Kỹ năng cần thiết khi chăm sóc trẻ bị ốm

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh lo lắng không biết chăm sóc thế nào khi bé bị ốm. Có một số kỹ năng các bậc cha mẹ cần tự trang bị để chăm sóc trẻ.

Phụ huynh có thể định hướng và dạy con vệ sinh cá nhân đúng cách, giúp tránh xa các mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa.
Phụ huynh có thể định hướng và dạy con vệ sinh cá nhân đúng cách, giúp tránh xa các mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa.

Tầm quan trọng của kỹ năng

Trên thế giới, việc trang bị kỹ năng chăm sóc con được chú trọng ở cả vợ lẫn chồng. Tại Australia, trước khi sinh con, hai vợ chồng sẽ cùng tham gia khóa tập huấn về kỹ năng như thay tã, chăm sóc khi trẻ bị sốt, nhận biết dấu hiệu đơn giản lúc con ốm…

Trong khi đó, thực tế, phần lớn gia đình trẻ Việt chưa nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này.

Chia sẻ về các kỹ năng cha mẹ cần có khi con ốm, bác sĩ Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Cơ thể trẻ đang ốm thường rất mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Do đó, vào những ngày trẻ bị ốm, phụ huynh nên cho con ở nhà, vận động nhẹ nhàng trong môi trường trong lành, thoáng đãng, tránh nắng gắt hoặc những nơi nhiều khói bụi. Hơn nữa, việc giữ trẻ nghỉ ở nhà sẽ ngăn ngừa tác nhân gây bệnh lây lan sang những trẻ khác”.

Ngoài ra, nếu trẻ không cảm thấy buồn ngủ, cha mẹ không cần phải ép trẻ ngủ bằng mọi cách. Hãy để trẻ thoải mái làm các hoạt động mà bé yêu thích, như xem phim hoạt hình, đọc truyện, tô màu…

Một yếu tố vô cùng quan trọng khác là giữ nước cho cơ thể trẻ. Khi chăm sóc trẻ đang ốm, sốt, phụ huynh cần chú ý bổ sung nước cho bé bằng nước lọc, nước trái cây hoặc sữa. Từ đó, giúp trẻ không bị mất nước. Ngoài ra, bữa ăn thường ngày cũng nên ưu tiên cho các món nước như canh, súp, cháo.

“Sốt là phản ứng có lợi của cơ thể khi chống lại các yếu tố gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý nguy hiểm cũng có thể gây tăng thân nhiệt khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Do đó, nếu bé bị ốm sốt kèm theo dấu hiệu lờ đờ, mệt mỏi nghiêm trọng, cha mẹ hãy đưa bé đi bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ chẩn đoán và xử trí đúng cách”, chuyên gia gợi ý.

Trong trường hợp nếu trẻ sốt gây ra do virus thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nếu trẻ sốt vì một nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ đưa ra xử trí phù hợp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Khi chăm sóc trẻ đang ốm sốt tại nhà, không ít cha mẹ sợ bé bị lạnh và cho con mặc quá nhiều quần áo hoặc đóng kín cửa. Tuy nhiên, thực tế, phụ huynh cần cho con mặc đồ thoải mái, nhẹ nhàng và ở trong phòng thoáng đãng, mát mẻ. Điều này sẽ giúp trẻ nhanh chóng hạ cơn sốt và cảm thấy dễ chịu hơn.

Nếu muốn cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng liều thuốc hạ sốt vì điều này khiến trẻ dễ bị quá liều paracetamol, thành phần dược chất chủ yếu trong các loại thuốc hạ sốt.

Trường hợp bị cảm, trẻ thường gặp phải tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Ảnh minh họa.
Trường hợp bị cảm, trẻ thường gặp phải tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Ảnh minh họa.

Trường hợp bị cảm, trẻ thường gặp phải tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Khi đó, điều cha mẹ cần làm là giúp bé loại bỏ chất nhầy trong mũi bằng ống hút cao su.

Khi trẻ ngủ, cha mẹ nên cho con nằm gối đầu cao hơn bình thường để bé dễ thở hơn. Một chiếc máy làm ẩm không khí có thể giúp bé dễ chịu hơn. Ngoài ra, bôi một ít dầu gió (loại dành riêng cho trẻ em và trẻ sơ sinh) lên vùng da bên dưới 2 lỗ mũi của bé sẽ giúp mũi bé thông thoáng hơn.

Trong khi đó, để chăm sóc trẻ đang ốm ho và đau họng, phụ huynh cần hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn cho trẻ dùng các loại thức uống và đồ ăn lạnh. Thay vào đó, cần khuyến khích trẻ uống nước ấm, ăn các món ấm để làm dịu cơn đau họng.

Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ súc miệng bằng nước muối ấm 2 lần mỗi ngày để làm sạch cổ họng.

Ngoài ra, những loại thuốc như acetaminophen hoặc ibuprofen cũng có tác dụng trong việc giúp bé giảm đau. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cho trẻ, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn dùng đúng cách, đúng liều lượng.

Không ít phụ huynh quan ngại khi không biết kỹ năng chăm sóc trẻ bị ho. Theo bác sĩ Thu Phương, ho cũng là một phản ứng có lợi của cơ thể giúp đẩy dị vật ra khỏi đường hô hấp. Vì thế, triệu chứng ho có cần điều trị hay không phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của nó đến tình trạng sức khỏe trẻ. Nếu cơn ho khiến trẻ đang ốm mệt mỏi, thức giấc liên tục giữa đêm thì người lớn cần đặc biệt chú ý và điều trị cho trẻ càng sớm càng tốt.

