Trường THPT Khoái Châu:

Kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

GD&TĐ - Ngày 13/11, Trường THPT Khoái Châu (Hưng Yên) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1962 - 2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Tại buổi lễ, các thế hệ thầy và trò đã ôn lại kỷ niệm từ khi nhà trường còn là những mái nhà tranh xuống cấp, mưa dột, gió lùa đến sự phát triển hiện đại như ngày hôm nay.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đánh giá, Lễ kỷ niệm hôm nay là dấu mốc quan trọng, ghi dấu giai đoạn phát triển mới của nhà trường.

Theo đó, trách nhiệm của thầy và trò sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương, và trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu tại buổi lễ.

Vị Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị nhà trường tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29; Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Duy trì kỷ cương, nền nếp trong dạy, học và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Hai là, thực hiện tốt công tác xây dựng tập thể, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ba là, thực hiện tốt việc triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ lớp 10. Tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục, xây dựng nhà trường; chú trọng công tác phân luồng, giáo dục đạo đức, lý tưởng sống, kỹ năng sống của học sinh. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học; tăng cường hiện đại hóa cơ sở vật chất; tham gia tích cực các hoạt động chính trị - xã hội.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Duy Hưng trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nhà trường.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Duy Hưng trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nhà trường.

Trong diễn văn Lễ kỷ niệm, ông Lưu Minh Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Khoái Châu ôn lại, tháng 8/1962, theo quyết định của tỉnh ủy Hưng Yên, nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập của nhân dân huyện Khoái Châu và một số xã của huyện Văn Giang và Yên Mỹ, đồng thời thực hiện yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, Trường THPT Khoái Châu đã được thành lập, nằm ở trung tâm của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Từ đó đến nay, trường đã trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển với những biến động, thăng trầm của lịch sử. Nhà trường luôn là nơi gieo hạt giống tri thức, ươm mầm tài năng, nâng cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò. Từ mái trường này, có biết bao người đã trưởng thành, đem tài năng, công sức của mình góp phần cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Đặc biệt, trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều thầy giáo và học sinh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã tạm gác lại sự nghiệp đèn sách, xung phong lên đường nhập ngũ. Có nhiều người đã anh dũng hi sinh, trong đó có thầy giáo, bí thư đoàn trường Bùi Văn Đông và 191 học sinh.

Ông Lưu Minh Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Khoái Châu cùng các thế hệ thầy và trò ôn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của nhà trường.

Ông Lưu Minh Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Khoái Châu cùng các thế hệ thầy và trò ôn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của nhà trường.

Từ năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Trường THPT Khoái Châu có nhiều thay đổi. Số học sinh tăng, trong khi trường chỉ có 12 phòng học thuộc khu nhà 2 tầng kiên cố, còn lại là các lớp học, phòng làm việc, khu tập thể giáo viên, vốn là nhà tranh, lại xuống cấp, mưa dột, gió lùa.

Từ đó, thầy và trò nhà trường đã quyết tâm thực hiện chiến dịch “ngói hóa trường học”, “tự đóng gạch xây trường”. Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, đến năm 1982, trường đã xóa sổ nhà tranh, mái lá; tổng cộng có 30 phòng học và các phòng tổ chuyên môn, đủ cho toàn trường học một ca.

Từ năm 2006, chương trình giáo dục có sự thay đổi theo hướng hiện đại; giáo viên bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại trong giảng dạy. Vì thế, cơ sở vật chất cũng được chú trọng thay đổi đáp ứng nhu cầu dạy học.

Nhà trường có số cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn là 100%. Nhiều thầy cô giáo được tặng các danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh.

Số học sinh của nhà trường có năm lên tăng lên trên 2500 học sinh. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức cao, trên 95%, trong nhiều năm, tỉ lệ này là 100%. Chất lượng học sinh giỏi liên tục xếp vị trí dẫn đầu tỉnh trong nhiều năm. Tỉ lệ học sinh đỗ các trường đại học và cao đẳng năm sau tăng so với năm trước.

Từ 8/2019, nhà trường được sáp nhập với Trường THPT Nam Khoái Châu. Sau 3 năm sáp nhập, mặc dù còn một số khó khăn nhưng với nền tảng vững mạnh của 2 trường đạt chuẩn quốc gia, cùng với sức mạnh nội sinh, nhà trường đã giữ vững kỷ cương, nền nếp và khẳng định ví trí trong ngành giáo dục của tỉnh nhà, giữ vững danh hiệu Tập thể LĐ xuất sắc.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

Năm 2022 là năm đặc biệt, Trường THPT Khoái Châu vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Nhà nước trao tặng, vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường.

Từ năm đầu tiên, trường mới chỉ có 8 thầy cô giáo, tính đến nay, số thầy cô giáo đã lên tới gần 500 người. Nhiều thầy cô đã coi Khoái Châu là quê hương thứ hai để gắn bó với trường lớp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục suốt cuộc đời viên chức của mình.

Đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, không thể không nhắc đến đội ngũ nhân viên văn phòng, thủ thư, thủ quỹ, kế toán, bảo vệ, lao công, cấp dưỡng... Tuy không ngày ngày trên bục giảng, nhưng tất cả đều cần mẫn, chu đáo góp phần quan trọng cho việc dạy và học của nhà trường diễn ra thuận lợi nhất.

Nhà trường bắt đầu đi lên với thế hệ học sinh trong giai đoạn chiến tranh, chân đất, đầu trần, nhịn cơm sáng, đi bộ từ tinh mơ tới trường. Có người gác lại việc học hành để lên đường nhập ngũ và mãi mãi không trở về, tên tuổi các anh hòa với non sông đất nước. Đó là những học sinh đi xe đạp mang theo cây gậy, cây que để thỉnh thoảng dừng lại bên đường, cậy bùn đất dính đầy bánh xe, mới có thể tiếp tục tới trường.

Đến nay, nối tiếp thế hệ trước là thế hệ học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện, sử dụng thiết bị công nghệ cao và sẵn sàng hội nhập với thế giới. Từ 3 lớp, với 158 học sinh của năm đầu mới thành lập, đến nay, Trường THPT Khoái Châu đã có hơn 32.000 học sinh từng theo học.

Trong đó, 10 học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp Quốc gia, 3 học sinh đoạt giải thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia; 20 giải cấp Quốc gia ở các cuộc thi khác và hơn một nghìn học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, 200 huy chương các loại trong các Hội khỏe Phù Đổng và Hội diễn văn nghệ,...

Từ mái trường này, nhiều người trở thành các nhà khoa học, anh hùng lực lượng vũ trang, sĩ quan cao cấp, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục; là công nhân, nông dân, thợ thủ công học tập, làm việc trong và ngoài nước.

Một số mốc son phát triển của Trường THPT Khoái Châu:

- Năm 1992, nhà trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai.

- Năm 2002, nhà trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Năm 2012, nhà trường đã lọt vào top 200 trường có tỉ lệ học sinh đạt điểm thi đại học cao nhất toàn quốc. Cùng năm đó, nhà trường được trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ với thành tích Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.

- Năm 2015, nhà trường được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen là Đơn vị dẫn đầu phong trào “Dạy tốt – Học tốt”.

- Năm 2017, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

- Năm 2020, nhà trường được Thủ tướng chính phủ tặng Cờ thi đua.

- Năm 2022 là năm đặc biệt, nhà trường vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Nhà nước trao tặng, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