Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, không ít phụ nữ trở thành mẹ đơn thân. Theo các chuyên gia, các mẹ hãy thẳng thắn chia sẻ về hoàn cảnh của mình và để con luôn được sống trong môi trường tràn ngập tình yêu.
Thẳng thắn
Nhiều người mẹ phải nuôi con một mình là do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, dẫn đến ly dị hoặc ly thân, cũng như một số lý do khác. Theo PGS.TS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TPHCM), trong trường hợp này, phụ huynh cần thẳng thắn chia sẻ với con về tình trạng của mình.
Tuy nhiên, mẹ hãy tâm sự khi nhận thấy, con đã có những hiểu biết nhất định về hôn nhân gia đình. Sau đó, điều quan trọng là mẹ để con bộc lộ cảm xúc cá nhân và cố gắng trả lời tất cả thắc mắc của trẻ một cách trung thực.
“Cho dù trở thành “single mom” ở bất kỳ trường hợp nào thì thiệt thòi và mất mát vẫn là đứa bé. Cho dù quyết định làm mẹ đơn thân khi quá sung túc và đầy đủ đến mức không cần dựa dẫm đến đàn ông thì mình cũng không có gì phải tự cao quá mức.
Đừng bao giờ đưa tiền bạc, tài sản vào trong cuộc đời của một con người. Mặc dù tiền là điều kiện cần cho cuộc sống, nhưng đó không phải là điều kiện đủ”, chị Linh Thoa - một người mẹ đơn thân tâm sự trên mạng xã hội.
Do đó, PGS Loan nhấn mạnh, trẻ em lớn lên trong gia đình có mẹ đơn thân xứng đáng nhận được sự yêu thương nhiều hơn. Có như vậy, tâm hồn cũng như nỗi đau mất mát của trẻ do thiếu vắng tình thương từ cha mới có thể được xoa dịu.
“Nếu cần thiết, mẹ đơn thân có thể nhờ đến chuyên gia tư vấn, nhằm hỗ trợ mình và con giải quyết tốt hơn các vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mẹ đơn thân nên thường xuyên liên lạc và cho bé gặp mặt bố mình nếu có thể. Nhờ đó, cập nhật tình hình của con và giúp trẻ cảm nhận được sự có mặt đầy đủ của cả bố và mẹ”, PGS Loan chia sẻ.
Theo đó, những phụ nữ nếu đã ly hôn vẫn nên đặt lợi ích của con lên hàng đầu, đặc biệt trong trường hợp trẻ cần sự hỗ trợ của cả bố và mẹ. Chia sẻ về vấn đề cân bằng giữa tình cảm của con riêng với người mới, chuyên gia cho biết:
“Trên thực tế, không ít người tỏ ra khó chịu khi biết người yêu của mình đã có một con. Tuy nhiên, nếu họ chấp nhận điều đó và chịu nhận trách nhiệm chăm sóc con cùng với người yêu, đó sẽ là một điều hết sức trân quý. Trong trường hợp này, mẹ đơn thân nên cân nhắc thật kỹ mối quan hệ tình cảm của mình trước khi giới thiệu với con về người cha nuôi mới”.
PGS Loan cho rằng, khi đã sẵn sàng nói với con, mẹ đơn thân hãy giải thích và thuyết phục trẻ bằng những phẩm chất tích cực từ người bạn đời mới và cách mà họ có thể bù đắp cho cuộc sống và tương lai sau này của gia đình. Tuy nhiên, con sẽ cần thời gian để làm quen và trở nên thân thiết với cha nuôi - người bạn đời mới của mẹ.
Thể hiện tình yêu với con
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình trên mạng xã hội, chị Tâm Thanh cho biết: “Tôi là con gái của một người mẹ đơn thân - kẻ thứ ba. Dù bà rất thương và dành cho tôi mọi thứ tốt nhất, nhưng tôi vẫn thấy khiếm khuyết về tình thương.
