Cho biết Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết, tổ chức chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, ông Mai Văn Trinh đồng thời đề nghị địa phương phải rất chủ động, đề cao trách nhiệm, sát cánh cùng Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan, cùng cộng đồng trách nhiệm mới có thể tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm tới.
Cùng cộng đồng trách nhiệm để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia
- Một số điều chỉnh kĩ thuật trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa được Bộ GD&ĐT công bố hướng tới việc phòng ngừa, giảm thiểu tiêu cực. Liệu những điều chỉnh như Bộ GD&ĐT đưa ra có thực sự khiến chúng ta an tâm về sư nghiêm túc, công bằng của Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới ?
Thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh giai đoạn 2015-2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Chúng ta đã tổ chức Kỳ thi này trong các năm 2015 đến 2018 và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Kỳ thi THPT quốc gia cũng tuân thủ quy luật luôn vận động và phát triển của sự vật và hiện tượng. Trong sự vận động đó có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Làm sao để chúng ta duy trì, phát triển mặt tích cực, hạn chế triệt tiêu mặt tiêu cực. Đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, về cơ bản vẫn giữ ổn định phương thức thi như năm 2018, tuy nhiên có điều chỉnh theo hướng tăng cường sử dụng các thiết bị công nghệ nhằm hạn chế, khắc phục gian lận có thể xảy ra, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc và kết quả có sự tin cậy.
Để đạt mục tiêu ấy, có nhiều giải pháp, nhiều yếu tố và các giải pháp, yếu tố này phải thực hiện đồng bộ, song song với nhau. Và một trong những giải pháp Bộ GD&ĐT đưa ra, áp dụng trong năm 2019 là sử dụng camera giám sát 24/24 giờ đối với nơi bảo quản đề thi, bài thi và địa điểm chấm thi. Tôi cho rằng, đây là một giải pháp tốt.
Tuy nhiên, mọi giải pháp, thiết bị công nghệ cũng không thể vượt qua trách nhiệm, ý thức của con người. Do đó, cùng với giải pháp công nghệ này, Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa ở trong Quy chế và văn bản hướng dẫn, xác định rất rõ trách nhiệm của từng thành phần, từng đối tượng, tham gia từng khâu, từng giai đoạn cụ thể, từng công việc cụ thể của quá trình tổ chức thi. Và giải pháp công nghệ là giải pháp hỗ trợ.
Xin nhắc rằng, thành bại cuối cùng vẫn là yếu tố con người. Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết, tổ chức chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nhưng tôi cũng đề nghị các địa phương, phải rất chủ động, đề cao trách nhiệm và phải sát cánh cùng với Bộ GD&ĐT, các bộ ngành liên quan khác, tiến tới cùng cộng đồng trách nhiệm thì mới có thể tổ chức tốt, thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
- Ngoài những chia sẻ ở trên, còn những giải pháp kĩ thuật nào sẽ được áp dụng để khắc phục triệt để gian lận trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thưa ông ?
Trong Kỳ thi có rất nhiều khâu, công đoạn, khâu nào cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta không chủ động, không có giải pháp phù hợp thì tiêu cực có thể xảy ra ở bất kỳ công đoạn nào. Do đó, cùng với việc giao cho trường ĐH chủ trì chấm các bài thi trắc nghiệm, thì những khâu, từ việc sắp xếp phòng thi (đặc biệt với thí sinh tự do), chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn. Phần mềm sẽ có hướng dẫn các hội đồng thi để đảm bảo ngay từ việc sắp xếp phòng thi có thể phòng ngừa gian lận.
Thứ 2, năm 2019, chúng tôi sẽ quy định một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn và kĩ càng hơn trong việc niêm phong túi đựng bài thi, để làm sao có muốn gian lận cũng rất khó. Rồi khâu bảo quản túi đựng bài thi, từ lúc bảo quản đến khi mang ra chấm cũng phải rất chú ý.
Tất nhiên, trong việc giao trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm, thì những giải pháp về mặt tổ chức, giải pháp về quy trình chấm thi, cùng với việc hoàn thiện phần mềm chấm thi thêm một bước nữa, theo đó, các dữ liệu chấm thi sẽ được mã hóa, đặc biệt sẽ tiến hành đánh phách điện tử các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh… Một chuỗi những giải pháp ấy tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ hướng đến việc khắc phục những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra.
Lưu ý đặc biệt nhân sự làm công tác thi
- Nhiều giải pháp cho việc chấm bài thi trắc nghiệm, vậy với bài thi tự luận (Ngữ văn) thì sao?
