Sục sôi hào khí thanh niên
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lúc này, giữa đại lộ Norodom, Sài Gòn (nay là đường Lê Duẩn, Quận 1), Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ cũng tổ chức trọng thể lễ mít tinh chào mừng ngày độc lập.
Báo Việt Thanh, xuất bản tại Sài Gòn tháng 9/1945 miêu tả không khí của ngày hôm đó: “Giữa trưa, dưới mặt trời đứng bóng, các đoàn thể quần chúng, các toán quân lũ lượt trong các trụ sở ở châu thành, các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Norodom. Biển người Sài Gòn đổ ra đường hôm đó là cảnh tượng chưa từng thấy ở thành phố này. Cờ đỏ sao vàng, cờ của các nước đồng minh rợp trời. Khẩu hiệu bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung giăng đầy các con phố lớn ở trung tâm: “Việt Nam dân chủ muôn năm!”, “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Độc lập hay là chết””.
Ngày 1/6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong chính thức ra mắt nhân dân TP Sài Gòn nói riêng và toàn thể người dân Nam Bộ nói chung, trụ sở đặt tại Sở Thanh niên và thể thao Nam Kỳ, số 14 đường Charner, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tổ chức Thanh niên Tiền phong lấy cờ vàng sao đỏ làm Đoàn kỳ; Đoàn ca là bài hát “Lên đàng” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng sáng tác; treo khẩu hiệu công khai là: “Cải tổ lại xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân”.
Để có được không khí ngày 2/9/1945 lịch sử đó tại Sài Gòn, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân các tỉnh Nam Bộ, trong đó có TP Sài Gòn - Gia Định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, đã trường kỳ, gian khổ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Theo cuốn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ Hai do phát-xít Đức gây ra từ năm 1939, tuy thời cơ chưa chín muồi nhưng Đảng bộ Nam Kỳ đã phát động khởi nghĩa năm 1940. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, phong trào cách mạng bị thực dân Pháp khủng bố rất dã man. Lực lượng cách mạng thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Trần Văn Giàu (1911-2010), sau khi vượt ngục Tà Lài năm 1941, đã cùng nhiều cốt cán ra sức tuyên truyền, củng cố lòng tin vào sự tất thắng của cách mạng, vận động thành lập lại Xứ ủy lâm thời, tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Năm 1943, một số ban cán sự, tỉnh ủy ở Nam Bộ dần dần được gây dựng lại.
Sau thắng lợi của Hồng quân Liên Xô cuối 1942 tại Stalingrát, tình hình thế giới phát triển theo chiều hướng bất lợi cho phe phát-xít Đức - Nhật. Khi quân Đồng Minh chiếm Philippines năm 1945, đe dọa đổ bộ vào Đông Dương, Nhật phải đảo chính Pháp, lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim để tránh nguy cơ bị đánh sau lưng. Cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3/1945 tạo ra một tình thế đặc biệt. Mặc dù chưa liên lạc được Trung ương và thực lực cách mạng còn yếu, nhưng trong tình thế cấp bách, Xứ ủy Nam Bộ đã sáng tạo, vừa vận dụng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (năm 1939), đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, vừa xây dựng cấp tốc một “Đạo quân chính trị”.
Cán bộ Đảng được vào nắm tổ chức Thanh niên Tiền phong với mục đích xây dựng lực lượng xung kích, cướp chính quyền khi thời cơ đến.
Từ tháng 5 đến tháng 7/1945, ở Nam Bộ diễn ra tình thế sôi sục tiền khởi nghĩa. Thanh niên ca hát những bài hát lịch sử của nhóm Hoàng Mai Lưu khơi động lòng yêu nước, tự hào dân tộc, như bài “Bạch Đằng Giang”, “Ải Chi Lăng”, “Trưng nữ vương”, “Khúc khải hoàn”, “Lên đàng”...
Từ Hà Nội, Huế đến Sài Gòn
Phát-xít Đức đầu hàng Đồng minh ngày 2/5/1945. Quân Nhật đầu hàng ngày 14/8/1945. Lệnh tổng khởi nghĩa từ Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16/8/1945 được truyền đi toàn quốc. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội ngày 19/8/1945; ở Huế ngày 23/8/1945.
Ở Nam Bộ, Xứ ủy đã họp phiên đặc biệt ngày 15/8/1945, xác định nhiệm vụ cấp bách là khởi nghĩa giành chính quyền. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) còn khá nặng nề, nên trong hội nghị vẫn có xu hướng chần chừ. Phải đến 3 lần hội nghị ở Chợ Đệm thì mới thống nhất quyết tâm tiến hành khởi nghĩa.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban Kháng chiến toàn quốc, ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ nhanh chóng thành lập Ủy ban Khởi nghĩa do Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.