Tôi không trách bà, tôi rất thương bà nhưng tôi vẫn không thể nào chấp nhận hoàn cảnh này. Đã đến tuổi lập gia đình nhưng tôi lại không thể bước ra khỏi vỏ ốc của mình, tôi không thấy tin tưởng ở người tốt, ở cuộc sống hạnh phúc”.
Do hoàn cảnh khác nhau, nhiều đứa trẻ không bao giờ có cơ hội được gặp mặt cha. Tuy nhiên, theo PGS Loan, sự thiếu vắng hình mẫu của cha có thể dẫn đến sự thiếu sót trong nhận thức của trẻ về giới tính nam hoặc nữ.
Thậm chí, có khả năng trẻ sẽ suy nghĩ sai lệch hoặc có định kiến không tốt về người khác giới. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, mẹ đơn thân được khuyên nên giải thích sự khác nhau về giới tính và những đặc điểm tích cực ở giới tính còn lại. Hãy lấy ví dụ tốt về người thân trong gia đình, họ hàng của con.
Bên cạnh đó, mẹ đơn thân cũng không nên đưa ra những ý kiến chủ quan, trái chiều, khiến trẻ nhận thức sai lệch về giới tính. Mẹ cần dẫn chứng cho con thấy, nam và nữ hoàn toàn có thể cùng nhau xây dựng mối quan hệ tình cảm tích cực, lâu dài.
PGS.TS Huỳnh Thoại Loan nhận định, một mình nuôi con không phải là điều đơn giản. Khi thiếu đi sự hỗ trợ của một trong hai người cha hoặc mẹ, trọng trách nuôi con ngày càng lớn và vất vả hơn. Khi đó, mẹ đơn thân phải một mình lo toan tất cả mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống hằng ngày của trẻ cũng như đảm nhận công việc chăm sóc con mà không có sự hỗ trợ từ bạn đời.
“Nuôi con một mình có thể gây ra nhiều áp lực, căng thẳng và mệt mỏi. Mặt khác, nhiều người mẹ đơn thân không thể sắp xếp đủ thời gian và sức khỏe để hỗ trợ con phát triển về mặt cảm xúc và uốn nắn hành vi của trẻ. Do đó, tâm lý và hành vi của con có thể nảy sinh một số vấn đề tiêu cực”, chuyên gia cảnh báo.
Bên cạnh đó, PGS Loan nhấn mạnh, không ít phụ nữ là mẹ đơn thân có mức thu nhập thấp, ít cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Việc mẹ đơn thân vừa đi làm vừa chăm sóc con có thể gây ra sự mất cân bằng trong công việc và gia đình, dẫn đến khó khăn về mặt tài chính và cô lập về phương diện xã hội.
Trẻ em lớn lên trong gia đình đơn thân cũng sẽ cảm thấy khiếm khuyết đi sự quan tâm chăm sóc từ người cha so với bạn bè đồng trang lứa.
Vì vậy, để giảm đi phần nào áp lực, chuyên gia gợi ý, mẹ đơn thân nên thường xuyên thể hiện tình yêu với con.
“Dù một mình nuôi con gặp nhiều khó khăn, nhưng mẹ đơn thân vẫn nên chú ý thể hiện tình cảm yêu thương với con. Mẹ đơn thân có thể khen ngợi, dành thời gian để chơi với con, đọc sách cho con nghe hoặc đơn giản là ngồi cạnh trẻ để xóa nhòa sự cô đơn, thiếu vắng”, PGS Loan chia sẻ.
Ngoài ra, mẹ đơn thân cũng có thể giúp con hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống, như đi ngủ đúng giờ, rửa tay trước khi ăn. Những thói quen này sẽ giúp con có nếp sống độc lập.
“Nếu quá bận bịu với công việc, mẹ đơn thân nên tìm một nơi giữ trẻ, hoặc một người đáng tin cậy để hỗ trợ trông nom và chăm sóc con. Tuy nhiên, nên thận trọng khi lựa chọn địa điểm và dịch vụ giữ trẻ, đảm bảo môi trường phát triển an toàn và lành mạnh cho con”, chuyên gia nhấn mạnh.
