* Dự kiến phê chuẩn hai Phó Thủ tướng mới
(GD&TĐ) - Sáng 21/20, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Với thời gian làm việc liên tục trong khoảng 40 ngày, đây sẽ là kỳ họp có thời lượng kéo dài nhất của Quốc hội khoá XIII (so với thời lượng trung bình 30 – 33 ngày của các kỳ họp khác), cho thấy tính chất quan trọng của kỳ họp này, với nhiều nội dung lớn của đất nước được đưa ra nghị trường.
Sẽ quyết định nhân sự mới của Chính phủ
Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT các cấp |
Theo dự kiến của chương trình nghị sự, trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua nhiều Dự án luật quan trọng, trong đó có Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; các Dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tiếp công dân, Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)...
Trong đó, đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết tâm thông qua vì đến nay, Thường vụ Quốc hội đã họp 3 phiên và các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã họp về vấn đề này trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân. Riêng đối với vấn đề chính quyền đô thị, Dự thảo Hiến pháp vẫn để hai phương án bởi chúng ta chưa tổng kết thực tiễn.
Sẽ có 22 phiên họp sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Đây là các phiên làm việc quan trọng của Quốc hội, thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển KT-XH năm 2013 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014; Báo cáo tóm tắt phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; xem xét việc phát hành trái phiếu Chính phủ để mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 qua các tỉnh Tây Nguyên; thông qua 8 dự án luật; xem xétngân sách năm 2014, các Báo cáo của Chính phủ về thuỷ điện, tình hình trật tự ATGT; quốc phòng - an ninh, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Thành viên Chính phủ…
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày. Bên cạnh việc chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tiến hành bàn về vấn đề nhân sự. Trên cơ sở Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân; việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và đề nghị Quốc hội phê chuẩn 2 Phó Thủ tướng mới theo danh sách Thủ tướng Chính phủ trình gồm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét phê chuẩn nhân sự đối với một số Uỷ ban của Quốc hội.
Làm rõ các kết quả giám sát của Quốc hội
Về hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2012.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kết quả giám sát cho thấy, đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước tham gia BHYT, với phần đóng góp của người dân chiếm đến 58% trong tổng số thu Bảo hiểm y tế, tạo nền móng quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân. Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên gần hoàn thành việc thực hiện BHYT toàn dân (đạt 85 - 100%). Quỹ BHYT từ chỗ bị bội chi hơn 3.000 tỷ đồng đến năm 2012 đã cân đối và kết dư lũy kế gần 13.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn khi vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, 4 tỉnh dưới 50%. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu, tinh thần thái độ phục vụ và y đức của cán bộ y tế chưa được cải thiện nhiều nơi tạo tâm lý lo ngại đối với người dân, các hình thức lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và phát hiện, vẫn còn tình trạng chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, tình trạng không công bằng về chi trả BHYT cho mỗi ca bệnh ở các bệnh viện cùng hạng…
Về Báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, đại diện Văn phòng Quốc hội cho hay Chính phủ đã gửi báo cáo này đến các đại biểu tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, đối với dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, dự kiến Quốc hội cũng sẽ xem xét loại khỏi quy hoạch phát triển thủy điện vì ảnh hưởng đến môi trường và phát triển rừng hiện nay.
Khánh Sơn