Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Yên tâm dạy và học

GD&TĐ - Thông tin điều chỉnh liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được Bộ GD&ĐT công bố nhận được sự quan tâm của các trường ĐH, Sở GD&ĐT cũng như các trường THPT. Việc giữ ổn định về phương thức tổ chức, điều chỉnh về kỹ thuật nhằm khắc phục tình trạng tiêu cực được các đơn vị ủng hộ.

Thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Hạn chế thấp nhất tiêu cực

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt là các phương án đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng đã được tăng cường đáng kể từ khâu bảo quản đề, coi thi, lưu trữ bài thi, chấm thi...

Thầy cô giáo và học sinh các trường THPT cũng thở phào nhẹ nhõm khi hay tin Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018; không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh; Đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi. “Chúng tôi tin tưởng với những giải pháp mà Bộ đưa ra sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng tiêu cực trong tất cả các khâu của kỳ thi” - ông Bùi Quý Khiêm - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Đặc biệt, chủ trương phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương được đánh giá cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm góp phần đáng kể trong việc hạn chế tiêu cực. Việc Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ cũng được các trường ĐH đồng tình và ủng hộ thực hiện. Dự kiến không sử dụng giáo viên địa phương (nơi tổ chức thi) để chấm thi, mã hóa bài thi, lắp camera tại các phòng chấm thi, nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm... theo đánh giá của đại diện các trường ĐH, những giải pháp này sẽ hạn chế gian lận trong việc chấm thi và đảm bảo tính nghiêm túc trong tất cả các khâu của một kỳ thi quốc gia.

Thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu (Hậu Giang)

Theo thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), thông tin Bộ GD&ĐT vừa công bố, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 khiến thầy trò nhà trường rất vui mừng và yên tâm. “Đề thi đảm bảo ngưỡng cơ bản như vậy không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Chúng tôi mong muốn đề thi năm nay hay như các năm trước; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh. Rất mong Bộ sớm công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia để giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi đạt hiệu quả” - thầy Luyến, cho biết.

Chú trọng nhân sự làm công tác thi

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các thầy cô giáo, phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tiêu cực nhưng quan trọng nhất là vấn đề con người. Đặc biệt là đội ngũ làm công tác thi, vì họ là người trực tiếp thực hiện các khâu của kỳ thi. Cần phải tập huấn, chuẩn bị chu đáo cho công tác nhân sự; không để xảy ra bất kỳ vấn đề gì dù cố ý hay vô ý.

Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi; các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn, phân công cán bộ tham gia tổ chức thi theo đúng quy định của quy chế, bảo đảm có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và có ý thức trách nhiệm cao tham gia kỳ thi; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là sử dụng công nghệ cao… là một trong những giải pháp hết sức cần thiết.

Ông Bùi Quý Khiêm - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp - cho biết: “Với những giải pháp mà Bộ đã công bố chúng tôi thấy đã chặt chẽ nhưng quan trọng nhất vẫn là con người - nhân sự làm công tác thi. Chúng ta cần phải sớm có giải pháp chọn người để đi làm công tác thi, tiến hành tập huấn, quán triệt tinh thần làm thực thi nhiệm vụ thật nghiêm túc. Trong đó, tất cả nhân sự làm công tác thi từ các trường phổ thông, Sở GD&ĐT cho đến các trường ĐH, CĐ cũng phải được tập huấn kỹ lưỡng. Cho dù công nghệ tối ưu đến đâu, nếu con người cố ý can thiệp và cố tình vi phạm thì rất khó phát hiện và xử lý”.

Theo chia sẻ của hiệu trưởng các trường THPT, việc tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT là giải pháp hay, vì sẽ giúp nhà trường, đặc biệt là học sinh không xao nhãng, học lệnh trong quá trình học phổ thông, đặc biệt là năm học lớp 12.

“Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) là giải pháp hay, chúng tôi rất đồng tình. Với tỷ lệ như thế này việc học lớp 12 của học sinh sẽ được chú tâm hơn, tránh việc học lệch”, thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.