Kỳ thi 'khắc nghiệt' của bác sĩ nội trú

GD&TĐ - Kỳ thi bác sĩ nội trú được sinh viên trường y ví khó hơn thi đại học. Để chọn được ngành học như ý, mỗi thí sinh phải nỗ lực để giành thứ hạng cao.

Trần Thị Minh Anh (thứ 3 từ phải sang). Ảnh: NVCC
Trần Thị Minh Anh (thứ 3 từ phải sang). Ảnh: NVCC

Thành tích đáng nể

Vượt qua hơn 800 thí sinh, Trần Thị Minh Anh đạt 26,75/30 điểm và trở thành thủ khoa kỳ thi bác sĩ nội trú năm 2024 của Trường ĐH Y Hà Nội. Với thành tích xuất sắc, Minh Anh quyết định chọn chuyên ngành Sản phụ khoa. Trước đó, cô là 1 trong 97 sinh viên ngành Y khoa, tốt nghiệp loại giỏi của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay, với điểm tổng kết 8,37/10.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ không theo nghề y, nhưng từ bé Minh Anh đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ với mong muốn chữa bệnh cứu người. Để theo đuổi ước mơ của mình, những năm học ở Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), Minh Anh đạt nhiều thành tích xuất sắc, trong đó có giải Nhất quốc gia môn Sinh học; Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế tại Iran năm 2017 và được xét tuyển thẳng vào ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội.

Minh Anh kể: “Bước sang năm thứ 4 khi đi học lâm sàng ở viện, em dần hình thành được chuyên ngành mình yêu thích là Sản khoa. Đặc biệt khi nhìn những người mẹ có nhiều bệnh lý, bị sinh non nhưng sau đó cả mẹ và con đều khỏe mạnh, em thấy rất xúc động. Hiểu sự hy sinh của những người làm mẹ, em muốn giúp họ giảm bớt phần nào cơn đau nên đặt mục tiêu trở thành bác sĩ nội trú chuyên ngành Sản khoa”.

Sản phụ khoa là chuyên ngành “hot” trong vài năm gần đây, được nhiều bác sĩ nội trú lựa chọn. Theo quy định, thứ hạng điểm số sẽ quyết định cơ hội chọn chuyên ngành ưa thích của thí sinh. Năm nay, chỉ tiêu bác sĩ nội trú Sản phụ khoa tại Trường ĐH Y Hà Nội là 12 thí sinh. Thí sinh đỗ kỳ thi bác sĩ nội trú nếu điểm số thấp sẽ không có cơ hội được chọn ngành. Vì vậy, Minh Anh hạ quyết tâm cố gắng để đạt mục tiêu, chọn ngành học mong muốn. Để đạt thành tích xuất sắc đó, năm học cuối của đại học, ngoài học ở trường và bệnh viện, nữ sinh gốc Hải Phòng cũng chủ động sắp xếp thời gian tự ôn thi tại nhà.

Trước kỳ thi nội trú 2 tháng, Minh Anh tập trung dành toàn bộ thời gian ôn tập. “Em học khoảng 14 - 15 tiếng một ngày, cố gắng ôn lại 1 lượt các môn và rà soát những phần kiến thức còn thiếu”, nữ thủ khoa kể và cho biết thêm: Để nắm chắc kiến thức, ngoài đọc kỹ giáo trình những buổi đi học lâm sàng, em còn tranh thủ xuống phòng cấp cứu để tiếp cận bệnh nhân, cố gắng tự lập luận để đưa ra chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân suốt quá trình điều trị cho tới lúc ra viện.

Chia sẻ về dự định tương lai, Minh Anh cho biết sẽ cố gắng trau dồi chuyên môn thật tốt để có thể trở thành bác sĩ giỏi, tận tâm với nghề. “Nếu có cơ hội, em sẽ đi học tập thêm ở những nước có nền y học tiên tiến như Úc, Mỹ, Nhật Bản,... để mở rộng kiến thức và chuyên môn, trở về giúp ích cho nước nhà”, tân thủ khoa bác sĩ nội trú nói.

ky-thi-khac-nghiet-cua-bac-si-noi-tru-2-1572-2370.jpg
Lê Ngọc Trung. Ảnh NVCC

Vượt kỳ thi là chưa đủ

Lê Ngọc Trung, sinh năm 2000, là 1 trong 10 người có điểm cao nhất tại kỳ thi bác sĩ nội trú Trường ĐH Y Hà Nội với 26,18 điểm. Với số này điểm này, Ngọc Trung lựa chọn bác sĩ nội trú chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh. Ngọc Trung chia sẻ: “Em khá bất ngờ khi xếp thứ 8/800 sinh viên tham dự kỳ thi. Đây là món quà nhỏ em muốn gửi tặng bố mẹ, thầy cô - những người đồng hành và giúp đỡ em trong quá trình học”.

Vượt qua kỳ thi “khắc nghiệt” với số điểm số cao, Ngọc Trung cho biết bản thân đã áp dụng nhiều phương pháp học tập khác nhau trong đó đáng chú ý là tạo ra câu chuyện cho mỗi môn học, nhất là những môn lâm sàng; biến đổi con số khô khan thành bài thơ, câu chuyện, đoạn văn,... có nội dung hấp dẫn để học.

Ngoài ra, tân bác sĩ nội trú luôn nhắc nhở bản thân duy trì kỷ luật học tập, chủ động tự tổng hợp kiến thức bằng các file dữ liệu, nhớ kiến thức chính bằng các gạch đầu dòng. Theo Trung, việc ghi chép và cách ghi như thế nào cũng quan trọng để tích lũy kiến thức. “Nếu không ghi lại, kiến thức sẽ trôi đi và sang năm học sau sẽ phải học lại từ đầu rất vất vả”, Trung nói.

Trên lớp, Trung nghiêm túc học bài, chủ động hỏi ý kiến bạn bè, thầy cô khi gặp những dạng đề khó. Ở nhà, tân bác sĩ nội trú dành thời gian đọc sách, giáo trình y khoa, xem báo đài liên quan đến nội dung bài học; sát ngày thi dành thời gian đọc lại kiến thức, kết hợp ăn uống nghỉ ngơi điều độ để có sức khỏe tốt, đảm bảo quá trình thi diễn ra thuận lợi.

Quá trình học đại học, tân bác sĩ nội trú thông qua những bài giảng mà thầy cô dạy hiểu được tầm quan trọng của chẩn đoán hình ảnh cũng như bằng điện quang có thể làm các can thiệp ít xâm lấn nhằm điều trị cho bệnh nhân, giúp họ tránh được những cuộc phẫu thuật với vô vàn tai biến, biến chứng liên quan đến gây mê, trong quá trình mổ và hậu phẫu,..

Ngọc Trung nhớ lại: “Em nhớ một lần khi đi trực cấp cứu, bệnh nhân vào viện vì yếu nửa người, may mắn nhờ kỹ thuật chẩn đoán hính ảnh và can thiệp mạch lấy huyết khối, bệnh nhân được điều trị kịp thời, giảm di chứng do đột quỵ gây ra”.

Không chỉ đạt thành tích cao trong kỳ thi bác sĩ nội trú, trong 6 năm học, Lê Ngọc Trung còn đạt 9 kỳ học bổng khuyến khích của trường trong đó 8 kỳ học bổng loại giỏi và 1 kỳ đạt học bổng xuất sắc. Năm học đầu tiên khi bước vào trường, Trung vinh dự đạt học bổng Mitsubishi và 2 năm liền là “sinh viên năm tốt” cấp thành phố,...

Được biết, Ngọc Trung là cựu học sinh chuyên Toán của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, được bố mẹ định hướng thi Y từ cuối THCS, Ngọc Trung không đồng ý mà dự định theo ngành Công nghệ thông tin. Hết năm học lớp 10, Ngọc Trung thấy không hợp vì phải làm việc với máy tính quá nhiều. Tìm hiểu về ngành khác, tân bác sĩ nội trú hào hứng với ngành Y, nhận ra ngành này nhiều thử thách, được trưởng thành trong mối quan hệ với người bệnh và xã hội. Vì vậy, em đặt mục tiêu phải thi đỗ. Năm 2018, Ngọc Trung thi đỗ Trường ĐH Y Hà Nội với 29 điểm và là 1 trong 2 thí sinh đạt điểm 10 môn Sinh học, trở thành á khoa đầu vào ngành Y đa khoa.

Nói đến ngành Y thì đặc sản là lịch học, trực, thi dày đặc và đan xen nhau. Số lượng kiến thức trong vòng 6 năm thì khổng lồ với hơn 200 tín chỉ và gần 100 học phần. Với lịch học, ở trường, em không có ngày nào được nghỉ. Em chỉ tranh thủ thời gian ôn thi vào buổi tối. - Nguyễn Minh Anh (Thủ khoa kỳ thi bác sĩ nội trú năm 2024 của Trường ĐH Y Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.