Phụ huynh “thông thái”
Ở giai đoạn “nước rút”, tháng cuối cùng ôn tập trước khi bước vào kỳ thi, chị Nguyễn Thu Hiền (đường Trung Kính, Hà Nội) có con gái học lớp 12 Trường THPT Chuyên (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù lo lắng cho con và kết quả thi của con, nhưng cha mẹ không thể thi thay con được. Quan trọng là làm sao để tâm lý, sức khỏe của con được bảo đảm. Học và thi cử đã căng thẳng, vất vả rồi, theo tôi phụ huynh không nên gây thêm sức ép cho con”.
Để giảm bớt phần nào căng thẳng, san sẻ nỗi lo thi cử, chị Hiền cho biết, gia đình ưu tiên con gái không phải làm việc nhà. Nếu con có lỗi gì sai, cả gia đình thống nhất chỉ góp ý nhẹ nhàng, không mắng mỏ nặng nề, tránh con bị stress.
Chị Lê Minh Châu (phố Hào Nam, Hà Nội) có con học lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) khẳng định: Điều quan trọng gia đình có thể giúp con em, chính là phải quan tâm về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe. “Để bảo đảm sức khỏe, con học đến 23 giờ - 23 giờ 30 là tôi giục đi ngủ. Việc học ôn thi phải bắt đầu từ lớp 10, học dần, chứ không phải chờ đến thời điểm sát thi mới học dồn. Sức khỏe quan trọng nhất. Không có sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi và mục tiêu làm bài hết khả năng”, chị Châu tâm sự.
Để tới Kỳ thi THPT quốc gia, HS nhiều trường trải qua 7 lần thi thử trong năm lớp 12. Thi thử chính là những lần thi giữa học kỳ và cuối học kỳ. Riêng 3 lần thi thử cuối cùng, một số trường thuê chấm bài thi bằng máy mô phỏng cách chấm thi chính thức, để HS quen với cách làm bài thi. Điều này cũng khiến phụ huynh và HS yên tâm hơn.
Trong một lần thi thử, con chị Lê Minh Châu không đạt điểm cao, thấy chồng mắng con, chị phải phân tích với chồng để “hạ nhiệt” về quan điểm: “Không tạo áp lực với con như thế. Thà con mình đỗ trường ĐH trung bình, nhưng quan trọng thi xong con vui vẻ chấp nhận, tâm lý thoải mái. Đừng quá kỳ vọng đến khi con không đạt được, sinh ra trầm cảm. Lúc đó có hối hận cũng không kịp”.
Sức ép do chính học sinh
“Tôi cảm nhận rõ con mình căng thẳng với kỳ thi hơn thế hệ của tôi rất nhiều. Con tập trung ôn luyện cao độ đến mức ốm vì học. Thậm chí tự dưng sốt, đau bụng không rõ nguyên nhân. Tôi đưa con đi khám không tìm ra bệnh. Bác sĩ khám cho con nói bây giờ có không ít HS trong tình trạng học tập căng thẳng cũng có những dấu hiệu như con tôi”, chị Hiền nói.
Để phòng tránh chuyện con bị sốc sau kỳ thi, nếu không đạt mục tiêu về điểm số mà con tự đề ra, chị Hiền đã chuẩn bị “bước lùi” cho con mình: “Ngay khi con suy nghĩ về chọn trường ĐH theo nguyện vọng, tôi đã phải giải thích và thuyết phục con chọn thêm nguyện vọng ở những khoa, trường có điểm tuyển sinh thấp hơn khả năng điểm mà con tự đánh giá có thể đạt được. Có như vậy mới hạn chế stress sau thi”.
Tin tưởng công bằng ở kỳ thi sắp tới
Chị Châu chia sẻ một khía cạnh mà phụ huynh quan tâm là sự công bằng của kỳ thi: Thời gian gần đây đọc trên các báo thấy nhiều thông tin về việc xử lý hiện tượng gian lận thi cử ở kỳ thi năm ngoái. Đó là câu chuyện khiến các phụ huynh và dư luận xã hội không khỏi bàn tán, nhận xét. Tuy nhiên, được biết ngành GD đã có quan điểm cương quyết xử lý những vi phạm như vậy, chị Châu tin tưởng, những phụ huynh muốn gian lận điểm số sẽ chùn bước.
Chị Châu cho rằng, chỉ số ít phụ huynh muốn gian lận thi cử cho con, còn hầu hết các bậc cha mẹ đều mong con mình đi thi dựa vào hoàn toàn năng lực của bản thân. “Đại đa số phụ huynh chủ yếu chỉ hỗ trợ con ôn luyện, định hướng nghề, chọn trường, chứ không muốn cho con có điểm giả, dạy con gian lận”, chị Châu nói.
“Lo cho con trước một kỳ thi quan trọng, tôi chỉ biết giúp con trong việc trang bị kiến thức để đi thi bằng thực lực của bản thân”, chị Châu khẳng định, “Theo tôi, phụ huynh cần nhìn thẳng vào sự thật, nếu con mình học yếu, trung bình, nên tư vấn giúp con chọn con đường khác, chứ không chỉ có một con đường ĐH để sống chết phải “nhồi” con vào bằng được”.