Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận

GD&TĐ - Văn nghị luận là một trong những kiểu văn bản quan trọng, thể văn trọng tâm của chương trình Ngữ văn THCS, THPT.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Văn nghị luận là một trong những kiểu văn bản quan trọng, thể văn trọng tâm của chương trình Ngữ văn THCS, THPT; đồng thời là thước đo cơ bản về khả năng lĩnh hội kiến thức, tiếp cận đời sống và kiến giải mang tính cá nhân, góp phần rèn luyện tư duy đối với mỗi con người.

Muốn làm văn nghị luận tốt, học sinh phải có quan điểm, chủ kiến rõ ràng, biết sử dụng khái niệm, tư duy logic, cũng như biết vận dụng các thao tác phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu… trong quá trình tạo lập văn bản. Theo chương trình THCS và THPT, các loại văn nghị luận gồm có nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Nghị luận xã hội có thể chia thành 2 dạng là nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống; nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí. Nghị luận văn học với nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ và nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích. Trong đó lại có những dạng cụ thể hơn nữa, kiến thức lại phức tạp hơn.

Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ là một yêu cầu trong đề thi tuyển sinh THPT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng biết cách viết kiểu đoạn văn nghị luận này một cách hiệu quả. Rất nhiều em lúng túng, không biết xác định ý trọng tâm, triển khai bố cục hoặc viết như thế nào cho hay, cho hợp lý. Dưới đây là một số cách viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ.

Dạng đề nghị luận xã hội

Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc làm sáng tỏ cái đúng - sai, tốt xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào trong đời sống. Trong đoạn văn nghị luận thường sử dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ...

Về hình thức: Với 200 chữ, học sinh cần trình bày trong một đoạn văn dung lượng khoảng 2/3 đến một mặt tờ giấy, bắt đầu từ chữ viết hoa, lùi đầu dòng và kết thúc là dấu chấm câu xuống dòng. Hình thức cấu trúc chặt chẽ, phải đảm bảo ba phần liền mạch: Mở đoạn, các câu phát triển ý (thân đoạn) và kết đoạn. Đặc biệt, trong đoạn văn, học sinh cần làm nổi bật câu chủ đề (câu mang ý chính của toàn đoạn).

Đoạn văn có thể tổ chức theo một trong các hình thức kết cấu: Diễn dịch, quy nạp, song hành hay móc xích, phối hợp, so sánh, giải thích,… Luận điểm rõ ràng, đúng đắn; luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động, cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận; trình bày sạch đẹp; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu, lí lẽ chặt chẽ, thuyết phục; dẫn chứng hợp lí, chân xác.

Về nội dung: Nếu bài văn bao gồm các phương diện của một vấn đề, có thể là một tư tưởng, đạo lý hoặc sự việc hiện tượng đời sống thì đoạn văn chỉ tập trung vào một phương diện cụ thể. Đó có thể là sự cần thiết, ý nghĩa, tác dụng của một tư tưởng đạo lý; hậu quả của một thói xấu hay cách thức, giải pháp để giải quyết một vấn đề.

Tuy nhiên, các em cần đảm bảo bố cục một đoạn văn. Mở đoạn có tác dụng dẫn dắt vấn đề. Các em nên viết đoạn văn theo kiểu diễn dịch, câu chốt nằm ở đầu đoạn, các câu sau triển khai cho câu chủ đề. Phần kết nêu ý nghĩa, rút ra bài học, hoặc cảm xúc, quan điểm cá nhân về vấn đề đang bàn luận.

Đoạn văn nghị luận về tư tưởng đạo lí cần có các ý giải thích (là gì? như thế nào? biểu hiện cụ thể?); phân tích, chứng minh bằng một số dẫn chứng (tại sao nói như thế?); bình luận, mở rộng vấn đề; bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch; nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động nhưng trong đó phần trọng tâm cần tập trung vào vấn đề nghị luận ở đề ra.

