Kỳ lạ ‘bí kíp’ bẫy sâm cầm Hồ Tây tiến vua chỉ người Hà Nội có

Chỉ người dân Nghi Tàm mới bắt được chim sâm cầm và cũng chỉ người dân Nghi Tàm mới biết, sâm cầm không thể câu, phải đánh bắt.

Kỳ lạ ‘bí kíp’ bẫy sâm cầm Hồ Tây tiến vua chỉ người Hà Nội có

Sự thật chim quý tiến vua

Đến làng Nghi Tàm bây giờ, hỏi chuyện về loài chim sâm cầm tiến vua thì hầu như ai cũng biết. Thế hệ này qua đi lại truyền cho thế hệ kế tiếp qua những câu chuyện quanh bữa ăn, sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi, những câu chuyện ấy ru ngủ giấc mơ tuổi thơ.

Qua lời người dân gốc Nghi Tàm, phóng viên được biết, sâm cầm là loài có đặc tính không ăn linh tinh, luôn sống lặn dưới nước và đến bây giờ thì người ta cũng không xác định rõ được nguồn thức ăn chủ yếu của nó là gì. Chỉ biết rằng, thịt chim sâm cầm rất bổ dưỡng. Thậm chí, nhiều người cho rằng, ăn thịt chim sâm cầm cũng có thể đẩy lùi nhiều loại bệnh tật trong người.

Tiếng lành đồn xa, công dụng đặc biệt của thịt chim sâm cầm đã được vua quan xưa biết đến và nó được coi là một đặc sản tiến vua nức tiếng của Hà Nội.

Đến thời vua Tự Đức, nhà vua cũng như nhiều bậc anh vương trước đó cũng yêu cầu dân làng Nghi Tàm cung tiến chim sâm cầm mỗi năm. Đặc biệt, loài chim này thường lui về Hồ Tây và cư ngụ ở quanh khu vực làng Nghi Tàm. Một điều lạ nữa là, chỉ có người dân Nghi Tàm mới có thể bắt được chim sâm cầm với những bí quyết riêng, không ai làm được. Cũng chỉ người dân Nghi Tàm mới biết, sâm cầm là loài không thể câu mà phải đánh bắt. Do đó, họ có những phương thức riêng để đánh bắt loài chim đặc biệt này.

Bởi thế, vua Tự Đức đã yêu cầu hàng năm, người dân Nghi Tàm phải mang chim sâm cầm vào kinh thành Huế để cung tiến. Và, sâm cầm cũng vì thế mà ngày càng được coi trọng.

Kỳ lạ ‘bí kíp’ bẫy sâm cầm Hồ Tây tiến vua chỉ người Hà Nội có (7) - Ảnh 1

Hồ Tây ẩn chứa những điều bí ẩn khiến bao người mê đắm.

Tuy nhiên, có một điều thường gây khó khăn cho người dân Nghi Tàm trong quá trình tiến vua loài chim quý. Là bởi vì, trong 100 con sâm cầm mang từ Nghi Tàm vào hoàng cung, phương tiện di chuyển không có mà phải đi bộ hàng tháng trời. Thời gian vận chuyển kéo dài, trên đuờng đi, chim quý bị mai một và khi tới tay nhà vua thì chỉ còn chừng 5-10 con chim sâm cầm.

Việc làm vất vả, nhưng hiệu quả không cao. Một hôm, lý trưởng làng Nghi Tàm đã đích thân vào cung đình Huế diện kiến nhà vua và kể lại câu chuyện khó khăn vất vả rồi xin cho dân làng không phải cung tiến sâm cầm nữa. Lời khẩn cầu đã không mang lại hiệu quả, lý trưởng bị phạt một trận đòn “thừa sống thiếu chết”.

Trong lúc đó, bà Nguyễn Thị Hinh (tức bà Huyện Thanh Quan) đang trong thời gian vào hoạt động thơ phú tại cung đình đã biết chuyện và xin với đức vua tha tội vì đây là lý trưởng của Nghi Tàm. Sau nhiều lời giải thích, nhà vua cảm được nỗi vất vả qua câu chuyện thật lòng và từ đó trở đi đã hủy bỏ lệ cung tiến chim sâm cầm cho người dân Nghi Tàm bớt phần gánh nặng.

