(GD&TĐ) - Sáng 11/6/2012, tại Vĩnh Long, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, UB Trung ương MTTQ Việt Nam và Tỉnh ủy Vĩnh Long đã long trọng tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng (11/6/1912- 11/6/2012).
Quảng cảnh mit tinh |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chào mừng lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí nguyên Bí thư Trung ương Đảng;… dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.
19 tuổi, đồng chí Phạm Hùng đã giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. 15 năm ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng; là tấm gương của một chiến sĩ cộng sản bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng tự do dân tộc, độc lập cho đất nước. Sau Cách mạng Tháng 8, đồng chí giữ cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam bộ, Giám đốc Công an Nam bộ, vượt qua muôn vàn thử thách xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng cây lưu niệm tại khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng |
Đại hội toàn quốc lần II của Đảng đồng chí được bầu vào BCH trung ương và được Trung ương chỉ định tham gia vào BCH Trung ương Cục miền Nam. Năm 1956 đồng chí được bầu làm UV Bộ Chính trị. Đồng chí đã cùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng, hình thành Nghị quyết 15/TW, chính là đường lối cách mạng miền Nam vào năm 1959. Từ Đại hội III, 1960, đồng chí giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, được gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Năm 1967, đồng chí được cử vào Nam với cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam chuẩn bị cho tổng tấn công xuân Mậu Thân. Năm 1969, đồng chí tiến hành Đại hội quốc dân miền Nam để thành lập Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tạo thế và lực trong kháng chiến cũng như trong các cuộc hội đàm ở Paris. Đồng chí đã vạch ra chiến lược chống Việt Nam hóa chiến tranh, vừa tấn công, vừa chuẩn bị lực lượng để tạo thế cho đàm phán ở Paris. Sau khi Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973, từ chỗ bám sát thực tiễn đồng chí đã thành công trong chiến lược chống lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”, cùng với Trung ương Cục miền Nam đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tạo cục diện cho đại thắng mùa xuân 1975.
Sau chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế- Đà Nẵng, tháng 3/1975, với vai trò Bí thư Trung ương Cục, Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn đồng chí đã có nhiều chỉ đạo kịp thời sát tình hình và đổi tên là chiến dịch 55 ngày đêm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đồng chí Phạm Hùng đã để lại dấu ấn sâu đậm về đức độ, tài năng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Sau Giải phóng đồng chí còn đóng vai trò là một trong những người lãnh đạo đi tiên phong và kiên trì đổi mới đất nước. Sau đại hội VI, 1986 với cương vị Chủ tịch HĐBT, trong thời gian ngắn ngũi đồng chí đã thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn làm tiền đề đổi mới: chương trình sản xuất nông nghiệp đảm bào an ninh lương thực quốc gia, chuyển đồi cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung bao cấp sang hạch toán kinh doanh, đổi mới hoạt động ngân hàng. Đồng chí đột ngột ra đi trong lúc đang tập trung cao độ cho các hoạt động này.
Trong thực tiễn hiện nay, cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm 100 ngày sinh của một học trò xuất sắc của Bác Hồ là một việc làm hết sức có ý nghĩa.
Nguyễn Ngọc