCS Xuân Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) tổ chức trao thưởng giáo viên. (Ảnh: NTCC)
Trường THCS Xuân Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) tổ chức trao thưởng giáo viên. (Ảnh: NTCC)

Thành tích đáng ghi nhận

Trường THCS Xuân Hòa (xã Xuân Hòa), huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) lần đầu tiên có 2 học sinh (HS) thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú (THPT-DTNT) tỉnh Thanh Hóa và 1 HS đạt điểm môn Ngữ văn cao nhất tại Kỳ thi vào lớp 10, Trường THPT Như Xuân 2. Kết quả ấy, được coi như một “kỳ tích” từ trước đến nay về sự nỗ lực vượt khó của thầy, trò nhà trường .

Thầy Nguyễn Đình Chính – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường THCS Xuân Hòa thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 45%. Học sinh cơ bản người dân tộc Thái, Thổ, Mường và định cư từ lòng hồ Cửa Đạt (Thường Xuân, Thanh Hóa) chuyển đến.

Phụ huynh của HS phần đông là nông dân, sinh sống chủ yếu nhờ vào nông, lâm nghiệp và một bộ phận đã đi lao động ở nước ngoài, nên không có thời gian quan tâm đến việc học tập của con em.

“Mặc dù khó khăn còn rất nhiều, nhưng cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên nhà trường đã luôn nỗ lực, động viên học trò cùng nhau cố gắng vươn lên để dạy, học thật tốt. Điều đáng mừng, năm học 2023-2024 vừa qua, chất lượng giáo dục của nhà trường đã vươn lên, được xếp thứ hạng khá khả quan ở cấp THCS của huyện”, thầy Chính chia sẻ.

Cũng theo thầy Chính, trong hai HS đỗ vào Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa, có em Lương Văn Trung (lớp 9B), đạt được tổng 41,5 điểm; em Lò An Tuệ đạt 35,2 điểm. Riêng em Lê Thị Cẩm Nhung (lớp 9A), là nữ sinh đạt 9 điểm môn Ngữ văn và trở thành học sinh có điểm Văn cao nhất Trường THPT Như Xuân 2.

Là HS đầu tiên của ngôi trường vùng khó này thi đỗ vào lớp 10, Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa (41,5 điểm), em Lương Văn Trung, cho biết: Mặc dù đã từng tham gia một số lần thi, nhưng trong quá trình ôn vào lớp 10 vừa qua, Trung vẫn cảm thấy hồi hộp và lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình ôn luyện, được sự động viên, quan tâm, cổ vũ của bố mẹ và thầy, cô giáo nên em cảm thấy tự tin hơn, vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất.

d9e620379e503b0e6241.jpg
Em Lương Văn Trung, học sinh Trường THCS Xuân Hòa đạt được tổng 41,5 điểm tại Kỳ thi vào lớp 10 THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: NTCC)

“Ngay buổi đầu ôn thi, các thầy, cô giáo đã có những phương pháp giúp chúng em làm từ những bài học đơn giản đến những bài khó. Thầy, cô giáo đã giúp chúng em tiếp thu, ghi nhớ một cách dễ dàng nhất. Ngoài ra sự quan tâm, nhắc nhở của thầy cô, cũng là bước đệm để chúng em hoàn thành tốt nhất bài thi của mình”, Trung chia sẻ.

Tương tự, nữ sinh Lê Thị Cẩm Nhung, cho biết: Trong quá trình ôn tập, các thầy, cô giáo luôn tạo không khí vui vẻ để truyền đạt kiến thức, giúp em hiểu và áp dụng một cách hiệu quả nhất. Với sự sáng tạo, luôn thay đổi sau mỗi buổi học, cùng sự chỉ bảo tận tình của các thầy, cô đã giúp Cẩm Nhung đạt được thành tích tốt nhất trong Kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua.

“Em cảm thấy bất ngờ và xúc động khi mình đạt được 9 điểm môn Ngữ văn. Bản thân em cũng không nghĩ tới mình có thể làm được như vậy. Để có được thành tích trên là nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các thầy, cô giáo trong mỗi bài học cho em”, Cẩm Nhung thổ lộ.

Những giáo viên tâm huyết

Cô Lê Thị Oanh, GV dạy Tiếng Anh của nhà trường cho hay, hơn 20 năm qua, cô công tác tại trường THCS thị trấn Yên Cát (Như Xuân). Ở đó, cơ sở vật chất, chất lượng HS so với các trường trong địa bàn huyện là cao hơn, điều kiện sống của các em cũng tốt hơn... Đến năm học 2023-2024, cô Oanh được điều chuyển lên công tác tại Trường THCS Xuân Hòa, cách với trung tâm huyện hơn 20km.

“Xuân Hòa là một xã mới thành lập, người dân ở đây đều chuyển từ huyện Thường Xuân đến và chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Đời sống của bà con đang rất khó khăn, nên việc quan tâm đến chuyện học hành của con, em chưa được sâu sát”, cô Oanh cho hay.

c835475af93d5c63052c.jpg
Nữ sinh Lê Thị Cẩm Nhung, Trường THCS Xuân Hòa là người đạt điểm Ngữ văn cao nhất tại Kỳ thi vào lớp 10, Trường THPT Như Xuân 2. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo cô Oanh, những năm trước, chất lượng giáo dục, chất lượng thi vào lớp 10 THPT của nhà trường so với các trường khác trong huyện đang rất thấp. Năm học 2023-2024, khi lên đây công tác, cô Oanh được nhà trường giao nhiệm vụ giảng dạy Tiếng Anh các khối lớp và ôn thi vào lớp 10 THPT.

“Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã rất lo lắng, vì phải làm sao để chất lượng ôn tập đạt kết quả cao. Bởi, từ trước đến nay chất lượng thi vào lớp 10 THPT của nhà trường rất thấp. Hơn nữa, HS ở đây hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận với kiến thức của môn Tiếng Anh rất khó”, cô Oanh tâm sự.

Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy, cô giáo Oanh đã định hướng cho trò của mình tập trung học những kiến thức cần thiết để thi vào lớp 10 THPT, chứ không học lan man và những kiến thức quá khó.

“Tôi chia nhỏ nội dung bài học, để học trò dễ nắm bắt và hướng dẫn các em cách làm bài. Đồng thời, chia HS thành các nhóm nhỏ, có độ kiến thức khác nhau để kèm cặp. Khi các em có tiến bộ, thì mình khen ngợi, khích lệ động viên để các em có động lực tiến bộ hơn.

Tại Kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, HS nhà trường đã đạt kết quả ngoài mong đợi đối với GV trực tiếp ôn thi. Nhà trường đã được xếp thứ 3/17 trường THCS của huyện (tăng 15 bậc) so với những năm trước, riêng môn Tiếng Anh tăng 7 bậc”, cô Oanh chia sẻ.

Còn cô Lê Thị Kim Nhung, GV dạy môn Toán của nhà trường cho biết, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, nhà trường có 1 HS đạt điểm giỏi (9,25). Điểm môn Toán đã góp vào thành tích chung khi kết quả thi vào lớp 10 THPT của nhà trường, xếp thứ 3/18 trường trong huyện (tăng 16 bậc so với năm học trước).

Theo cô Kim Nhung, để có được kết quả ấy, GV phải dạy cho học trò của mình nắm chắc cấu trúc đề thi vào lớp 10 THPT; phân chia HS theo cùng khả năng vào từng lớp, để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Bên cạnh đó, GV phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho từng nhóm HS.

“Trong quá trình dạy, có lúc tôi phải cứng rắn, có lúc lại phải mềm mỏng với HS của mình. Nghiêm khắc là để các em lo học, mềm mỏng là để tạo tâm lý thoải mái cho học trò mình học tốt hơn. Tôi thường xuyên kiểm tra bài làm của các em dưới nhiều hình thức, để điều chỉnh phương pháp dạy của mình sao cho đạt hiệu quả nhất đối với các em...”, cô Kim Nhung chia sẻ.

Cô Vũ Thị Hải, GV môn Ngữ văn của nhà trường, cho hay: Mặc dù mới vào nghề, nhưng khi được nhà trường giao nhiệm vụ ôn thi vào 10 đúng giai đoạn “nước rút’’, cô Hải đã rất lo lắng. Làm sao để chất lượng ôn tập được hiệu quả và giúp các học trò đạt được mục tiêu vào ngôi trường cấp 3 mơ ước.

6af37d2ba4c4019a58d5.jpg
Học sinh Trường THCS Xuân Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) trong giờ học. (Ảnh: NTCC)

“Năm học vừa qua là năm cuối cùng của HS khối lớp 9 học và thi theo Chương trình GDPT 2006, nên các em cũng khá quen thuộc với cấu trúc đề thi. Do đó, tôi định hướng cho HS rà soát lại toàn bộ kiến thức, khái quát, kết nối thông tin để việc học hiệu quả, dễ nhớ. Tôi chia nhỏ nội dung bài học, để từng em trong lớp đều ôn luyện, thành thạo cách làm bài, luyện tập viết các dạng bài giúp học trò tăng vốn từ, diễn đạt trôi chảy, tự tin hơn”, cô Hải chia sẻ.

Cũng theo nữ giáo viên, để sát sao với từng nhóm HS với trình độ tiếp thu và ôn tập khác nhau, cô Hải đã phân chia thành nhóm khá giỏi và trung bình, để có cách giúp đỡ các em hiệu quả.

“Ngoài đồng hành với HS trong giờ ôn luyện ở trên lớp, tôi còn là người bạn của các em, chuyện trò gần gũi, thân thiện vừa giúp học trò giảm áp lực thi cử, vừa nhắc nhở các bạn ăn uống, ngủ đủ giấc, giải trí, chơi thể thao nhẹ nhàng thư giãn để việc học tập hiệu quả hơn…”, cô Hải tâm sự.

"Năm học 2023 – 2024, Trường THCS Xuân Hòa đã có nhiều cố gắng trong công tác dạy và học, đặc biệt là trong công tác ôn thi cho HS thi vào lớp 10 THPT. Điểm bình quân các môn xếp thứ 4 toàn huyện, tăng 14 bậc so với năm học trước. Trong đó, điểm bình quân môn Ngữ văn tăng 12 bậc, môn Toán tăng 10 bậc, môn Tiếng Anh tăng 5 bậc; không có học sinh điểm 0 (năm học trước có 3 học sinh điểm 0).

Đạt được kết quả trên, là có sự đổi mới trong công tác quản lý, như: phân công GV ôn thi cho HS theo đúng năng lực; phân nhóm HS để tổ chức ôn tập. Các GV được phân công dạy đã tích cực tự học, tự tìm tòi để nâng cao chất lượng dạy học", ông Nguyễn Thế Lợi - Phó trưởng phòng GD&DT huyện Như Xuân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.