Đoạn văn nghị luận về hiện tượng đời sống cần có các ý nêu hiện tượng (đó là hiện tượng gì? biểu hiện? mức độ?); phân tích tác dụng/tác hại của hiện tượng trên; bàn luận về nguyên nhân, giải pháp, nêu bài học sâu sắc với bản thân. Học sinh cần có cách viết linh hoạt theo yêu cầu của đề bài, tránh làm bài máy móc hoặc chung chung.

Dạng đề nghị luận văn học

Nhận biết:

Xác định yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn nghị luận văn học (khoảng 200 chữ, bắt đầu từ chữ viết hoa, lùi đầu dòng và kết thúc là dấu chấm câu xuống dòng).

Xác định rõ được mục đích, đối tượng nghị luận trong đoạn văn.

Giới thiệu được nội dung cần bàn và mô tả được những dấu hiệu nghệ thuật trong đoạn ngữ liệu.

Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn nghị luận văn học (câu mở đoạn, các câu phát triển ý (thân đoạn) và câu kết đoạn.

Thông hiểu:

Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm; đánh giá vấn đề nghị luận được xác định ở đề ra.

Phân tích nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của ngữ liệu văn học (Cần đọc kỹ ngữ liệu, chú ý sử dụng dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp)

Phân tích chủ đề, thông điệp, tình cảm, cảm xúc của người viết, …

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Vận dụng:

Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo, hợp logic.

Cảm nhận, đánh giá, liên hệ từ ý nghĩa của ngữ liệu văn học.

Trình bày ý kiến, quan điểm, suy nghĩ, bài học…

Yêu cầu ngữ liệu

Bắt buộc phải sử dụng ngữ liệu ngoài ba bộ sách giáo khoa môn Ngữ văn của Chương trình GDPT 2018 để bảo đảm tính công bằng cho tất cả thí sinh. Ngữ liệu cần tương đương với thể loại, kiểu văn bản được học trong Chương trình để đánh giá đúng năng lực tạo lập văn bản.

Ngữ liệu có dung lượng phù hợp bảo đảm học sinh có đủ thời gian đọc, suy nghĩ để làm bài thi/kiểm tra. Trong trường hợp đề kiểm tra/thi sử dụng ngữ liệu riêng cho mỗi phần (đọc và viết) thì không nên vượt quá 1.300 chữ (cho tất cả ngữ liệu). Trường hợp chỉ sử dụng 1 ngữ liệu nên chọn ngữ liệu từ khoảng 600 đến 1.000 chữ.

Ngữ liệu cần chứa đựng các yếu tố tiêu biểu cho loại/thể loại văn bản cần đánh giá. Đây là điều kiện đáp ứng việc đánh giá mức độ hoàn thành yêu cầu cần đạt của chương trình. Nói cách khác, để hỏi đúng và hỏi trúng vấn đề, giáo viên phải chọn lựa cho được các ngữ liệu tiêu biểu về đặc trưng thể loại/loại.

Khi lựa chọn ngữ liệu, cần chọn văn bản/đoạn trích có những yếu tố mang tính điển hình của thể loại/loại văn bản. Bên cạnh đó, ngữ liệu phải phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ, phản ánh được các thành tựu tiêu biểu của văn học dân tộc ở các giai đoạn khác nhau; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

Ngữ liệu cũng phải có xuất xứ từ những nguồn dẫn mang tính chính thống đã được những cơ quan có chức năng và thẩm quyền trong nước kiểm duyệt. Nên sử dụng ngữ liệu từ các sách, tài liệu của nhà xuất bản có uy tín hoặc các website được quản lí, kiểm duyệt bởi ít nhất một cơ quan chức năng.

Một số đoạn văn minh họa

1. Nghị luận xã hội

Đề ra: Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về cách thức để con người rèn luyện, nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Cách thức để con người rèn luyện, tu dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

- Thân đoạn:

+ Giải thích vẻ đẹp tâm hồn: Là vẻ đẹp bên trong mỗi con người, là nhân cách, phẩm chất tốt đẹp, những đức tính quý báu mà mỗi chúng ta cần rèn luyện, trau dồi để hoàn thiện bản thân mình.