Dùng tay không bắt gọn sâm cầm

Tôi đem câu chuyện về loài chim sâm cầm tiến vua hỏi ông Nguyễn Ngọc Diệp (một người gốc Nghi Tàm yêu Hà Nội và hiểu Hồ Tây đến từng bọt nước mà tôi đã có dịp nhắc đến trong các bài viết trước cùng loạt bài về sự kiện “thủy quái” Hồ Tây – PV), ông khá hồ hởi và trong mỗi câu nói, mỗi ký ức của ông đều chất chứa những niềm tự hào khó tả. Tôi cảm nhận tất cả những điều đó qua giọng nói ấm áp, đôi mắt sáng những niềm vui và nụ cười hồn hậu của người đàn ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Kỳ lạ ‘bí kíp’ bẫy sâm cầm Hồ Tây tiến vua chỉ người Hà Nội có (7) - Ảnh 2

Loài chim sâm cầm là một trong những vật phẩm tiến vua và đi vào thơ, ca nhiều thế hệ.

“Chim sâm cầm không thường xuyên sống ở Hồ Tây, chỉ mùa lạnh heo may nó mới bay về và thường bắt rái cá. Có một niềm tự hào của người Nghi Tàm là chỉ dân chính gốc nơi đây mới bắt được sâm cầm. Mà cũng chỉ người Nghi Tàm mới thạo phương thức bắt sâm cầm là đánh bẫy chứ không thể câu được. Sâm cầm là loại phát hiện người rất tinh, nó lặn rất sâu và khi đã lặn thì hầu như không ai biết được phương hướng của nó.

Ngày xưa, dân Nghi Tàm sống bằng nghề đánh bắt cá Hồ Tây nên rất nhiều kinh nghiệm. Người ta bắt sâm cầm bằng cách gom một đám bèo tây vào một hình tròn xong rồi cứ để bèo sống tự nhiên, phát triển cao lên. Mỗi ô tròn ước chừng bằng một cái nong rộng khoảng 2m. Sau đó, họ lấy tre uốn thành hình tròn cho thật chắc. Nó cũng tương tự như cách bắt cá đẻ mà trong bài “Bất ngờ với tuyệt chiêu đánh bắt cá đẻ Hồ Tây có một không hai” mà chúng tôi đã nhắc đến.

Để bắt được chim sâm cầm, người ta phải đi từ từ, lội dưới nước thật nhẹ, không tạo sóng mạnh để làm sao cho sâm cầm không phát hiện được hơi người. Đây là việc không hề đơn giản nên cần những người có kinh nghiệm như “rái cá Hồ Tây” mới có thể lội dưới nước mà không làm cho sóng gợn quá mạnh. Sau đó, họ ngụp xuống nước, mở mắt thật to mà bắt sâm cầm bằng cách tóm lấy đôi chân nó từ phía dưới”, ông Diệp hồ hởi chia sẻ kinh nghiệm.

Nhưng ngay sau đó, ông lại thở dài đầy tiếc nuối: “Với người lạ có thể là việc làm rất khó. Nhưng với những người làm nghề đánh cá Hồ Tây, lội xuống nước mở mắt ra để nhìn “thế giới” dưới lòng hồ như trên cạn, nhìn váng nước Hồ Tây là có thể đoán biết được cá nào nhiều và cá nào không nhiều, nhìn sóng, nhìn bọt nước Hồ Tây biết mùa nào cá sắp đẻ và mùa nào nhiều cá gì… thì việc bắt chim sâm cầm không hề khó. Chỉ có điều, bây giờ, sâm cầm không còn nhiều để bắt nữa”.

Sự nuối tiếc hiện rõ trong đôi mắt người đàn ông kèm theo tiếng thở dài nén lại. “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay mờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời....”, câu hát trong bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bỗng vang rõ trong tâm trí tôi lúc này.

Hồ Tây – Hà Nội, những niềm nhớ thân thương trong tâm trí những ai đã từng đến hay ngang qua hoặc ở lại. Và, bầy sâm cầm của ngày hôm qua, ngày hôm nay vẫn dập dìu níu bước chân bao người.

Theo Người đưa tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giảm cân dành cho ai?

GD&TĐ - Mạng xã hội đang nóng chuyện hai người tên Ngân, một ở Cần Thơ, một ở TPHCM tố nhau xung quanh sản phẩm giảm cân.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình) trong ngày tựu trường năm học 2024 - 2025. Ảnh: M.A

Tuyển sinh đầu cấp tại TPHCM: Đẩy nhanh tiến độ

GD&TĐ - Năm học 2025 - 2026 là năm thứ ba ngành Giáo dục TPHCM áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (bản đồ số GIS) vào công tác tuyển sinh đầu cấp, với nguyên tắc ưu tiên trường học gần nơi ở nhất.