Các nhân vật trong “Quẫn” được sống với chính họ bởi họ là con người
Dựng “Quẫn” theo sân khấu ước lệ
- PV: Đã từng trải qua điện ảnh, truyền hình nhưng sao đến giờ này, anh mới trở lại với sân khấu, chuyên ngành anh đã được đào tạo chính quy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội?
- Đạo diễn Trần Lực: Trước khi đi học tại Bulgaria, tôi đã theo học lớp Đạo diễn Sân khấu khóa 1 hệ đại học của trường. Nhưng khi trở về nước, vào những năm 1990, giai đoạn sân khấu rất trầm lắng ở cả Hà Nội và TP.HCM, tôi đã bị dòng đời xô đẩy để đến với điện ảnh. Nhưng trong suốt thời gian ấy và cho đến nay, tôi luôn đau đáu với sân khấu và thề sẽ trở lại với lĩnh vực mình đã khởi nghiệp, với truyền thống gia đình để nối nghiệp cha. Tôi đã từng cùng diễn viên Trung Anh, Quốc Khánh lang thang khắp Hà Nội để tìm rạp hát, mở sân khấu tư nhân nhưng không thể bởi chưa được phép. Và thời gian đã trôi đi như một cái chớp mắt, để đến bây giờ, tôi mới được thực hiện tác phẩm đầu tay của mình.
- Khi dựng “Quẫn”, anh có bị ảnh hưởng của sân khấu phương Tây với những năm tháng được đào tạo tại Bulgaria?
- Từ trước đến nay, khán giả chỉ quen xem kịch theo lối hiện thực tâm lý. Nhưng tôi lại chọn dựng vở hài kịch “Quẫn” theo lối ước lệ. Và tôi đã băn khoăn rất nhiều vì điều này, bởi nếu đưa tác phẩm này cho một nhà hát chuyên nghiệp, tôi tin tác phẩm sẽ bị gạt đi. Nhưng tác phẩm này, tôi lại giao cho sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thực hiện, nên chúng tôi đã qua được cửa ải ban đầu. So với lối xem đã định hình với khán giả, phong cách ước lệ đòi hỏi ở diễn viên luôn giữ được cảm xúc của mình. Các em phải vừa nhảy, múa, hát, thoại, diễn liên tục, nếu không tập trung sẽ gục ngay trên sàn diễn theo đúng nghĩa đen. Và nhiều người bảo tôi, “Quẫn” hiện đại đấy chứ? Nhưng thực ra, “Quẫn” lại rất ta chứ không Tây tí nào.
- Vậy có nghĩa, anh đã sử dụng sân khấu của các cụ để lại chứ nhất định không chịu ảnh hưởng từ yếu tố nước ngoài?
- Sân khấu phương Tây thực ra chịu ảnh hưởng của sân khấu phương Đông rất nhiều, đặc biệt là từ sân khấu của Nhật Bản, Trung Quốc. Nên khi dựng “Quẫn”, tôi đã nghĩ, tại sao người châu Âu chịu ảnh hưởng của mình, mà ta lại không dựng theo cách cha ông để lại. Nghệ thuật tuồng chỉ cần 3 người diễn với cái roi ngựa mà đủ sức ước lệ cho hàng nghìn binh lính ra trận. Và tôi đã tận dụng lợi thế của sân khấu do các cụ để lại để làm mới một kịch bản, một vấn đề đã lùi dần vào quá khứ như vấn đề công tư hợp doanh trong “Quẫn” của nhà viết kịch Lộng Chương.
Bố vui là điều hạnh phúc nhất
- Làm mới một vấn đề đã cũ, anh có thay đổi hướng đi của kịch bản?
- Nhà viết kịch Lộng Chương đã viết theo lối giễu các nhà tư sản khi họ không cống hiến tài sản cho công tư hợp doanh. Còn tôi đã biên tập kịch bản theo quan điểm của con người ngày nay. Nếu Lộng Chương bắt các nhân vật phải giác ngộ thì tôi lại để cho Đại Cát, Đại Lợi… sống với chính họ vì họ là con người. Tiếng cười được cất lên từ những tình huống bộc lộ rõ nhất bản chất con người với mong muốn bảo tồn tài sản gia đình, với những toan tính tầm thường.
- Nói về sân khấu ước lệ, khán giả sẽ không thấy lạ lẫm nhưng khi xem “Quẫn”, nhiều người vẫn bày tỏ cái mới, cái hiện đại trong đó. Anh có thấy như vậy?
- Sân khấu ước lệ không chỉ thể hiện trong trang trí, bài trí sân khấu trống rỗng mà còn chính trong cách biểu hiện của diễn viên, ước lệ với tất cả trong diễn xuất. Người xem sẽ thấy động tác của diễn viên nhìn rất đơn giản nhưng chúng tôi đã mất nhiều thời gian để tập luyện. Diễn viên bắt buộc phải thực hiện được ý đồ của đạo diễn, nếu không sẽ bị loại. Nhiều em đã than trời vì điều này nhưng với tôi, yêu cầu là yêu cầu, không có trường hợp ngoại lệ.
- Sau khi dựng “Quẫn” và giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016, điều hạnh phúc nhất với anh có phải là đã thỏa mãn niềm đam mê?
- Còn hơn thế ấy chứ! (cười). Điều quan trọng là tôi đã làm bố vui. Gia đình tôi có truyền thống làm sân khấu, khi tôi dựng “Quẫn” thành công, bố tôi đã nói “thế là có người nối gót rồi”.
- Sau “Quẫn”, anh có ý định sẽ cho ra đời các tác phẩm sân khấu tiếp theo?
- Tôi khẳng định là có nhưng thời điểm và kịch bản nào thì tôi còn đang suy nghĩ. Tôi sợ nhất là “nói trước bước không qua”.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vở hài kịch “Quẫn” sẽ có mặt trên danh mục biểu diễn thường xuyên của Nhà hát Tuổi trẻ bắt đầu từ ngày 18-2.