Tới hôm nay đã là mấy mươi năm có lẻ mà mỗi khi nói về Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi lại nhớ về Đại tướng. “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi” cứ âm rung trong trái tim tôi!
Đại tướng đam mê nghề báo
Dịp tháng 5/1991, anh Phan Quang - Tổng thư ký (tức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) cùng mấy người chúng tôi ở Trung ương Hội tới tư gia trao Huy chương đặc cách “Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam” cho Đại tướng.
Nói đặc cách vì đây là phần thưởng cao quý nhất của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng các nhà báo chuyên nghiệp có nhiều đóng góp vào sự nghiệp báo chí cách mạng, có niên hạn làm báo từ 25 năm trở lên.
Trong đó, có quy định trao tặng đặc cách lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ... từng lãnh đạo hoặc sáng lập các tờ báo, tạp chí trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Nét xúc động hiển hiện trên đôi mắt hiền từ. Lời trầm ấm, Đại tướng bày tỏ lòng biết ơn Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhớ tới ông... Kỷ niệm làm báo đấu tranh cách mạng ùa về, Đại tướng kể: “...16 tuổi, là học trò Trường Quốc học Huế, tôi đã có bài báo viết bằng tiếng Pháp với tiêu đề: Đả đảo tên bạo chúa ở Trường Quốc học đăng trên tờ L’Annam xuất bản ở Sài Gòn; bài báo có tiếng vang rộng lớn...
Bị đuổi học, tôi xin vào làm việc ở Nhà xuất bản Quan hải tùng thư tại Huế, rồi làm báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, là tờ báo lớn đầu tiên ở Trung Kỳ có tư tưởng tiến bộ... Tôi học nghề báo và làm báo từ đây.
Tôi viết rất nhiều thể loại. Nhiều loạt bài thể luận về chủ nghĩa Mác dưới dạng phổ thông; cùng nhiều loạt bài về những vấn đề chính trị - xã hội, triết học; bình luận cho chuyên mục Thế giới thời đàm với nhiều bút danh như Vân Đình, Hải Thanh, Chính Nghĩa... Sau này, khi Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử (tháng 5/1936), chuyển biến theo chiều thuận lợi, tôi nghĩ ngay tới việc ra báo để đón lấy thời cơ.
May sao, tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh vì thua lỗ đã nhượng lại bản quyền cho chúng tôi... Ngày 6/6/1936, Hồn trẻ bộ mới ra đời; đây cũng là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai đấu tranh cho dân sinh, dân chủ; ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp, cho nên được bạn đọc sôi nổi đón đọc, nhưng cũng chỉ ra được tới số 5 thì bị đóng cửa. Tôi chuyển sang làm báo tiếng Pháp - tờ Le Travail do tôi vừa làm Chủ bút vừa là biên tập viên”!
Đại tướng nở nụ cười rất tươi, lời trầm xuống: “Báo ra được 30 số, đúng ngày 16/4/1937 lại bị đóng cửa!... Thời kỳ này báo chí cách mạng bằng tiếng Pháp, tiếng Việt phát triển khá mạnh nên tôi hăng say viết, cho dù không có phụ cấp và nhuận bút.
Công việc chính của tôi thời gian này là dạy học, nhưng tôi lại dồn hết tâm lực vào viết báo. Tôi làm đủ các chân của nghề báo: Viết xã luận, nghị luận, thời đàm, điều tra, phóng sự... đến biên tập, duyệt bài, vẽ maquette, đưa nhà in, sửa bản bông”...
Xen trong lời kể của ông, chúng tôi còn biết khi cách mạng chuyển giai đoạn, Võ Nguyên Giáp còn là người trực tiếp chỉ đạo báo chí và viết các bài quan trọng cho các tờ báo cách mạng, như: Việt Nam Độc lập (thành lập năm 1941), Tiếng súng reo do ông thành lập năm 1944, Quân Giải phóng (1945), Báo Vệ Quốc quân (1947), Quân du kích (1949), Quân đội nhân dân (1950)...
Kết lại cuộc chuyện, giọng ông mạnh mẽ: “Báo chí là một lực lượng mạnh, có thể tạo nên sự chuyển biến con người. Báo chí phải tích cực tham gia vào công tác tư tưởng, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, phổ biến kiến thức mới trong nhân dân, trên cơ sở đó xây dựng một nước Việt Nam anh hùng nhưng giàu có”!...
