Toàn bộ thị trấn như được “tắm” trong bóng tối đen đặc.
Vào tháng Bảy năm ngoái, Verkhoyansk và một số khu vực ở Yakutian đã trải qua một buổi sáng đen tối tương tự. Thay vì lo sợ, một số cư dân thậm chí còn lên các phương tiện truyền thông xã hội để hỏi xem liệu “ngày tối như bưng” có trở thành một loại truyền thống kỳ lạ hay không.
“Có phải nó đã trở thành một truyền thống kỳ lạ cứ xảy ra vào tháng 8 hoặc tháng 7 khi chúng ta thức dậy? Hoảng loạn vì mặt trời lại tắt”, một cư dân mạng cho biết.
Mặc dù vẫn chưa có lời giải thích chính thức cho buổi sáng không có mặt trời kỳ quái nhưng các chuyên gia thời tiết tin rằng nó có thể liên quan đến vụ cháy rừng đang hoành hành ở Siberia.
Rõ ràng, lượng carbon monoxide ở mức cao trong bầu khí quyển đã dẫn đến sự hình thành nhanh chóng của những đám mây dày bất thường hoàn toàn che phủ ánh mặt trời.
“Trường hợp này có thể so sánh với những gì xảy ra khi tụ mây để chuẩn bị mưa. Những đám mây bao phủ dày quá mức, thêm vào đó là khói từ những khu rừng bị cháy và hơi nước ngưng đọng. Tất nhiên, đây mới chỉ là phần nào sự thật và chúng ta cần phân tích mọi chuyện một cách chi tiết hơn rất nhiều”, ông Yevgeny Tishkovets, chuyên gia thuộc trung tâm dự báo thời tiết Fobos, Nga nói với kênh Yakutia-24.
Trung tâm thời tiết Fobos đã ghi nhận nồng độ chất carbon monoxide cao trong khu vực, lên tới 7,19mg/m3 so với mức tối đa cho phép là 5mg/m3. Các chuyên gia cũng nhận xét đây là một mức quá đủ để gây ra hiện tượng “nhật thực toàn phần”, biến ngày thành đêm đen.