Kỷ nguyên của xe điện

GD&TĐ - Các chuyên gia dự đoán 2024 là năm chấm dứt kỷ nguyên của ô tô chạy bằng xăng bởi sự phát triển 'phi mã' của xe điện.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 2/1, Thời báo Phố Wall (The Wall Street Journal) đưa tin, hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD lần đầu tiên vượt Tesla, có doanh số bán hàng lớn nhất toàn cầu trong quý IV năm 2023.

Cụ thể, BYD đã bán gần 526 nghìn xe điện chạy pin (BEV) trong khi doanh số của Tesla là 485 nghìn xe. Tính theo năm, Tesla vẫn là hãng xe điện có doanh số cao nhất thế giới với lượng tiêu thụ đạt 1,81 triệu xe trên toàn cầu. Còn BYD đạt 1,57 triệu xe.

Đáng chú ý, khoảng cách giữa Tesla và BYD đã được thu hẹp đáng kể. Trong năm 2022, Tesla bán ra nhiều hơn BYD khoảng 400 nghìn chiếc nhưng đến năm 2023, con số này còn khoảng 230 nghìn. Sự tăng trưởng nhanh chóng của BYD là biểu tượng cho ngành công nghiệp xe điện đang lên tại Trung Quốc.

Các chuyên gia dự đoán 2024 là năm chấm dứt kỷ nguyên của ô tô chạy bằng xăng bởi sự phát triển “phi mã” của xe điện bất chấp doanh số ngành này sụt giảm. Hồi tháng 11, khảo sát của tạp chí Economist chỉ ra, sự quan tâm của người Mỹ với xe điện vẫn còn tương đối thấp dù các hãng ra sức kích cầu tiêu dùng. Trong quý III/2023, số xe điện bán tại Mỹ chỉ chiếm 8% doanh số xe hơi nói chung.

Tuy nhiên, sự sụt giảm chỉ mới ghi nhận ở Mỹ trong khi tại châu Âu, người dân tích cực đón nhận xe điện. Sức mua ở Mỹ chưa bằng một nửa so với thị trường châu Âu, nơi các hãng xe điện Trung Quốc đang ra sức thâm nhập và có khả năng làm chủ thị trường.

Vấn đề lớn nhất ngăn cản xe điện tăng trưởng ở Mỹ là giá xe điện cao hơn giá xe xăng. Cộng thêm chi phí vận hành và vấn đề lạm phát tăng vọt trong năm vừa qua, người Mỹ càng ngần ngại chuyển sang xe điện.

Hơn nữa, ngành xe điện của Mỹ ít có sự cạnh tranh để hạ giá do Tesla vẫn chiếm thị phần lớn và là biểu tượng xe điện ở xứ cờ hoa. Các dòng xe điện Tesla còn có giá thành khá cao. Ngược lại, xe điện Trung Quốc có nhiều hãng, nhiều dòng xe và khi thâm nhập thị trường châu Âu, họ phải cạnh tranh với các dòng xe khác nên giá thành tương đối rẻ.

Xe điện là vấn đề của nước Mỹ chứ không phải bài toán khó trên thế giới. Quá trình chuyển đổi sang xe điện trên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn nhiều người dự đoán. Ông Tyson Jominy, Phó Chủ tịch Công ty phân tích dữ liệu JD Power, Mỹ, dự đoán thị phần xe điện sẽ tăng 12% vào năm tới thậm chí có thể cao hơn.

Trung Quốc có thể duy trì vị thế là quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ xe điện nhờ hệ thống pháp lý, chuỗi cung ứng nội địa dồi dào, công nghệ được đầu tư đáng kể. Trong khi đó, Mỹ có thể là thị trường tăng tốc.

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành ô tô điện đối với nền kinh tế lẫn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Mỹ đã và đang phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực sạc điện... nhằm đẩy nhanh tốc độ điện khí hóa phương tiện di chuyển đường bộ.

Trong bối cảnh trên, châu Âu vẫn là thị trường tiêu thụ xe điện lớn và là nguồn đầu tư “béo bở” đối với các hãng xe điện giá rẻ của Trung Quốc. Nhưng trong năm 2024, thị trường này sẽ chứng kiến sự cạnh tranh giữa Tesla và các hãng xe điện Trung Quốc.

Cùng với đó, xe điện Trung Quốc phải tìm cách thâm nhập vào thị trường Mỹ, bởi đây là mục tiêu của năm 2023 nhưng họ chưa thể hoàn thành vì nhiều rào cản như chi phí, địa chính trị, sự thống trị của Tesla...

Thế giới có thể kỳ vọng 2024 là cuộc đua thực thụ của các hãng xe điện trên toàn cầu, không chỉ giữa “kỳ phùng địch thủ” Tesla và BYD. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về xe điện cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, nghiêm ngặt hơn để có thể đưa ra một chuẩn mực “xanh sạch” trên toàn cầu.

Bởi lẽ, sự phát triển của ngành xe điện không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn hướng đến giảm phát thải carbon, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.