(GD&TĐ) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã qua đi khá suôn sẻ. Trời như cũng chiều non một triệu cô cậu sĩ tử lần đầu bước vào cuộc thi lớn nên thời tiết trong suốt 3 ngày thi (từ 2 - 4/6) mát mẻ dễ chịu hơn so với những ngày viêm nhiệt dữ dằn trước đó. Tin tức thi cử từng ngày loan trên mặt báo cũng như trên màn ảnh nhỏ chủ yếu là những tin tốt lành, dù hệ thống phóng viên giáo dục vẫn nghiêm túc “khó tính, xét nét kỹ lưỡng” như mọi năm.
Niềm vui làm được bài thi |
Những hiện tượng làm buồn lòng những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà vẫn có đấy, nhưng ít hơn trước nhiều lắm.
Vẫn còn 3.515 em (trong tổng số 946.064 em đăng ký dự thi) vắng mặt. Vẫn còn 49 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi. “Phao” vẫn còn trên sân một số điểm thi ở Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam cũng như một số huyện ở Hà Nội (Thạch Thất, Đan Phượng, Từ Liêm). Những con số tiêu cực này thật nhỏ bé so với những năm trước.
Đáng khích lệ hơn, những hiện tượng “động trời” như vụ Đồi Ngô năm ngoái, những hình ảnh “giật gân” thang bắc tua tủa vào tường rào của trường thi như ở Quốc Oai (Hà Nội) năm nào để bà con ta “xung phong” ném bài giải cho thí sinh v.v…không còn nữa.
Một kỳ thi cơ bản là “sạch sẽ”, nghiêm túc, lành mạnh đúng với yêu cầu cần có, chứ không xô bồ, bát nháo.
Có thể coi đây là điểm son sáng giá của ngành giáo dục, ít nhiều làm vơi đi tâm trạng băn khoăn, trăn trở của những ai lâu nay vốn nặng lòng với ngành được coi là “quốc sách hàng đầu” của đất nước.
Các vị lãnh đạo các cấp của ngành giáo dục nên có cuộc tổng kết kỹ lưỡng, để tạo đà cho sự phát triển của bậc học phổ thông. Ngẫm ra, những bài học kinh nghiệm mang tính nguyên tắc để đảm bảo thi cử thành công “thật” chứ không “ảo”, về cơ bản vẫn là những bài học cũ. Chỉ có điều, nhiều năm chúng ta coi nhẹ nó, thậm chí quên đi, nên các mặt tiêu cực mới ngày càng rộng đất lộng hành, lũng đoạn, biến một số trường thi thành “chợ thi”.
Bài học đầu tiên, dễ thấy: Các nhà quản lý giáo dục một khi ý thức được trách nhiệm của mình và thực sự xắn tay áo vào cuộc thì tình thế sẽ khác.
Mọi năm ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đâu có trực tiếp “cầm trịch” theo sát chặt chẽ từng buổi thi? Năm nay, ông Bộ trưởng đã lập “đường dây nóng”, công bố trên báo cả địa chỉ email và số điện thoại di động của mình để lắng nghe thông tin phản hồi từ mọi nguồn, mọi nơi.
Tác động của phong cách làm việc mới này có hiệu quả tức thì. Bộ trưởng đã hành xử như vậy, đương nhiên giám đốc các Sở GD&ĐT không thể “chỉ tay năm ngón”. Các vị quan chức này đã tranh thủ được sự lãnh đạo của Ủy ban, sự hợp tác chi viện có hiệu quả của ngành Công an và đã chỉ đạo chặt chẽ hệ thống ban phụ trách các hội đồng thi. Giao thông trong mấy ngày thi thuận lợi hơn, trật tự an ninh khu vực ngoại vi trường thi đảm bảo hơn.
Tôi để ý đến một chi tiết tưởng như nhỏ nhặt: Ông Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh đã cho chuẩn bị 21 máy phát điện dự phòng ở 21 hội đồng thi, để trong hoàn cảnh nào trường thi cũng sáng đèn. Chu đáo như thế là cần thiết và đáng được phổ biến, nhân rộng.
Bài học thứ hai, khá xúc động: Sự tận tụy hết lòng của nhiều thầy cô, nhất là ở các trường vùng sâu, hải đảo, vùng cao. Không quản ngại vất vả, các thầy cô đã theo học sinh đến trường thi, lo cho các em nơi nghỉ, bữa ăn và tiếp tục ôn tập cho những em yếu kém.
Cũng cần nhấn mạnh, trong suốt năm học, các thầy cô đã cố gắng nâng cao chất lượng các giờ lên lớp, đã chú ý rèn cho các em kỹ năng làm bài, tinh thần và thái độ thi cử. Gần ngày thi, nhiều trường đã tổ chức tốt “Lễ trưởng thành và tri ân” cho học sinh khối 12, qua đó đã tác động sâu sắc đến ý thức tự giác, lòng tự trọng của các em.
Bài học thứ ba không kém giá trị: Sự chung tay góp sức của nhiều địa phương, nhiều bà con. Các em phải thi xa nhà hầu hết là nghèo, đã được không ít “Mạnh Thường Quân” cũng như các đoàn thể xã hội ủng hộ tiền bạc - nơi vài chục triệu, có nơi tới 300 triệu đồng - để các em có đủ ngày 3 bữa cơm không sang trọng gì nhưng khá đủ lượng dinh dưỡng. Nhiều em đã có chỗ ở miễn phí.
Lực của dân ta khá tiềm tàng, tấm lòng của dân ta luôn rộng mở. Vấn đề là phải vận động bà con sao cho chu đáo, thấu tình, để có sự chung tay hợp sức của toàn xã hội. Có như thế mới nhanh chóng thúc đẩy ngành giáo dục khắc phục được sự trì trệ, tăng tốc và tiến tới.
Mấy ngày nay, hơn 23 nghìn thầy cô đang miệt mài làm nhiệm vụ giám khảo. Có bộ môn thiếu người chấm nghiêm trọng.
Môn Địa lý chẳng hạn. Lẽ ra, nếu các địa phương khắc phục được tình trạng “con đẻ, con nuôi”, mời các thầy cô đang dạy các trường ngoài công lập (phần lớn lại là những người giàu kinh nghiệm, vững tay nghề), thì tiến độ chấm thi có thể nhanh hơn. Thực tế hiện nay ở một số tỉnh thành, giáo viên tư thục không được tham gia cả coi thi lẫn chấm thi.
Đọc các đáp án, có thể thấy các vị ra đề đã đổi mới quan niệm, nên những hướng dẫn đã “mềm” hơn, thoáng hơn, không chi li riết róng như những năm trước.
Có thể tin, công đoạn cuối cùng này cũng sẽ tiếp tục suôn sẻ.
PGS - TS Trần Hữu Tá
(Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM)