Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7: Khúc vĩ thanh về liệt sĩ Lê Xuân Trạc

GD&TĐ - Mỗi năm, cứ đến ngày 27/7, những chuyện kể về liệt sĩ lại lay thức biết bao tấm lòng trung hiếu như những khúc vĩ thanh bất tử. Câu chuyện về liệt sĩ Lê Xuân Trạc (Thanh Hóa) và gia đình người cha nuôi ở tiền phương (Hà Tĩnh) là câu chuyện như thế.

Ông Nguyễn Dục (trái) và ông Lê Xuân Nga tiếp bước liệt sĩ Lê Xuân Trạc kết tình anh em ruột thịt
Ông Nguyễn Dục (trái) và ông Lê Xuân Nga tiếp bước liệt sĩ Lê Xuân Trạc kết tình anh em ruột thịt

Kết tình con nuôi nơi tiền phương

Liệt sĩ Lê Xuân Trạc (1947), nguyên quán xóm Quy, xã Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, (tỉnh Thanh Hóa), nhập ngũ tháng 2/1965, đơn vị Đại đội 6, đoàn 33, Quân khu 4 tiền phương. Thân sinh là ông Lê Xuân Trị và bà Hoàng Thị Kiệu. Ông hy sinh ngày 24/02/1968, theo Trích lục của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa số 1557/TLHS-CT ngày 20/7/2015 thì liệt sĩ hi sinh trong trường hợp “đi công tác bị phục” tại Triệu Ái, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị).

Ông Lê Xuân Nga (em trai liệt sĩ Lê Xuân Trạc) kể: “Tháng 1/1965, anh trai tôi đang học lớp 7 trường làng thì có lệnh nhập ngũ, đến tháng 2/1965 anh nhập ngũ. Mặc dầu đang gần 1 học kì nhưng nhà trường vẫn xét đặc cách và cấp bằng hoàn thành cấp 2 cho anh Trạc trước lúc nhập ngũ. Anh được biên chế vào đoàn 33 đặc công Quân khu 4, huấn luyện, vào Nam chiến đấu rồi hy sinh ngày 24/2/1968 trên chiến trường Quảng Trị”.

Ông Nga bùi ngùi lần tìm kí ức của anh trai mình nơi hơn 50 năm về trước liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạc đã nằm ở nhà bố nuôi.
Ông Nga bùi ngùi lần tìm kí ức của anh trai mình nơi hơn 50 năm về trước liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạc đã nằm ở nhà bố nuôi.

“Trước lúc anh tôi hi sinh khoảng 3 tháng, gia đình tôi nhận được thư của anh báo ở tiền phương có gia đình bố mẹ nuôi thương yêu, chăm lo cho anh hết mực. Người bố nuôi là ông Nguyễn Sinh (trú tại đội 6, xã Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Anh cũng kể, trước lúc vào chiến trường có gửi toàn bộ quân tư trang cho gia đình bố nuôi nhờ chuyển về cho gia đình và dặn, nếu con có mệnh hệ gì thì khi chiến tranh kết thúc, bố mẹ, các em phải vào Hà Tĩnh để thăm gia đình bố nuôi và kết nghĩa tình anh em ruột thịt” – ông Nga cho biết.

Đang kể, giọng ông Nga trầm xuống: “Nhưng…khoảng giữa năm 1968, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của anh Trạc và toàn bộ quân tư trang đầy đủ như lời anh viết trong thư. Lúc đó, chúng tôi cũng không hiểu vì sao quân tư trang lại có thể cùng gửi về với giấy báo tử. Sau khi vào Hà Tĩnh thăm gia đình bố nuôi của anh Trạc, biết rõ sự việc thì ngậm ngùi vì kỷ vật của anh hiện không còn giữ được. Nó bị cuốn trôi trong một trận lũ lớn”.

Để tìm hiểu kĩ về nghĩa tình quân dân cá nước sâu nặng giữa liệt sĩ Lê Xuân Trạc và gia đình bố nuôi ở tiền phương, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dục (ở thôn Hàm Giang, xã Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ông Dục là con trai của ông Nguyễn Sinh (bố nuôi liệt sĩ Lê Xuân Trạc). Ông Dục kể: “Khoảng cuối năm 1965, khi đoàn 33 đặc công về huấn luyện ở xã Sơn Hàm, anh Trạc được phân công về ở tại nhà bố mẹ tôi. Tôi ít tuổi hơn, nên khi gia đình nhận làm con nuôi, tôi gọi liệt sĩ Lê Xuân Trạc là anh. Anh Trạc người thấp đậm, nước da bánh mật, thân hình rắn rỏi, nét mặt cương nghị nhưng luôn nở nụ cười hiền hậu”.

“Là giáo viên huấn luyện tân binh đặc công nên anh ấy rất giỏi võ. Có một thói quen không thể quên được là trước khi đi ngủ, anh thường “tung chưởng” bất kỳ dù là trong giấc mơ hay chỉ cần một tiếng động nhẹ. Vì vậy, anh Trạc luôn luôn ngủ một mình, lúc ngủ, tuyệt đối không ai được lại gần. Có lần, nằm trên giường, chỉ nghe tiếng mèo vồ chuột, anh Trạc tung một nắm đấm xuống sàn giường, mạnh đến nỗi tay dắt vào liếp, rớm máu. Từ đó, anh ấy xin gia đình ngủ ở chiếc sập gỗ mít, sập ngắn, anh nằm chân lòi ra ngoài nhưng an toàn cho người xung quanh. Anh nằm như thế gần 2 năm trời” – ông Dục kể lại.

Kể về công việc huấn luyện đơn vị đặc công của liệt sĩ Lê Xuân Trạc, ông Dục bồi hồi nhớ: “Những ngày ấy, sau mỗi giờ học hoặc đêm tối, vì thông thuộc địa hình, tôi thường được nhận nhiệm vụ dẫn đường cho đơn vị huấn luyện mỗi khi học về trinh sát ở trong rừng. Thường ngày, cạnh nhà tôi có những vùng ruộng năn lác, đơn vị lại ra đầm mình trong bùn lầy. Tan huấn luyện, tôi thường múc nước dội cho anh Trạc tắm. Thời điểm đó, đoàn 33 có 3 địa điểm huấn luyện cách nhau khoảng vài chục cây số gồm xã Sơn Hàm, Sơn Thọ và Sơn Tây (Hương Sơn). Hàng tuần, anh Trạc lại dẫn đơn vị hành quân bộ trong đêm để “trinh sát”, “tập kích” giữa các đơn vị để nâng cao kĩ thuật chiến đấu cho bộ đội”.

Gia đình ông Nguyễn Dục thắp hương tri ân liệt sĩ Lê Xuân Trạc tại nhà ông Lê Xuân Nga (Thanh Hóa)
Gia đình ông Nguyễn Dục thắp hương tri ân liệt sĩ Lê Xuân Trạc tại nhà ông Lê Xuân Nga (Thanh Hóa) 

Vậy bao giờ ông Trạc vào chiến trường, vì sao gia đình của liệt sĩ Lê Xuân Trạc lại nhận được quân tư trang cùng với giấy báo tử do đơn vị gửi về khi mà những kỉ vật đó liệt sĩ gửi lại cho gia đình? - chúng tôi hỏi. Ông Dục nhớ rành rọt: “Có thể là linh tính mách bảo, tôi còn nhớ như in, một buổi chiều cuối đông rét như cắt da thịt, anh Trạc đi bộ về nhà tôi sau 1 tuần vắng bóng, anh bảo với bố mẹ tôi: “Con sắp phải vào chiến trường, không biết bao giờ trở lại, con xin gửi toàn bộ quân tư trang, nếu sau 3 tháng không thấy con trở lại thì nhờ bố mẹ gửi về cho gia đình ở Thanh Hóa. Anh vừa nói vừa đưa thêm cho bố mẹ tôi một bức thư có ghi địa chỉ gia đình. Lúc đó. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì đã khá nhiều lần, sau mỗi kì huấn luyện, anh Trạc chỉ hành quân theo đơn vị vào Hương Khê hoặc Quảng Bình giao quân rồi quay lại và đi rất bí mật”.

“Theo lời của anh Trạc, sau hơn 3 tháng không thấy anh trở lại, bố tôi mang quân tư trang của anh ra bưu điện gửi nhưng phía bưu điện không nhận nên bố tôi chỉ gửi được mỗi lá thư còn quân tư trang thì đưa về gửi lại cho đoàn 33. Khoảng tháng 4/1968, chúng tôi được đơn vị báo là anh Trạc và hầu hết chiến sĩ của đại đội đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị khi đơn vị lọt vào đội hình phục kích của địch. Gia đình chúng tôi đã thắp hương báo cáo với cho tổ tiên và cầu cho hương linh của anh Trạc và những người con ưu tú trẻ măng của đơn vị đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc. Hình ảnh của những chiến sĩ hồn nhiên phới phới tuổi thanh xuân, căng tràn nhiệt huyết cách mạng ấy in mãi trong tâm trí tôi”, ông Dục bồi hồi tưởng.

Lời thề sắt son chốn hậu phương

Có mặt trong buổi đoàn viên sum họp giữa gia đình ông Lê Xuân Nga (em ruột liệt sĩ Lê Xuân Trạc) tại gia đình ông Nguyễn Dục (con trai cả bố nuôi liệt sĩ Lê Xuân Trạc) chúng tôi thật sự xúc động khi bất ngờ ông Nga giới thiệu là em ruột của Liệt sĩ Trạc.

Ông Dục và ông Nga ôm chầm lấy nhau, mắt ngấn lệ, trong giàn dụa nước mắt, ông Nga kể: “Lúc nhận được bức thư của anh trai do bố nuôi là ông Nguyễn Sinh ở Hà Tĩnh gửi về, trong thư, anh tôi kể tường tận ân nghĩa sâu nặng mà gia đình bố mẹ nuôi đã dành cho anh, chúng tôi rất cảm kích. Khoảng tháng 7/1968, gia đình chúng tôi nhận được giấy báo tử cùng toàn bộ quân tư trang đúng như anh tôi viết trong thư do đơn vị gửi về, gia đình chúng tôi rất đau xót xen lẫn niềm tự hào vì anh đã cống hiến cả cuộc đời cho độc lập, tự do của dân tộc.

Sai sót trong Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Xuân Trạc cần các cơ quan chính sách sữa chữa và cấp lại cho đúng.
 Sai sót trong Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Xuân Trạc cần các cơ quan chính sách sữa chữa và cấp lại cho đúng.

"Chiến tranh kết thúc, nhiều lần bố tôi muốn vào Hà Tĩnh thăm gia đình bố mẹ nuôi của con nhưng một phần do đường sá xa xôi, do nghèo và sức khỏe bố tôi không đảm bảo nên tâm nguyện ấy không thực hiện được. Trước khi ông mất, ông kéo tôi lại và bảo, con phải thay bố vào Hà Tĩnh để tri ân bố mẹ nuôi của anh. Bây giờ tâm nguyện ấy đã thành hiện thực” - ông Nga nước mắt giàn dụa.

Chúng tôi không thể cầm được nước mắt, khi ông Dục dẫn ông Nga đến bên chiếc sập mà hơn 50 năm về trước, liệt sĩ Lê Xuân Trạc nằm nghỉ, ông Nga run run tay sờ lên chiếc sập như muốn tìm lại kí ức và hơi ấm người anh trai của mình đã hơn 2 năm trời ngủ trên chiếc sập kỉ vật thiêng liêng ấy.

Sau khi em trai liệt sĩ Lê Xuân Trạc vào Hà Tĩnh, chúng tôi có dịp theo chân gia đình ông Nguyễn Dục ra Thanh Hóa thăm, thắp hương tri ân liệt sĩ Lê Xuân Trạc nhân dịp kỉ niệm ngày TBLS (27/7). Cùng đi có ông Dục và 3 người con trai của ông. Mặc dầu liệt sĩ Lê Xuân Trạc không có di ảnh nhưng chúng tôi cảm nhận được rất rõ hình ảnh ông Lê Xuân Nghị và bà Hoàng Thị Kiệu (thân sinh liệt sĩ) đang nở nụ cuời ấm áp. Chỉ tiếc là kỉ vật thiêng liêng về dấu ấn tình quân dân sâu nặng của liệt sĩ nay không còn.

Câu chuyện về liệt sĩ Lê Xuân Trạc không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi được ông Nga cho biết, lúc ông Trạc nhập ngũ, anh trai ông có lời thề hẹn sắt son với bà Lê Thị Ưng học cùng lớp rằng phải chờ anh ấy hết chiến tranh về để trăm năm kết tóc xe duyên. Ngày địa phương và gia đình làm lễ truy điệu cho liệt sĩ, bà Ưng đã chít khăn tang, khóc rất nhiều và xin làm người con dâu của ông Nghị.

Bản trích lục tại Bộ chỉ huy quân sự Thanh Hóa.
 Bản trích lục tại Bộ chỉ huy quân sự Thanh Hóa.

Tuy nhiên, nhiều năm sau, khi gần hết tuổi xuân, bà Ưng đã đến thắp hương nói với anh linh liệt sĩ Xuân Trạc rằng, “Ở dưới suối vàng, anh cố gắng đi tìm người khác làm vợ, em không có cách khác phải đi lấy chồng để báo hiếu cha mẹ. Kiếp sau, em sẽ xuống làm vợ anh”. Hiện bà Ưng lấy chồng, sinh sống ở Thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), bà Ưng vẫn thường xuyên thăm viếng gia đình và không năm nào quên đến thắp hương cho liệt sĩ Lê Xuân Trạc nhân ngày giỗ và ngày Thương binh liệt sĩ.

Kể về hành trình đi tìm mộ liệt sĩ, ông Lê Xuân Nga cho biết, gia đình đã nhiều năm vào Quảng Trị tìm, biết đích xác đơn vị của anh hi sinh ở Triệu Ái, Triệu Phong (Quảng Trị). Danh sách liệt sĩ ở nghĩa trang có tên anh tôi nhưng trên bia mộ không có lấy một dòng chữ. Hàng ngàn liệt sĩ vô danh ấy, dù ngậm ngùi nhưng tôi vẫn cảm nhận được anh tôi đang sum vầy bên đồng đội.

Giấy báo tử của liệt sĩ Lê Xuân Trạc.
 Giấy báo tử của liệt sĩ Lê Xuân Trạc.

Có một điều phân vân về sự sai sót trong việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Lê Xuân Trạc. Vì một lí do nào đó khi mà cả giấy báo tử của đơn vị và trích lục từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đều ghi hi sinh ngày 24/2/1968 thì Bằng Tổ quốc ghi công lại ghi hi sinh ngày 24/12/1967 và bị mờ hẳn hoặc không có dấu, mặc dầu mới được cấp lại ngày 18/3/2014.

Kính đề nghị các cơ quan chính sách tỉnh Thanh Hóa xem xét và làm thủ tục cấp lại đúng theo hồ sơ quân nhân và giấy báo tử của liệt sĩ Lê Xuân Trạc. Câu chuyện về liệt sĩ Lê Xuân Trạc là khúc vĩ thanh bất tử trường tồn về tình quân dân, về đức hi sinh cao cả với non sông đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.