Một trong những đặc điểm của việc chấm bài thi tự luận là ít nhiều đều chịu sự tác động chủ quan của người chấm. Đây là khác biệt rất cơ bản so với chấm trắc nghiệm bằng máy. Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề này nên sẽ có một số giải pháp kèm theo.
Thứ nhất, với bài thi Ngữ văn, từ nhiều năm nay chúng ta đã ra đề thi theo hướng mở. Ở đó, khắc phục dần trả lời theo khuôn mẫu, khuyến khích sáng tạo, khả năng diễn giải, nhận thức vấn đề của học sinh. Kèm theo đề thi, bản hướng dẫn thi cũng rất chi tiết, giúp định hướng cán bộ chấm thi có cơ sở để chấm bài thi của thí sinh.
Về quy trình chấm bài thi tự luận, ngay từ khâu làm phách của bài thi, chúng tôi đã áp dụng nhiều năm nay và năm 2019 áp dụng tiếp. Đó là sử dụng phần mềm máy tính, chia thành 2 vòng độc lập để bảo đảm sự bảo mật của phách.
Quy trình chấm phải tiến hành chấm 2 vòng độc lập để bảo đảm chấm đều tay, tránh chấm quá rộng hoặc bỏ sót phần bài làm của thí sinh. Cùng đó, trong quy chế tới đây đã quy định rõ chấm kiểm tra cùng tiến độ với chấm 2 vòng độc lập để bảo đảm việc chấm như thế có đều tay hay không.
Thực tế cho thấy, hội đồng chấm nghiên cứu kĩ hướng dẫn chấm, tiến hành một cách nghiêm túc chấm 2 vòng độc lập và chấm kiểm tra thì độ tin cậy của bài chấm Ngữ văn cũng rất cao. Tất nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình này trong năm 2019 cũng được tăng cường một bước.
- Ông khẳng định thành bại của Kỳ thi phục thuộc vào yếu tố con người. Vậy chắc chắn lựa chọn nhân sự cho kỳ thi cũng như công tác tập huấn sẽ rất được chú ý trong Kỳ thi tới?
Chúng ta tiếp tục khẳng định, thành bại Kỳ thi THPT quốc gia phụ thuộc vào yếu tố con người, nên chú ý lựa chọn nhân sự là những người có tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm, ý thức pháp luật cao. Sau khi chọn nhân sự như vậy, chúng tôi phân theo từng nhóm nhân sự cụ thể để tăng cường tập huấn.
Công tác tập huấn sẽ tăng cường phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an để tập huấn cho cán bộ các nghiệp vụ phòng ngừa gian lận, nhất là gian lận công nghệ cao trong quá trình thi. Đồng thời, việc tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi đối với cán bộ của các trường ĐH tham gia chấm trắc nghiệm sẽ được làm rất kĩ.
Trên cơ sở lựa chọn kĩ cán bộ, tập huấn đầy đủ, đồng thời làm công tác tư tưởng, cũng như những ràng buộc cụ thể về mặt trách nhiệm theo quy định của pháp luật, thì hướng tới chúng ta có đội ngũ làm rất chuyên nghiệp và có tinh thần trách nhiệm.
Còn trong quy chế thi, tới đây và trong văn bản hướng dẫn, chúng tôi sẽ hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết, theo kiểu là cầm tay chỉ việc đến từng thành phần, từng đối tượng tham gia về các khâu, các bước của kỳ thi này. Năm nay chúng tôi cố gắng có quy chế sớm hơn mọi năm.
- Xin cảm ơn ông!
"Đề thi THPT quốc gia 2019 có nội dung nằm trong chương trình bậc THPT, chủ yếu ở lớp 12, có ngưỡng cơ bản để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng có độ phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ cho các trường ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Đúng theo tinh thần chỉ đạo như vậy, ngày 6/12, Bộ đề thi tham khảo đã được công bố. Giáo viên, học sinh lớp 12 nhanh chóng nghiên cứu đề thi tham khảo này, trên cơ sở đó có định hướng rõ cho việc dạy học, ôn tập. Tôi mong rằng, trên cơ sở tham khảo đề thi cũng có gợi ý rất tốt cho các nhà trường trong tổ chức dạy học theo chương trình năm học ; trên cơ sở đó, tổ chức ôn tập cho học sinh, hướng tới kỳ thi đạt kết quả cao nhất".
Ông Mai Văn Trinh