Sáng 18/8/1945, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Tổng Thư ký Thanh niên Tiền phong treo cờ búa liềm công khai trước cửa nhà. Chiều cùng ngày, tại sân bóng Vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn), trong lễ tuyên thệ lần thứ hai của Thanh niên Tiền phong, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, cổ vũ quần chúng đứng lên giành độc lập, dân chủ. Ngày 20/8/1945, Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là Nhà hát Kịch TPHCM, đường Trần Hưng Đạo, Quận 1), thông qua Chương trình hành động của Mặt trận, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Một ngày sau đó, Hội nghị Xứ ủy Tiền phong mở rộng đã quyết định thành lập Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và thống nhất giao cho Tỉnh ủy Tân An giành chính quyền ở thị xã, làm chủ một số vùng và vị trí then chốt.
Trước tình hình quân Nhật đã án binh bất động, Hội nghị nhanh chóng quyết định về kế hoạch khởi nghĩa tại Sài Gòn vào đêm 24/8; rạng sáng 25/8, tổ chức biểu tình vũ trang ra mắt Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ trước quốc dân đồng bào.
Thực hiện kế hoạch, ngay trong đêm 24/8, quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông... hừng hực khí thế cách mạng kéo về nội thành, nhanh chóng chiếm giữ các cơ quan quan trọng như: Sở Công an, Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện... Đến 22h, tráng đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm Dinh Khâm Sai (nay là Bảo tàng TPHCM), bắt giữ Khâm sai Nguyễn Văn Sâm của chính phủ Trần Trọng Kim, hạ cờ quẻ ly, giương cao cờ đỏ sao vàng báo hiệu sự toàn thắng.
Sáng 25/8, hàng vạn quần chúng Nhân dân ở nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận đổ về trung tâm thành phố dự mít-tinh chào mừng Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ với các băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Tất cả về tay Việt Minh”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”,... Cờ đỏ sao vàng ngập tràn trên đường phố, bay hiên ngang trên các công sở đánh dấu thắng lợi cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn.
“Ngày thắng lợi đầu tiên”
Từ 31/8/1945, Trung ương cho biết, lúc 14h ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”. Lễ Độc lập ở Hà Nội mở màn bằng nghi lễ chào cờ rất tôn nghiêm. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Sử học Phan Văn Hoàng, thành viên ban biên soạn công trình “Lịch sử kháng chiến Nam Bộ”, lúc này, ở Sài Gòn, một hệ thống loa phát thanh được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặt dọc tuyến đường Norodom. Máy thu thanh cũng được trang bị để tiếp sóng bản “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên làn sóng 32m của Đài Phát thanh Bạch Mai (Hà Nội). Tuy nhiên, đài phát ở Hà Nội và máy thu ở Sài Gòn quá cũ, việc tiếp sóng không thành công. Hơn nửa giờ trôi qua, dân chúng bắt đầu xì xào bàn tán, một số người nghi vấn có kẻ phá hoại. Để trấn an người dân, ban tổ chức đề nghị Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu.
Ông Trần Văn Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội lên giấy mấy ý chính, rồi bước lên lễ đài, ứng khẩu một bài diễn văn: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu. Hôm nay, theo mạng lịnh (mệnh lệnh) của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm Lễ Độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên”.
Ông nhắc nhở đồng bào, mừng chiến thắng nhưng chớ say sưa, bởi bối cảnh trước mắt, Việt Nam gặp tình cảnh nguy nan. Không khéo, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ. Rồi ông đặt câu hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân trở lại không?”. Sau mỗi câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ, đám đông bên dưới đồng thanh đáp: “Không! Không! Không!”.
Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.
Tiếp lời, ông Nguyễn Lưu, Tổng Thư ký Công đoàn Nam Bộ thay mặt nhân dân tuyên thệ, bày tỏ ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi cương quyết: Không đi lính cho Pháp; không làm việc cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; không dẫn đường cho Pháp”, ông nói.
Hàng trăm nghìn người phía dưới hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề”. Buổi mít - tinh sau đó biến thành cuộc tuần hành. Từ đại lộ Norodom, một tốp đổ xuống đường Cartinat (nay là đường Đồng Khởi), một tốp khác vào đường Taberd (nay là Nguyễn Du).
“Ngày 2/9/1945, cuộc diễu hành vĩ đại của Nhân dân mừng độc lập, đã khẳng định lời thề “Độc lập hay là chết” của nhân dân Nam Bộ quyết cùng cả nước “Đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ nền độc lập” vừa giành được. Nhưng nhân dân Nam Bộ chỉ được hưởng độc lập có 28 ngày. Đêm 22 rạng sáng 23/9, quân Pháp được sự trợ giúp của quân Anh, đã tiến công và chiếm giữ những cơ sở quan trọng của chính quyền cách mạng ở trung tâm Sài Gòn. Cuộc kháng chiến bắt đầu từ Nam Bộ. Toàn quốc cũng bước vào kháng chiến từ 19/12/1946”. Theo ông Nguyễn Trọng Xuất, Tổng Thư ký công trình “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”.
_________________________________
Tài liệu tham khảo
- Sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2012.
- Tư liệu Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tư liệu Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hồi ký "Saigon Septembre 45", ký giả Trần Tấn Quốc, 1945.