Cảnh tượng này có lẽ đã quá quen thuộc với những ai làm mẹ. Trong khi bạn vừa nấu nướng trong bếp, vừa cố gắng giải quyết đống giấy tờ mang từ cơ quan về còn các con lúc thì đòi ăn bim bim, lúc thì đánh nhau giành ti vi..
Vì quá mệt mỏi mà có lúc bạn lỡ lời quát lớn: “Im hết ngay cho mẹ! Đi ra ngoài cho mẹ làm việc! Nhanh!” Rồi các con mở to mắt đầy sợ hãi, môi mím chặt, mắt rơm rớm nước trực khóc.
Nhìn các con như vậy, cha mẹ mới giật mình nhận ra lời nói của mình gây tổn thương cho con đến mức nào, dù cha mẹ không hề cố ý muốn nói như vậy. Chúng ta không ít thì nhiều đều từng vạ miệng như vậy. Nhưng hãy nhớ, dù tức giận đến mấy cũng đừng nói những lời sau với con:
“Ra chỗ khác ngay!”
Từ lúc mới sinh, các bé đã có thói quen quan sát cách cha mẹ dành thời gian cho mình. Hãy thuê ai đó trông trẻ theo giờ, hoặc nhờ chồng/ vợ trông con, hoặc có thể cho bé ngồi xem phim chẳng hạn. Trong khoảng 30 phút rảnh rỗi ấy, bạn có thể nghỉ ngơi và lấy lại cân bằng.
Những khi quá bận hoặc quá mệt, bạn nên nói trước với con và đặt ra một giới hạn, ví dụ: “Mẹ phải làm cái này một chút nên con hãy ngồi tô màu một mình 15 phút nhé. Khi nào mẹ xong thì hai mẹ con mình đi chơi.”
“Con… quá!”
Gắn mác cho con những cụm từ tiêu cực là rất không công bằng với trẻ: “Tại sao con xấu tính quá thế?” hay “Con vụng quá!”.
Đôi khi bé nghe cha mẹ nói chuyện với người ngoài: “Con bé hay xấu hổ lắm.” Trẻ con nghe và không bao giờ thắc mắc, dù nội dung những cuộc nói chuyện ấy là về chính các bé.
Do vậy, các bé tin tưởng những nhãn dán tiêu cực ấy thực sự là tính cách của mình. Các bé sẽ nghĩ rằng “xấu tính”, “vụng về”,… trong lời nói của cha mẹ thực sự là bản chất của chúng.
Những nhận xét tổn thương nhất có thể theo trẻ đến hết cuộc đời, một lúc nào đó nhớ lại cha mẹ mình từng nói “Chả trông chờ gì vào nó được”.
Thay vào đó, cha mẹ nên chỉ đích danh hành vi của con mà không thêm các tính từ nhận xét tính cách của trẻ vào. Ví dụ: “Bạn Lam rất buồn vì con bảo mọi người rằng con không chơi với bạn ấy nữa. Bây giờ phải làm gì để bạn ấy đỡ buồn nhỉ?”.
Tương tự những câu như: “Đừng buồn.” “Đừng trẻ con thế.” “Có gì đâu mà sợ.” bố mẹ cũng không nên nói với con. Trẻ thật sự buồn nên mới khóc, đặc biệt là các trẻ nhỏ - đối tượng chưa thể diễn đạt cảm xúc hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ.
Bản năng của cha mẹ là muốn bảo vệ con khỏi những cảm xúc ấy, tuy vậy, việc thêm từ “Đừng” cũng không giúp trẻ thấy đỡ hơn, ngược lại còn ngầm gửi cho trẻ thông điệp rằng những cảm xúc ấy là không chính đáng, rằng buồn hay sợ là không chấp nhận được.
Thay vì phủ nhận cảm xúc của các con, cha mẹ nên chấp nhận và đồng cảm. “Chắc con buồn lắm khi Long bảo không thích chơi với con nữa.”
Bằng cách gọi tên những cảm xúc ấy, bạn đã cho con những từ ngữ để bày tỏ bản thân, dạy con cách thông cảm. Dần dần, con sẽ bớt khóc đi và nói chuyện nhiều hơn.
“Sao con không được như chị con thế nhỉ?”
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ nêu gương anh chị em hoặc con bạn bè thì sẽ giúp con mình có động lực cố gắng hơn. “Bé Bông nhà bên đóng khuy áo giỏi chưa chìa,” “Bé My biết sử dụng bồn cầu rồi đó, sao con mãi mà chưa biết dùng nhỉ?” Ngược lại, kiểu so sánh như vậy thường phản tác dụng. Con bạn là con bạn, không phải Bông hay My.
Cha mẹ so sánh con với các trẻ khác để tham chiếu xem con mình phát triển như vậy có bình thường không, điều này không có gì sai cả. Chỉ là đừng để con nghe thấy bạn nói những lời ấy. Mỗi trẻ phát triển ở một nhịp độ khác nhau với tính khí riêng biệt. Việc so sánh thể hiện bạn muốn con khác đi.
Hơn nữa, so sánh cũng không giúp trẻ thay đổi hành vi. Trẻ thấy bối rối, không biết xử trí ra sao nếu bị ép phải làm những việc bé chưa sẵn sàng hoặc không thích làm., thậm chí còn thấy tự ti về bản thân. Bé có thể ghét bạn, không muốn làm theo lời bạn để phản đối nữa.
Thay vì so sánh, cha mẹ nên khích lệ con với những thành tích bé đã đạt được như: “Con tự xỏ hai tay vào áo được rồi này!”
“Con biết nhiều hơn thế mà!”
Giống như so sánh, chế nhạo con có thể gây ra những tổn thương mà cha mẹ không thể tưởng tượng nổi. Đầu tiên, có thể con không biết nhiều hơn thế.
Học tập là quá trình thử ngiệm và mắc lỗi. Kể cả bé có lặp lại lỗi của ngày hôm qua thì nhận xét ấy cũng không có tác dụng tích cực. Hãy cho bé cơ hội tự suy nghĩ, và hãy nói thật rõ ràng: “Nếu con làm như thế này thì mẹ thích hơn đấy".
Những lời nói tương tự là “Không thể tin được là con lại làm vậy.” và “Đến lúc rồi đấy”. Lời bạn nói là vậy nhưng các con lại hiểu rằng “Con đúng là phiền phức, con chẳng bao giờ làm được cái gì hẳn hoi cả.”
“Im ngay không thì mẹ đánh cho một trận bây giờ!”
Đe dọa là biểu hiện của sự bất lực đối với con cái của cha mẹ, dĩ nhiên cũng chẳng có tác dụng mấy khi. Khi dọa nạt trẻ: “Làm ngay không thì…” hay “Con mà vi phạm một lần nữa thì mẹ sẽ tét đít cho xem” Vấn đề là không sớm thì muộn, bạn phải biến những lời nói ấy thành hành động, hoặc là dọa nạt sẽ mất tác dụng.
Trẻ càng bé, học càng lâu. Nghiên cứu chứng minh dù bạn có dùng biện pháp nào đi chăng nữa, khả năng các bé 2 tuổi lặp lại việc làm sai của mình trong ngày lên đến 80 phần trăm.
Với những trẻ lớn hơn, phương pháp không trừng phạt cũng đem lại những kết quả lạc quan hơn. Do vậy, thay vì dọa đánh đòn, cha mẹ nên thử phạt cách ly, bắt bé ngồi một mình tự suy nghĩ.
“Đợi bố về nhà thì con sẽ ăn đòn no”
Nếu để một thời gian sau mới phạt bé thì sé chẳng liên quan gì đến hậu quả những hành động bé gây ra cả vì trước khi nửa kia của bạn về nhà, bé đã quên mất mình làm sai gì rồi. Mặt khác, việc chờ đợi một hình phạt có khi còn đáng sợ hơn cả việc nhận phạt.
Đá quả bóng trách nhiệm sang chân người khác còn làm uy của bạn suy giảm. Bé sẽ nghĩ: “Sao phải nghe mẹ chứ, đằng nào mẹ cũng có làm gì mình đâu?” Hơn nữa, đừng để người khác cứ phải đóng vai nghiêm khắc mãi.
Giục con nhanh lên cũng không khiến trẻ nhanh hơn được.
“Nhanh lên!”
Cuộc sống bận rộn với những lịch làm việc kín mít, thiếu ngủ triền miên, xe cộ tắc đường... thì chắc chắn đã có lần bạn thốt ra lời này với con. Tuy vậy, hãy nghĩ lại giọng nói của bạn khi giục bé nhanh lên và tần suất nói những câu ấy.
Nếu ngày nào bạn cũng phải quát, hét, gầm lên, tay chống hông và chân gõ nhịp thì hãy cẩn thận. Cha mẹ có xu hướng đổ lỗi cho con làm mình muộn khi đang vội. Cảm giác có lỗi làm trẻ thấy khó chịu nhưng cũng không khiến trẻ nhanh hơn.
“Giỏi quá!” hoặc “Đúng là bé ngoan”
Khen ngợi tích cực là một trong những công cụ mà cha mẹ nắm trong tay khi giáo dục con cái. Thế nhưng vấn đề ở đây là lời khen ấy vô cùng tối nghĩa và không có tính phân loại. Cụ thể, tặng lời khen “Giỏi quá!” cho tất cả những việc bé làm, từ uống hết sữa, đến tô màu thì lời khen chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Để sửa đổi thói quen thâm căn cố đế này, cha mẹ hãy chỉ khen ngợi những thành tựu mà bé nỗ lực để đạt được. Uống hết một cốc sữa không được tính, vẽ một bức tranh cũng vậy nếu một ngày bé vẽ cả chục bức. Khen ngợi hành động thay vì khen ngợi trẻ: “Sáng nay con rất tập trung tô màu khi mẹ làm việc, đúng như mẹ yêu cầu.”