Sau ít ngày nhận “Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam”, Đại tướng có bài viết kỷ niệm 15 năm làm báo trước Cách mạng tháng Tám, đăng trên tạp chí Người làm báo. Ông chia sẻ: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng.
Đó là công việc tôi luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị; yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết phải làm gì”.
Rằng: “Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Chính trị gia minh tuệ, mẫn cảm
“Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”, ấn hành tháng 4/1991, là cuốn sách Đại tướng tặng tôi hồi tháng 5/1991, tôi coi như báu vật của đời mình. Tập sách có cả loạt bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn - Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người mới - Pắc Bó nguồn suối... là những tên bài trong tập sách, đọc rồi mới thấy tâm huyết của Đại tướng với Bác Hồ, với Đảng, với nhân dân da diết biết bao.
Đọc sách, tôi cảm nhận ông viết bằng bút pháp của nhà báo, sự thật là căn cốt, bởi ông là người trong cuộc. Bởi, Đại tướng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn bên Người, vâng theo Người nên biết vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vào công việc đấu tranh và hoạt động quân sự cùng các lĩnh vực khác của đời sống.
Những trang viết của ông về tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giàu sức cảm, thuyết phục vì ông nghiên cứu với tư cách của nhà nghiên cứu lý luận về chiến lược, về học thuyết cách mạng của một người minh tuệ và từng trải.
Tôi cảm nhận Đại tướng dồn tâm sức, trí lực cao nhất để nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn vận dụng thiết thực nhất vào đời sống, vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước Việt Nam.
“Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi” là bài viết, đúng nghĩa là công trình nghiên cứu khoa học, thấu thiết về cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh; về Độc lập dân tộc; về Chế độ mới; về Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.... Đây cũng là bài tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị quốc tế “Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới” tổ chức tại Calcutta (Ấn Độ) ngày 14/1/1991... Phần còn lại của tập sách là những ghi chép, hồi tưởng về cuộc đời binh nghiệp chan chan sự kiện, chi tiết đắc địa về chiến tranh nhân dân; về nghĩa tình quân dân, tình dân với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.
Về “Quyết định khó khăn nhất” trong đời binh nghiệp của Đại tướng, nhưng đó là quyết định thông minh, mẫn cảm, khoa học nhất đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”.
Tập sách cho tôi nhận ra phẩm chất cần có và phải có của người lãnh đạo. Đó là trái tim luôn biết yêu thương chia sẻ; là trí tuệ mẫn cảm hiểu biết, can đảm trước hiểm nguy, giàu năng lực chỉ báo nhìn nhận vấn đề, thời cuộc; sàng lọc thông tin để đưa ra quyết định khôn ngoan nhất...
Muôn người mãi nhớ...
Ngày 25/8/2014, đúng ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi có cuộc gặp bất ngờ với hai vị khách lớn tuổi (cựu đảng viên Đảng Cộng sản Tiệp Khắc) là ngài Slavek Sustr, ở đường phố Vile Mov 14 và ngài Tratec ở Josef Hille Maly Senov.
Hai người cùng dự bữa cơm chiều với gia đình anh chị Đỗ Minh Quân và Bùi Thị Thu định cư tại TP Velky Snov, tỉnh Ustecky kraj, nước Cộng hòa Séc (xưa là Tiệp Khắc). Nhân kỷ niệm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai con gái nhỏ của anh chị là Quỳnh Anh và Minh Ngọc hát tặng khách bài “Tình ca Tây Bắc” và “Giải phóng Điện Biên”.
Nhạc rộn ràng hùng tráng nổi lên, dòng chữ tiếng Việt từ video karaoke trôi trên màn hình. Giọng ca của hai bé gái vang lên rất sáng, từ ca từ, âm điệu luyến láy, bổng trầm hệt như ca sĩ thứ thiệt...
Tất cả dõi lên màn hình bắt mắt vào những hình ảnh quần thể di tích của chiến công xưa với những bản làng, những nếp nhà duyên dáng; những thiếu nữ tươi tắn, tóc búi cao, khăn piêu, áo cóm vun đầy, xà tích níu eo thon thả... Những người lính Cụ Hồ quân phục màu lá cây, mũ nan, dép lốp hoan hỉ mừng chiến công. Chủ nhà thay nhau phiên dịch nội dung ca từ trong từng câu hát...
