Bảo đảm khoảng cách phòng để vật dụng của thí sinh
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát tại 34 trường THCS, THPT để tiến hành đặt điểm thi chính thức. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc bảo đảm quy định về phòng/nơi để vật dụng không được mang vào phòng thi của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25m. Đà Nẵng đã thành lập 28 điểm thi chính thức với 532 phòng thi, 41 phòng chờ, 56 phòng dự phòng. Ngoài ra, có 2 điểm thi dự phòng được đặt tại Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) và THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn).
Mỗi điểm thi đều bố trí 2 phòng thi dự phòng dành cho thí sinh F0 và thí sinh có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19. Tại các điểm thi được bố trí đầy đủ nước sát khuẩn, dụng cụ phòng chống dịch, đồ bảo hộ, tấm chắn dành cho phòng thi dự phòng, bộ xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) để sử dụng trong trường hợp có thí sinh nghi nhiễm.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kĩ thuật coi thi, giám sát thi cho gần 2.400 cán bộ, giáo viên dự kiến tham gia công tác coi thi. Hoàn thành công tác tập huấn nghiệp vụ cho gần 50 cán bộ, giáo viên sẽ tham gia công tác chấm thi trắc nghiệm .
Các điểm thi đều đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã sớm có văn bản phối hợp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng quy chế thi. Phối hợp với Công an thành phố tiến hành kiểm tra các thiết bị lưu trữ dữ liệu, camera phục vụ cho công tác coi thi, chấm thi. Từ ngày 25/6 đến ngày 3/7 tiến hành lắp đặt, kiểm tra chạy thử tất cả các hệ thống camera tại các địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi trước khi Kì thi diễn ra.
Đến nay, mọi phương án chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của địa phương đã hoàn tất.
Chuẩn bị tốt kiến thức và kỹ năng cho thí sinh
Trường THTP Cẩm Lệ kéo dài thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT tại trường cho đến hết ngày 1/7. Ở giai đoạn chạy nước rút này, theo thầy Nguyễn Văn Đông, Phó Hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô giáo sẽ chủ yếu hệ thống lại kiến thức, kỹ năng làm bài để giúp học sinh dự thi đạt kết quả tốt nhất. Thời khóa biểu ôn tập tại trường của học sinh được sắp xếp vào các buổi sáng từ thứ 2-6, mỗi buổi 4 tiết.
“Ôn tập tại trường có một lợi thế là có không khí học tập. Không phải học sinh nào cũng có tinh thần tự giác khi ôn tập một mình tại nhà. Với một buổi tự học và một buổi ôn tập tại trường, những chỗ nào không hiểu, các em có thể hỏi trực tiếp thầy cô giáo để được hướng dẫn kịp thời”, thầy Đông thông tin.
Các trường học tại Đà Nẵng đều triển khai công tác ôn thi tốt nghiệp THPT theo phương châm học đến đâu nắm vững kiến thức đến đó. |
Trường THPT Phạm Phú Thứ và Trường THPT Sơn Trà đều kết thúc ôn thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6. Thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà cho biết: “Từ giữa tháng 3, sau khi đã thống nhất với cha mẹ học sinh khối 12, nhà trường đã tăng tiết phụ đạo với thời lượng 1 tiết/tuần cho 9 môn thi tốt nghiệp”.
Học sinh khối 12 Trường THPT Sơn Trà cũng đã được chuẩn bị kỹ tâm lý và kỹ thuật làm bài thi khi tham gia thi thử tốt nghiệp vào tháng 4. Từ kết quả của đợt thi thử và bài kiểm tra cuối học kỳ 2, nhà trường đã điều chỉnh phương pháp cũng như nội dung ôn tạp để học sinh có sự chuẩn bị tốt kiễn thức và kỹ năng cho một kỳ thi quan trọng.
Không kéo dài thời gian ôn thi tại trường, Trường THPT Thái Phiên kết thúc ôn tập từ 30/5 nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn thường xuyên liên lạc với học sinh để nhắc nhở, hướng dẫn việc tự ôn tập và cập nhật các thông tin mới liên quan đến kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, để nâng cao chất lượng của kỳ thi, Sở đã hướng dẫn, chỉ đạo các trường THPT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ôn tập, hướng dẫn cho học sinh lớp 12. Trong đó ôn tập các kiến thức trong quá trình học và phối hợp với cha mẹ học sinh tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh ôn tập trước Kì thi.
Tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp với từng nhóm đối tượng; đặc biệt đối với học sinh có học lực trung bình, yếu, cần hướng đến việc nắm được các kiến thức cơ bản về chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình; tăng cường rèn luyện cho học sinh các kĩ năng cần thiết để phân tích đề thi và giải quyết tốt yêu cầu của đề thi; phổ biến và hướng dẫn học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GDĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện trước khi các em tham gia Kì thi.