Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII Hội nhập quốc tế phải tránh bẫy tự do thương mại

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, ngày 24/3, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII Hội nhập quốc tế phải tránh bẫy tự do thương mại

Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với thực tế

Cho ý kiến về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) 5 năm 2011 - 2015, nhiều đại biểu quan tâm tới tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, thử thách trong 5 năm tới là phải tái cơ cấu nông nghiệp một cách căn bản để thay đổi tình hình. Bởi nông nghiệp hiện nay đang có nhiều rủi ro với biến đổi khí hậu bên cạnh rủi ro về thị trường.

Đại biểu Trần Du Lịch nêu ý kiến, tái cơ cấu nông nghiệp thì phải tính thực hiện thực tế. Ví dụ nói đầu tư cho ngư nghiệp nhưng đến nay chưa xây dựng được các trung tâm nghề cá, các đội tàu hậu cần hiện đại.

Biến đổi khí hậu gay gắt khiến phải đặt ra việc tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi cây trồng. Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề khởi nghiệp phải được làm mạnh, thể hiện dưới những đạo luật của Quốc hội.

Hội nhập quốc tế phải tính để tránh bẫy tự do thương mại, không tận dụng được cơ hội lại bị xâm nhập thị trường, chúng ta phải tính từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể, Nhà nước phải là bà đỡ thực sự, không thể khoán trắng cho doanh nghiệp được. Muốn doanh nghiệp cạnh tranh thành công thì đầu tiên phải cạnh tranh quốc gia và đó là vấn đề của Nhà nước…

Đại biểu Lê Thanh Hải cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao đã có chủ trương, chính sách, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đòi hỏi chúng ta phải cấp bách triển khai nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.

Phải có giải pháp mạnh mẽ, đột phá để giải quyết. Cơ chế chính sách đã có, còn lại là vấn đề kỹ thuật, đầu tư nguồn lực. Với đội ngũ của chúng ta hiện nay, cộng thêm cơ chế, huy động nguồn lực là điều chúng ta hoàn toàn làm được kể cả trong vấn đề giống, chế biến sâu, bảo quản...

Ngoài ra, rất nhiều đối tác quốc tế sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Đỗ Văn Đương lo ngại, nếu không có tầm nhìn dài hạn với vựa lúa ĐBSCL thì nguy cơ mất là điều hoàn toàn có thể bởi khu vực này đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các nước xây đập ở đầu nguồn gây cạn kiệt nguồn nước... Phải tính toán các giải pháp đối với khu vực này một cách dài hạn, không thể chỉ là tình thế như hiện nay.

Cần quyết liệt trong tinh giản biên chế

Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, báo cáo KT - XH đề cập chưa sâu sắc vấn đề khoảng cách giàu nghèo, phòng chống tham nhũng. Đại biểu Dung nhấn mạnh vấn đề cải cách hành chính, tinh giản bộ máy là nhiệm vụ sống còn của phát triển KT - XH.

Bộ máy cồng kềnh thì không thể giảm chi thường xuyên, giảm nợ công. Chính phủ nên mạnh dạn giao cho các địa phương chủ động trong tinh giản, không như hiện nay địa phương muốn tinh giản nhưng phải xin ý kiến bộ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương góp ý, để giảm bớt số cán bộ trung gian cần thể chế hóa một số chức danh, hạn chế số cán bộ trung gian, làm phong trào; coi trọng thực sự những người có chuyên môn với mức lương cao.

Cùng với đó chống tham nhũng hiệu quả, cần dám đánh giá đằng sau các dự án lớn là bóng dáng các quan lớn có cổ phần, kể cả những dự án đình chùa miếu mạo.

Cần tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực, những gì dân làm được thì Nhà nước không làm được để hạn chế số lượng cán bộ công chức. Thời gian tới cần coi trọng chống tội phạm tham nhũng, học kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối là rất đáng ngại.                                                                                                                                                                                                       Nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD, rất lớn. Về các giải pháp trong thời gian tới, phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu gay gắt.                                                                                                                                                                                     Đại biểu Ngân đề nghị, phải quản lý chặt chẽ về đầu tư ODA, đầu tư công để giảm nợ công, kiềm chế nợ nước ngoài. Về đầu tư, muốn thu hút được vốn dân doanh, phải làm mạnh cải cách hành chính, tái cấu trúc thị trường tài chính, môi trường đầu tư minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