Ngọc Thụ được coi là ông vua trong giới viết kịch, người hiện giữ kỷ lục viết khỏe nhất, nhiều vở thành công nhất với suất diễn cao nhất!
Năm 2017 là một năm đáng ghi nhớ đối với người đàn ông cần mẫn hơn nửa thế kỷ viết kịch, đó là Ngọc Thụ vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là một động viên lớn lao đối với một người từ tay trắng, nỗ lực phấn đấu cả đời viết tử tế để tới nay có trong tay cả một kho báu nghệ thuật ít ai có thể đạt được.
Tác giả Ngọc Thụ từng được đông đảo khán giả trong và ngoài nước biết đến qua những tác phẩm nổi tiếng như: Hoàng hậu Ba Tư, Mùa tôm, Người đi trước, Hoa đất mặn… Hầu hết những vở diễn của ông đều đạt thứ hạng cao trong các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu, có sức lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng yêu sân khấu.
Ông chân tình chia sẻ, sở dĩ mình có thể viết được nhiều tác phẩm như thế, là do hai yếu tố chính, đầu tiên là sự thúc ép của cái nghèo, cần viết để kiếm tiền nuôi gia đình, sau đó, khi đã viết quen tay, thậm chí đã có danh tiếng, nhưng ông không lười viết, mà vẫn viết miệt mài. Viết như là một hành động sống. Ngay cả bây giờ, đã ngoài bảy mươi tuổi, đã trở thành kỷ lục gia về sáng tác kịch, nhưng Ngọc Thụ vẫn viết đều đặn hàng ngày.
Mặc dù tuổi đã cao, lại góa vợ mấy năm nay, nhưng Ngọc Thụ không để bệnh già và sự cô đơn lôi kéo ông vào rượu chè, hay sự trì trệ, la đà quán xá, bạn bè mất thời gian vô ích. Trái lại, vượt qua những căn bệnh như xương khớp, tiểu đường, ông tìm những giải pháp tiên tiến, hiệu quả nhất để chữa bệnh. Hàng ngày, sau khi tập thể dục, ăn sáng, làm tuần trà thanh đạm, Ngọc Thụ lại ngồi vào bàn viết. Những ý tưởng vẫn tuôn trào qua ngòi bút sung sức, những vở kịch được các đơn vị đặt hàng vẫn đang chờ ông viết ra…
Nhà viết kịch Ngọc Thụ nhận giải thưởng Nhà nước từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Khi tôi hỏi, với số tiền giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vừa nhận được, lên tới hơn hai trăm triệu đồng tiền mặt, ông đã sử dụng vào việc gì. Ngọc Thụ cười rất thoáng, ông nói ngoài việc khao bạn hữu mất vài chục triệu, ông đem tặng những người xứng đáng, coi như lộc bất tận hưởng. Số còn lại ông đầu tư cho cháu học ngoại ngữ. Như vậy là, ông vẫn không dành tiền giải thưởng để tự thưởng cho mình một chuyến xuất ngoại như ông từng muốn. Ngọc Thụ lại ở nhà, cần mẫn viết, ông chưa muốn dùng tiền thưởng để hưởng thụ một mình.
Dù là một văn sỹ với tầm nhìn gây ảnh hưởng lớn tới sân khấu nước nhà, nhưng sau hết, Ngọc Thụ vẫn là một người cha, người ông bình dị, theo nếp quen cố hữu của người Việt, khi đã có gia đình, thì như quên hẳn mình đi, mọi thành quả công việc cả đời, chỉ biết dành cho con cháu, và tặng cho người khác. Thật cảm phục ông, mà cũng thương ông.