Cơ hội giới thiệu và quảng bá di sản độc đáo
Nỗ lực giữ gìn và trao truyền làn điệu dân ca mộc mạc, sâu lắng và lay động lòng người của các nghệ nhân, mới đây, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ có buổi thuyết trình “Con đường di sản hò khoan Lệ Thủy” tại phố cổ Hà Nội.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, khi Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội mời ông thuyết trình về “Con đường di sản hò khoan Lệ Thủy”, điều ông nghĩ đến đầu tiên: Đây là cơ hội tốt để giới thiệu và quảng bá di sản độc đáo này. Vì thế, ông tỏ ý mời nhóm nghệ nhân của CLB Hò khoan Lệ Thủy ra Thủ đô biểu diễn, thế nhưng làm sao để có nguồn kinh phí hỗ trợ các nghệ nhân ra Thủ đô. Trăn trở với điều đó, ông đã viết thư kêu gọi mọi người đóng góp, chủ yếu là học trò thời ông còn dạy ở Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội đang làm báo. Trong ít ngày, ông đã quyên góp được hơn 20 triệu đồng, đủ chi phí để 17 nghệ nhân CLB Hò khoan Lệ Thủy cùng lên xe mang di sản quê hương Quảng Bình đến với khán giả Thủ đô.
Các nghệ nhân và nhạc công hò khoan huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình không phụ lòng mong mỏi của khán giả. Họ đem đến cho khán giả cái mới, cái đẹp của một hệ thống dân ca địa phương đặc sắc, điều mà lâu nay, khán thính giả Thủ đô chưa được tiếp xúc nhiều như các di sản khác.
Lần đầu tiên trực tiếp xem nghe hò khoan Lệ Thủy, bác Nguyễn Văn Tá, nhà ở Trần Nhật Duật, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã xem hò khoan nhiều trên tivi nhưng đây là lần đầu tiên tôi xem trực tiếp các nghệ nhân biểu diễn. Điều tôi thích hơn cả là các nghệ nhân đều hò bằng cả tấm lòng, bằng chính tâm hồn người chân chất, mộc mạc, rất... nông dân của họ. Đây cũng là dịp để tôi hiểu hơn về nghệ thuật hò khoan Lệ Thủy”.
Cần có sân chơi đích thực
Những năm gần đây, ngành Văn hóa tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực để giữ gìn và bảo vệ, lan tỏa nghệ thuật hò khoan Lệ Thủy. Đặc biệt, hò khoan Lệ Thủy đã được đưa vào giảng dạy trong trường học, trở thành phong trào văn hóa - văn nghệ sâu rộng làm sân chơi giao lưu giữa các trường học. Đây chính là môi trường nuôi dưỡng quan trọng nhất để hò khoan Lệ Thủy được kế thừa, vang mãi với thời gian.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là các hoạt động có tính chất giới thiệu “chào hỏi”, để hò khoan Lệ Thủy trở thành sản phẩm văn hóa, trình diễn phục vụ du khách khi đến với Quảng Bình thì còn nhiều khó khăn.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, thật khó có thể kể hết những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của hò khoan Lệ Thủy. Tuy nhiên, để quảng bá rộng rãi hò khoan Lệ Thủy đến với công chúng, trước hết người dân được hát và có người nghe họ hát. Bên cạnh công tác sưu tầm và truyền nối còn phải quảng bá rộng rãi ra cộng đồng. “Một tiểu thuyết không ai đọc thì không phải tiểu thuyết. Một vở kịch không diễn bao giờ thì cũng không phải vở kịch. Một di sản phi vật thể không được trình diễn và quảng bá thì không còn là di sản nữa” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.