Kịch hát dân tộc: Khan hiếm tài năng trẻ

GD&TĐ - Trước sự bùng nổ của các loại hình nghệ thuật giải trí nên sân khấu kịch hát dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. 

Kịch hát dân tộc: Khan hiếm tài năng trẻ

Thực trạng đáng lo ngại là lực lượng diễn viên trẻ kế cận của nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc đang rất khan hiếm. Đối với sân khấu kịch hát dân tộc, tác giả là người có vai trò vô cùng quan trọng quyết định thành công của vở diễn.

Thực trạng báo động

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), diễn viên là lực lượng trung tâm của sân khấu, nhưng hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt nghệ sỹ, diễn viên và nhạc công. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên các ngành nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống và nhạc công của khoa kịch hát dân tộc.

Đạo diễn Lê Tuấn Cường, Phó phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, việc đào tạo tác giả trẻ cho nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc luôn là điều báo động. Phần lớn các tác phẩm chèo, cải lương hay tuồng đỉnh cao đều thuộc về các “tay viết” tên tuổi còn các tác giả trẻ mới chỉ manh nha. Số lượng những nhà viết kịch trẻ hiện nay vô cùng thiếu, vì thế việc trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản, những nhận thức để sáng tác tác phẩm sân khấu là điều vô cùng quan trọng.

Nhiều giảng viên tâm huyết cho biết: “Trong khi các ngành học như kịch, diễn viên, đạo diễn luôn thu hút được rất đông sinh viên theo học bởi có khá nhiều sân khấu xã hội hóa mọc lên, các em khi ra trường có nhiều cơ hội được thể hiện, nhất là diễn viên các em nhanh chóng được nổi tiếng, lại có thu nhập tốt. Còn kịch hát dân tộc thì đầu ra cũng dần bị thu hẹp, các em ít có cơ hội được thể hiện...”.

Để lấp “khoảng trống” về đội ngũ sáng tác, những năm qua, ngành văn hóa và các hội sân khấu chuyên ngành đã tích cực “đặt hàng” và thường xuyên mở trại sáng tác kịch bản. Hướng đi này đã phần nào mang đến kết quả tích cực, song dường như chưa thể đáp ứng đòi hỏi tự thân của sân khấu.

Nỗ lực bồi dưỡng tài năng trẻ

Để “cứu” nghệ thuật truyền thống, Bộ VH-TT&DL đã có hình thức đổi mới đào tạo. Theo tinh thần dự án đào tạo thí điểm diễn viên của 4 nhà hát (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), không chỉ tham gia công tác tuyển sinh, những nhà hát này còn phối hợp với các trường nghệ thuật tham gia giảng dạy, đào tạo.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù (nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống) trong các trường văn hóa - nghệ thuật và có hiệu lực thi hành từ ngày 9/9/2014.

Theo đó, học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập được giảm 70% học phí. Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề với mức bằng 40% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng…

Làm sao để tạo ra một thế hệ trẻ đầy đam mê và thật sự hiểu biết về kịch hát dân tộc là trăn trở của các chuyên gia văn hóa - giáo dục.

Tác giả Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa cho rằng, hiện nay, trong đời sống đương đại đang diễn ra nhiều vấn đề bức bối như chuyện vỡ ống nước sông Đà 18 lần trong 2 năm qua, chuyện liên tục cải cách giáo dục, kiểm lâm bán rừng… Những thực tế muôn màu muôn vẻ ấy, không phải việc gì cũng đưa lên sân khấu hay có thể viết thành kịch hát dân tộc. Vì vậy cần mở những lớp tập huấn trang bị kiến thức nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc, hình thành cách chọn đề tài, cấu trúc nội dung, chủ đề chuyện kịch theo từng thể loại kịch hát.

Theo NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nhằm chiếm ưu thế số lượng công chúng thì kịch hát đang gặp khó khăn lớn nhất. Điều này là trăn trở của tất cả các biên kịch hiện nay. Không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành kịch hát dân tộc hiện nay, mà cần trang bị những nội dung mới mẻ, mang tính đột phá giúp ích cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc trong thời đại mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.