Các chuyên gia tâm lý cho rằng không bao giờ là quá sớm để cha mẹ xây dựng giao tiếp với con cái. Từ lúc sinh ra, trẻ đã cố gắng giao tiếp với những người chăm sóc mình. Do đó, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian ở cùng với trẻ để chúng cảm thấy an toàn và được yêu thương.
Hãy cười, nói chuyện và hát cho con nghe, bắt chước những điệu bộ trên khuôn mặt chúng. Những hành động này không chỉ khiến mối liên hệ giữa bố mẹ và con cái thêm sâu sắc mà còn giúp trẻ có cơ hội tốt nhất để phát triển kỹ năng xã hội và ngôn ngữ.
Vào thời kỳ trước khi chúng đến trường, phụ huynh hãy trao đổi với chúng càng nhiều càng tốt. Bạn hãy giải thích những điều mình đang làm. Người lớn hãy đọc những câu chuyện, hát cùng và cố gắng trả lời những câu hỏi của chúng. Khuyến khích con nói chuyện với bạn nhiều hơn.
Một nghiên cứu của giáo sư Courtney Cazden tại Đại học Harvard, Mỹ chỉ ra rằng trẻ nhỏ có khả năng phát triển ngôn ngữ nhanh hơn nếu những người chăm sóc chỉ cho chúng biết ý nghĩa cũng những điều họ nói chứ không phải sửa chữa những sai lầm.
Những trẻ em đang được lắng nghe và khuyến khích cũng sẽ tin vào phụ huynh khi chúng lớn lên. Vì vậy, sau đó, khi gặp vấn đề, chúng tự nhiên sẽ quay lại tìm bố mẹ.
Ngay khi con đủ lớn để có thể ngồi ăn cùng gia đình, bố mẹ hãy đảm bảo rằng mọi thành viên trong gia đình có thể nói chuyện cùng nhau trong bữa ăn. Người lớn giúp trẻ tránh xa điện thoại và máy tính bảng.
Khi trẻ đi học và công việc của cha mẹ trở nên bận rộn hơn, mọi thành viên trong gia đình khó có thời gian ăn cơm cùng nhau hàng ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần cố duy trì những bữa cơm thân mật. Những bữa tiệc nhỏ với đầy đủ thành viên trong gia đình là cách hay để gắn kết mọi người với nhau.
Khi trẻ gần đến tuổi vị thành niên, bạn bè của chúng khá quan trọng. Đó cũng là khi quan hệ giữa cha mẹ và con cái dễ trở nên căng thẳng. Đôi bên có thể khó nói chuyện với nhau. Trong giai đoạn này, phụ huynh thường canh trừng con rất kỹ. Tuy nhiên, họ sẽ không phải làm như vậy nếu tuân theo vài nguyên tắc.
Trước hết, bạn đừng đánh con khi chúng có vấn đề. Điều này khiến chúng cảm thấy bị xâm phạm đời tư và thiếu tin tưởng vào bố mẹ. Hãy cho chúng thấy bạn hoàn toàn sẵn sàng lắng nghe nếu con muốn nói chuyện.
Thứ hai, bạn hãy chuẩn bị để gạt mọi thứ mình đang làm sang một bên khi chúng tìm đến bạn.
Thứ ba, hãy chú ý, ở độ tuổi này, nhiều khả năng con cái sẽ gặp các vấn đề nhạy cảm. Khi bắt đầu nói chuyện, chúng không muốn nhìn vào mắt bố mẹ. Do đó, thời gian tốt nhất để nói chuyện là khi đang lái xe hoặc lúc cả hai làm việc gì đó.
Cuối cùng và là điều quan trọng nhất, đó là chỉ lắng nghe mà không đánh giá. Nếu cha mẹ đưa ra ý kiến chỉ khi được hỏi, trẻ sẽ cảm thấy đủ an toàn để chia sẻ lo lắng với phụ huynh