Giáo dục trẻ từ những điều nhỏ nhặt
Theo PGS Loan, mẹ đơn thân nên giải thích những quy tắc cơ bản trong cuộc sống và dạy cho trẻ biết việc nên và không nên làm. Ví dụ, mẹ có thể dạy con biết lễ phép với người lớn hoặc không nói dối. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần phối hợp với thầy cô giáo của con để có cách dạy nhất quán.
Một yếu tố quan trọng khác chính là mẹ đơn thân không nên có cảm giác mặc cảm. Đặc biệt, với những phụ nữ ly dị chồng, chuyên gia khuyến cáo không nên đổ lỗi cho bản thân hoặc con.
“Ngoài bổn phận chăm sóc con, mẹ đơn thân nên dành thời gian tự chăm sóc bản thân, như tập thể dục đều đặn hằng ngày, ăn uống đầy đủ và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Nếu không thể chăm con cả ngày, mẹ đơn thân có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc những nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ”, PGS Loan cho biết.
Những trường hợp mẹ đơn thân gặp khó khăn có thể nhờ tới sự giúp đỡ từ một số trung tâm, tổ chức tình nguyện. Bên cạnh đó, mẹ đơn thân có thể tham gia vào các hội, nhóm, cộng đồng để nhận hỗ trợ từ các thành viên tham gia, hoặc đơn giản là sự đồng cảm từ những người cùng hoàn cảnh.
Cộng đồng tôn giáo, tổ chức xã hội tại địa phương cũng có thể là những nơi cung cấp hỗ trợ.
Nói về việc trở thành mẹ đơn thân, MC Thuỳ Minh - gương mặt quen thuộc với khán giả nhiều năm qua, bày tỏ, cụm từ “single mom” thường mang đến quá nhiều gánh nặng. Đối với chị, chỉ đơn giản là mình đã là mẹ nhưng vẫn độc thân.
“Tất nhiên ai cũng tò mò “bố đứa trẻ là ai?”. Tôi từ xưa đến nay ít quan tâm đến việc ai nghĩ gì về mình. Không phải tôi mạnh mẽ, phớt lờ, mà tôi biết chắc mình càng biết, càng dễ bị tổn thương”, nữ MC từng bày tỏ.
“Nếu phải nuôi con một mình, các mẹ nên giữ tinh thần lạc quan và sẵn sàng đối phó với mọi thách thức mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ đơn thân nên thành thật với con về những khó khăn đang gặp phải và xoa dịu rằng, tình hình sẽ tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, mẹ không nên nhận hết trách nhiệm của con lên bản thân. Thay vào đó, hãy để con chịu trách nhiệm về những hành vi nhất định của mình sao cho phù hợp với độ tuổi. Không nên kỳ vọng con sẽ cư xử như người trưởng thành”, PGS Loan chia sẻ.
Bên cạnh đó, mẹ đơn thân cần lưu ý rằng, nguy cơ bị trầm cảm của con sẽ cao hơn. Tuy nhiên, con sẽ có ý thức trách nhiệm thấp hơn so với bạn cùng lứa.
Chuyên gia cho biết, các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm bao gồm: Cảm thấy cô lập, định kiến từ xã hội; Tâm trạng buồn bã, cô đơn; Không cảm nhận được tình yêu thương; Không thích vẻ ngoài của bản thân; Cảm thấy cáu gắt; Tâm lý tuyệt vọng. Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, mẹ đơn thân cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời, tránh để ảnh hưởng đến tương lai của con.
“Nuôi con một mình là hành trình đầy thử thách và trách nhiệm mà chỉ những mẹ đơn thân là người trong cuộc mới có thể thấu. Việc này đòi hỏi phụ nữ đơn thân phải có nghị lực mạnh mẽ, ý chí vững vàng để vừa làm mẹ và cha. Tuy nhiên, bằng cách thể hiện tình yêu và sự trân trọng con, kết hợp với lối sống tích cực và trò chuyện chân thành, chắc chắn trẻ sẽ phát triển vững vàng, khỏe mạnh và hạnh phúc”, PGS.TS Huỳnh Thoại Loan bày tỏ.