Ngài Slavek Sustr giọng xúc động, kể: Năm ngoái, ngày Tướng Giáp từ giã cõi trần, người Việt ở đây thắp hương tưởng nhớ và khóc làm chúng tôi ai cũng mủi lòng... Người Việt Nam rất trọng nghĩa tình, biết ơn nguồn cội.
Chúng tôi từng ngưỡng mộ về Điện Biên Phủ, về đất nước Việt Nam nghèo khó mà làm nên chiến thắng thần kỳ, khai đường cho các dân tộc bị đô hộ vùng lên tự giải phóng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành tựu của chiến tranh nhân dân, của đại đoàn kết dân tộc với sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có Tiệp Khắc!
Được lời, tôi lấy tập sách mang theo, dẫn bài “Quyết định khó khăn nhất” của Đại tướng, mở trang 69, ghi về cuộc gặp gỡ của nhà báo Tiệp Khắc bên bờ suối, dưới ánh trăng.
Nhà báo này nói với Đại tướng: “Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi thấy không có gì cách biệt giữa vị tướng với một người lính. Hôm nay khi lội dọc con suối vào Sở chỉ huy này, đã nhìn thấy đồng chí Tổng Tham mưu phó nhường ngựa cho một chiến sĩ đau chân, xách giày trong tay, cùng lội suối như mọi người”!...
Tiếp lời, tôi kể với họ về tình dân với Đại tướng, Đại tướng với nhân dân. Trước ngày sang đây, tôi gặp cụ Lù Thị Lôi, 102 tuổi, người dân tộc Thái ở Mường Phăng, hiện ở liền kề với Đại bản doanh Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Ngày trước, cụ là Hội trưởng phụ nữ xã, hăng hái vận động nhân dân phục vụ bộ đội nên kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tướng Giáp lên thăm hỏi. Dịp ấy Tướng Giáp chụp ảnh với cụ, khi Đại tướng mất, cụ ôm bức ảnh vào lòng nức nở, nhớ thương!...
Tôi còn kể với họ, ở giữa đất trời Âu, về chuyện bố tôi là Nguyễn Văn Giá, lính của cụ Giáp, thuộc Đại đoàn 312. Đơn vị ông nhận nhiệm vụ đột kích vào hướng đông, nơi có những cao điểm trọng yếu của địch thuộc cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thời ấy bố tôi là Thượng úy, Chính trị viên tiểu đoàn... Chiến thắng Điện Biên Phủ, bố tôi trở về với những mảnh đạn vụn nằm trong cơ thể. Nhưng hai người chú ruột tôi là Nguyễn Văn Dụng và Nguyễn Văn Thế vĩnh viễn nằm lại chiến trường... Những năm đầu thập niên của thế kỷ này bố tôi lâm bệnh nặng, bệnh viện cho về... “chờ ngày”.
Vết thương hành hạ, đau đớn... Lúc ấy, tôi lấy cuốn sách của Tướng Giáp tặng, giơ lên trước mặt, đôi mắt bố tôi như bừng sáng lên. Tôi đọc chậm rãi từng trang, từng trang. Bố tôi như nuốt lấy từng câu, từng chữ trên trang sách trân quý nhất... rồi êm trôi vào giấc ngủ.
Lần khác, tôi đọc những trang Đại tướng viết về quyết định khó khăn nhất trong đời binh nghiệp, ông thường nhớ tới lời Bác Hồ và Nghị quyết của Trung ương: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”;... đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”... thì bỗng dưng tròng mắt rạn vết chân chim của bố tôi chan chan lệ!...
Ngày cả dân tộc đầm nước mắt, xếp hàng theo suốt những phố dài Hà Nội, tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ tại quê hương Quảng Bình, cháu Hiền Thu, cháu ngoại út ít của tôi mới 7 tuổi, cùng bà ngoại trong dòng người tiễn đưa Đại tướng đã nẩy lên những câu chữ từ đáy lòng mà cháu gọi là thơ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Anh hùng của chúng ta/ Ngày xưa đi đánh giặc/ Giờ đã đi mất rồi”!... Thế đó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân. Muôn dân mãi nhớ. Muôn đời mãi nhớ!