Với trẻ dưới 1 tuổi bị ho nhiều, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị phù hợp. Nếu trẻ từ 1 tuổi trở lên, phụ huynh có thể dùng mật ong giúp bé giảm cơn ho về đêm. Trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể cho uống thuốc ho hoặc dùng viên ngậm trị ho.

Vào những ngày trẻ bị ốm, phụ huynh nên cho con ở nhà, vận động nhẹ nhàng trong môi trường trong lành, thoáng đãng. Ảnh minh họa.

Vào những ngày trẻ bị ốm, phụ huynh nên cho con ở nhà, vận động nhẹ nhàng trong môi trường trong lành, thoáng đãng. Ảnh minh họa.

Dạy trẻ cách tự chăm sóc bản thân

Không chỉ cần nắm bắt kỹ năng chăm sóc trẻ ốm, thực tế, cha mẹ còn cần giáo dục trẻ. Từ đó, giúp trẻ có những kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Theo các chuyên gia, việc luyện tập những kỹ năng tự phục vụ giúp trẻ hạn chế phụ thuộc vào người lớn. Đồng thời, trẻ cũng có thể thực hiện một số hoạt động tự chăm sóc bản thân.

Theo BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, việc dạy trẻ vệ sinh cá nhân là điều rất nhiều cha mẹ quan tâm và cần được hướng dẫn để dạy con đúng cách. Hầu hết các phụ huynh đều muốn con luôn được sạch sẽ để hạn chế khả năng bị nhiễm khuẩn hoặc lây bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh việc quan sát và chăm sóc con, cha mẹ nên dạy trẻ một vài hoạt động tự vệ sinh cá nhân phù hợp với độ tuổi. Bởi, phần lớn trẻ thường có xu hướng ngậm tay, ngậm đồ chơi, thích sờ mó vào nhiều đồ vật. Điều đó vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công, phát triển và gây bệnh.

Cha mẹ nên dạy trẻ về việc nếu sống trong môi trường mất vệ sinh hoặc để cơ thể bị dơ bẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi trẻ ý thức được điều đó, phụ huynh có thể định hướng và dạy con vệ sinh cá nhân đúng cách. Từ đó, tránh xa các mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe.

“Đặc biệt, việc trang bị những kỹ năng giữ gìn vệ sinh thân thể là rất cần thiết cho trẻ trước khi bước vào độ tuổi đi học. Bởi, trường học là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Biết cách vệ sinh cá nhân và bảo vệ sức khỏe sẽ giúp trẻ hạn chế khả năng bị lây bệnh”, bác sĩ Thanh Tuấn cho biết.

Ngoài ra, việc dạy trẻ vệ sinh cá nhân từ khi còn bé cũng giúp hình thành thói quen tốt và là nền tảng cho trẻ duy trì mãi về sau. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ bao bọc con, không dám cho trẻ tự thử sức vì sợ bé làm không được. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, cha mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ từ những việc cơ bản nhất. Sau đó, dần nâng cao kỹ năng phù hợp khả năng, độ tuổi của con.

Song, thực tế, nhiều cha mẹ không biết bắt đầu dạy con từ đâu. Theo chuyên gia này, cha mẹ có thể giáo dục con thông qua những hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, dạy con từ những điều đơn giản nhất và nâng cao kỹ năng dần dần.

Trong đó, cha mẹ cần dạy trẻ thường xuyên rửa tay. Trẻ cần hiểu rằng, việc giữ vệ sinh bàn tay là rất cần thiết. Bởi, bàn tay bị bẩn sẽ làm gia tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Đối với trẻ khoảng 2 tuổi, cha mẹ nên tập cho con tự vệ sinh răng miệng bằng bàn chải của trẻ em. Việc vệ sinh răng miệng không chỉ giúp trẻ hình thành thói quen vệ sinh cá nhân, mà còn giúp bé loại bỏ những vi khuẩn bên trong miệng.

Để xây dựng kỹ năng bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ, trước tiên cha mẹ nên hướng dẫn con những kỹ thuật sử dụng bàn chải và các bước đánh răng cơ bản. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lý giải cho con hiểu vì sao cần phải đánh răng, nếu lười đánh răng có thể gặp phải những vấn đề gì. Từ đó, giúp trẻ hiểu và hợp tác cùng cha mẹ.

“Ngoài tay thì chân cũng là bộ phận dễ dàng tiếp xúc với vi khuẩn, bụi bẩn. Bên cạnh đó, tình trạng hôi chân do mồ hôi tiết ra nhiều, giày dép ẩm ướt cũng làm tăng nguy cơ tích tụ nhiều vi khuẩn cho đôi chân. Do đó, cha mẹ nên dạy trẻ giữ đôi chân sạch và giày dép khô ráo để hạn chế nguy cơ bị thương hoặc nhiễm khuẩn”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Cha mẹ cần lưu ý nhắc nhở trẻ để bé bảo vệ đôi chân sạch sẽ cũng như dạy trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách. Trong đó, trẻ cần biết rửa chân sau khi đi ra ngoài về, hoặc khi chân tiếp xúc với đồ vật, nền đất dơ bẩn. Nên rửa bàn chân bằng xà phòng. Vệ sinh kỹ các kẽ ngón chân, móng chân và lòng bàn chân.

Sau khi rửa chân xong, trẻ nên sử dụng khăn khô để lau chân. Đồng thời, không để giày, dép bám bụi bẩn hoặc ẩm ướt. Không sử dụng tất bẩn hoặc giày dép dơ, không khô ráo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.