Dưới gốc cây sao cát hàng trăm năm tuổi từng bị “lâm tặc” xâm phạm, gần trăm hộ dân đã ký biên bản cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy, kết hợp tuần tra, truy quét.
Cây sao cát ở làng Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ (Đăk Tô, Kon Tum) có đường kính hơn 4 mét, 10 người ôm không xuể, cao khoảng 35 mét, thẳng đứng. Giữa thân cây, có một số khối u (hay còn gọi là nu). Những năm qua, cây sao cát trở thành biểu tượng, niềm tin của bà con người Xơ Đăng. Người dân nơi đây gọi là cây của Yàng (thần linh).
Dân làng Đăk Chờ chẳng ai nhớ nổi cây sao cát này có từ khi nào. Họ chỉ biết rằng đã bao đời nay khi lên rừng săn bắt, hái lượm dân làng đã thấy nó đứng sừng sững như cột chống trời. Những lớp người cứ già đi rồi về với Yàng, còn cây sao cát kia vẫn tồn tại như một vị thần rừng chở che, bảo vệ cho dân làng.
30 năm trước cây sao cát hàng trăm năm tuổi suýt bị “lâm tặc” cưa hạ. Thế nhưng do thân cây quá lớn, những kẻ xấu cưa giữa chừng rồi bỏ dở. Trải qua hàng chục năm, vết tích do bị “lâm tặc” xâm phạm vẫn còn.
Phía gốc cây, cách mặt đất khoảng 1 mét, có 3 vết cưa lớn, sâu vào thân gần 1 mét. Vết cưa hở khoảng 50cm, người dân và các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đặt lư hương, bảng cấm phá rừng tại những vết cưa này.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng, người dân cùng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đang ngày đêm canh giữ cho cây sao cát. Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ khoảng 24 nghìn ha đất và rừng tự nhiên trên lâm phần 3 huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Sa Thầy.
Đối với cây sao cát, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đo, kiểm tra, phân tích được tuổi thật sự. Ước tính, giải tích sinh trưởng từ tâm cây ra hơn 2.000 ly, về năm tuổi thật sự từ 250 năm trở lên.