Kỹ năng thoát nạn nếu có sự cố ở sự kiện tập trung đông người

GD&TĐ - Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an vừa đưa ra một số kỹ năng thoát nạn nếu có sự cố ở sự kiện tập trung đông người.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Ngày 29/10, một sự kiện liên quan đến lễ hội Halloween ở quận Itaewon, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã xảy ra sự cố giẫm đạp khiến hơn 150 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Đây là sự cố vô cùng đau lòng và khiến nhiều người cảm thấy bàng hoàng.

Trước thực tế trên, để phòng tránh các nguy cơ cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an đã đưa ra một số khuyến cáo hữu ích.

Thứ nhất, người dân cần bình tĩnh không hoảng loạn. Đây là điều đầu tiên và tối quan trọng. Chìa khóa để sống sót ở bất kỳ thảm hoạ nào sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng kiểm soát sự hoảng loạn cá nhân, cũng như khả năng đánh giá tình hình và hành động ngay lập tức của cá nhân. Nếu hoảng sợ sẽ dẫn đến một số tình trạng như: Nhịp tim tăng cao, bồn chồn, lo lắng, hơi thở ngắn nhưng gấp gáp, hổn hển, nhiều người còn bị giãn đồng tử, tỷ lệ bị thương hoặc tử vong tăng đáng kể.

Thứ nữa, việc đầu tiên khi đến khu vực có đám đông là người dân cần quan sát, lưu ý tất cả các lối thoát ở địa điểm ngay khi đến nơi. Làm quen với môi trường xung quanh và xác định các lối ra cụ thể. Nhận biết địa hình nơi mình đang đứng và nhận biết bầu không khí chung của sự kiện, cảnh hỗn loạn thường có thể được dự báo trước. Nếu bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nên xem xét rời khỏi đó.

Thứ ba, xác định lối và đường thoát nạn. Bất cứ khi nào bước vào một sự kiện, điều đầu tiên nên làm là quan sát lối thoát nạn, lối ra. Có lối thoát hiểm nào không? Cửa có bị khóa không? Cửa sổ chắn song sắt hay kính thôi? Nếu trong khu vực thì có điểm nào cao không? Có cách gì trèo lên để thoát hiểm không?Trong trường hợp khẩn cấp, bình tĩnh quan sát và chọn các lối thoát hiểm kín đáo, khuất tầm nhìn, các lối ra ở phía đối diện với lối vào hoặc hướng khác với lối vào.

Thứ tư, mọi người cần xác định chỗ thoát hiểm/điểm cao. Cần tìm chỗ trú ẩn trong trường hợp khủng bố, hoả hoạn như: Một bức tường gạch có thể ngăn được đạn và có thể nhảy lên đứng trong trường hợp bị đám đông chèn ép. Một cái cây, bệ cửa sổ, ban công tầng thấp cũng là một điểm cao tốt để nhảy lên quan sát và trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, nếu bị chèn ép trong đám đông nên để hai tay thủ thế trước ngực để bảo vệ phổi và lồng ngực. Nếu có bị ngã cũng nên cuộn người lại như thai nhi nằm trong bụng mẹ, tránh nằm sấp hoặc ngửa có thể bị dẫm đạp nát lồng ngực.

Về phương thức di chuyển, người dân nên di chuyển thuận chiều “xuôi theo dòng người”, cùng theo đám đông, tuyệt đối không “ngược dòng” hoặc di chuyển theo hướng chéo thuận chiều, càng ra được ngoài “rìa” đám đông càng tốt.

Bên cạnh đó, việc mặc gì, mang gì theo cũng giúp bạn có cơ hội sống sót. Nên đi giày thể thao để có thể chạy được, cũng như di chuyển một cách thuận lợi. Đi chơi nên uống nhiều nước, càng vào chỗ đông người, càng nên bảo đảm cơ thể không mất nước. Thực tế việc cơ thể mất nước có thể làm cho não hoạt động kém hơn, máu đặc hơn và khả năng ngất xỉu cao hơn.

"Mặt khác, trong thời đại công nghệ 4.0 này cũng nên tận dụng triệt để các tính năng của điện thoại thông minh, khi đi sự kiện nên kiểm tra xem điện thoại có đầy pin không vì khi cần thiết có thể dùng làm đèn pin, có thể gọi điện, nhắn tin, gửi thông tin vị trí để được lực lượng cứu nạn, cứu hộ hỗ trợ kịp thời", Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.