+ Cách thức để con người rèn luyện, tu dưỡng vẻ đẹp tâm hồn (có thể triển khai như sau):

Nhận thức đầy đủ, đúng đắn sự cần thiết của việc rèn luyện, nuôi dưỡng tâm hồn đối với mỗi người, đặc biệt là giới trẻ.

Biết lắng nghe những thanh âm cuộc sống từ sự chỉ bảo của ông bà, cha mẹ, thầy cô đến thiên nhiên, đất trời.

Không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết.

Luôn hướng thiện và có tâm hồn đồng cảm với người khác, biết cách sống mình vì mọi người, luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày

Tránh gây tổn thương cho những người xung quanh và biết chia sẻ niềm vui mà bạn mình vừa nhận được. Lời nói đi đôi với việc làm, hành động bên ngoài thống nhất với suy nghĩ bên trong....

Chứng minh, học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn thành công và trở thành người có ích cho xã hội để minh họa cho bài làm văn của mình. Lưu ý: Dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực và được nhiều người biết đến.

+ Bàn luận mở rộng

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không chịu trau dồi, tiến bộ; lại có những người đề cao vẻ đẹp về ngoại hình, hình thức hơn vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách,...

- Kết đoạn: Khẳng định tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tâm hồn và liên hệ bản thân.

ky-nang-viet-doan-van-nghi-luan-2.jpg
Minh họa/INT

2. Nghị luận văn học

Đề ra: Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật đặc sắc của đoạn thơ sau:

Rừng xa vọng tiếng chim gù,

Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.

Mùa xuân đẫm lá ngụy trang,

Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.

Ba lô nặng, súng cầm tay,

Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương...

(Hành quân giữa rừng xuân - Lê Anh Xuân)

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của 6 câu thơ đầu bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” của Lê Anh Xuân.

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

- Xác định được các ý chính của bài viết

- Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lý ba phần của đoạn văn nghị luận văn học.

Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Lê Anh Xuân và tác phẩm “Hành quân giữa rừng xuân”.

- Khái quát hoàn cảnh sáng tác, thể loại, đề tài,… của tác phẩm

+ Hoàn cảnh sáng tác, đề tài: Bài thơ được viết trên đường hành quân ra trận vào giữa mùa Xuân tươi đẹp; nhà thơ là chiến sĩ trực tiếp ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc

+ Thể loại của tác phẩm: Thể thơ lục bát tha thiết, say mê phù hợp với tâm hồn người chiến sĩ trẻ tràn đầy tình yêu đất nước và nhiệt huyết bảo vệ Tổ quốc, giang sơn

- Đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ:

+ Nội dung: “Hành quân giữa rừng xuân” thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của những người lính nơi tiền tuyến xa xôi. Người lính ra trận với tinh thần lạc quan, phơi phới niềm tin luôn hiên ngang, kiên cường bước đi trên đường hành quân không quản ngại bao hiểm nguy, gian khó, nhọc nhằn.

Cũng bằng tâm hồn thấm đẫm chất thơ, trên suốt đoạn đường hành quân, người lính luôn cảm nhận thiên nhiên tươi đẹp cùng những hình ảnh hết sức gần gũi, thân thương. Điều đó càng giúp người lính tiếp thêm động lực, củng cố sức mạnh niềm tin về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp.

+ Nghệ thuật: Thể thơ lục bát gần gũi, thấm đẫm ân tình; Hình ảnh thơ dung dị, tự nhiên, giàu ý nghĩa tượng trưng; Ngôn ngữ giản dị, đơn sơ, chân thành, sâu lắng…

Khẳng định giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của đoạn thơ: Đoạn thơ đã thành công trong việc khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người lính chống Mỹ nặng tình với quê hương xứ sở, say mê lý tưởng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc

d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

- Triển khai được luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của 6 câu thơ đầu bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” của Lê Anh Xuân.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...