Độc đáo Lễ hội Lồng tồng ở Tây Nguyên

GD&TĐ - Không chỉ mang tín ngưỡng cầu mưa thuận gió hòa, Lễ hội Lồng tồng còn quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tày, Nùng.

Tiết mục đàn tính hát then của người Tày, Nùng tại Lễ hội.
Tiết mục đàn tính hát then của người Tày, Nùng tại Lễ hội.

Quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng

Từ những năm 1990, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã lần lượt tìm đến vùng đất tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) lập nghiệp, mưu sinh với hy vọng từng bước khắc phục những khó khăn, thiếu thốn tại nơi chôn rau, cắt rốn. Đến nay, đã hơn 30 năm sinh sống trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, người Tày, Nùng vẫn đề cao ý thức lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội Lồng tồng.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội Lồng tồng.

Theo đó, hàng năm, cứ vào dịp đầu Xuân - thời điểm giao mùa của trời đất, vào những ngày sau Tết Nguyên đán, từ mồng 6 Tết đến ngày Rằm tháng Giêng, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn xã Cư M’gar lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Lồng tồng.

Lễ hội Lồng tồng còn gọi là Lễ hội xuống đồng, đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng. Đây là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới của người Tày, Nùng, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt. Không chỉ vậy, đây cũng được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Thầy mo đọc lời khấn khẩn tạ ơn trời đất, thần linh.

Thầy mo đọc lời khấn khẩn tạ ơn trời đất, thần linh.

Lễ hội có hai phần là phần lễ và phần hội. Trong đó, phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Mâm cỗ cúng được chuẩn bị khá chu đáo gồm xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng, cặp bánh chưng Tày và các loại bánh dày, bánh khảo, cơm lam, xôi ngũ sắc...

Chủ lễ là thầy mo người Tày của bản đứng trước mâm lễ khẩn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản một năm mới an khang, tốt lành. Ngay sau đó, lần lượt cán bộ và nhân dân các dân tộc trong xã thắp hương cúng trời đất.

Ngay sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi động với các tiết mục giao lưu văn nghệ mang bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng. Tại đây, du khách và người dân địa phương cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đi cà kheo, bắn nỏ, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt, thi cấy và thi trấu cây ruộng tạo nên một không khí vui nhộn của ngày đầu xuân... Tất cả trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời của nhân dân.

Lễ hội Lồng tồng đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh.
Lễ hội Lồng tồng đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, nhiều du khách còn bị thu hút, phấn khích bởi phần thi ẩm thực với các món ăn truyền thống độc đáo của người Tày, Nùng.

Lễ hội Lồng tồng đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.

Nhiều người người tỏ ra phấn khích khi tham gia trò chơi đi qua cầu kiều.
Nhiều người người tỏ ra phấn khích khi tham gia trò chơi đi qua cầu kiều.

Kho tàng văn hóa phong phú

Hòa trong không khí tưng bừng của lễ hội, chị Lục Thị Huệ (trú tại thôn 3, xã Cư M’gar) cho biết: “Với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Lễ hội Lồng tồng chính là tài sản văn hóa tinh thần vô giá. Bởi đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng, mong ước, niềm tin thiêng liêng, cháy bỏng của mỗi người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương. Cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi”.

Chị Lục Thị Huệ nói về ý nghĩa của Lễ hội Lồng tồng với người Tày, Nùng.
Chị Lục Thị Huệ nói về ý nghĩa của Lễ hội Lồng tồng với người Tày, Nùng.

Xuất phát từ những ý nghĩa lớn lao ấy, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng tại xã Cư M’gar mong muốn, trong thời gian tới các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Lễ hội được duy trì, tổ chức hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar thông tin, trên địa bàn xã Cư M’gar có 4 dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc Tày, Nùng chiếm khoảng 36%. Hằng năm, chính quyền địa phương đều phối hợp với các ngành chức năng và người dân tổ chức Lễ hội Lồng tồng.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar phát biểu tại Lễ hội Lồng tồng.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar phát biểu tại Lễ hội Lồng tồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar, việc tổ chức Lễ hội Lồng tồng nhằm phát huy, gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo trong cuộc sống của người Tày, Nùng. Đồng thời động viên, khích lệ tinh thần cho bà con nhân dân trong dịp đầu năm mới. Với tín ngưỡng tâm linh, Lễ hội Lồng tồng là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn, độc đáo của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng. Qua đó, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trò chơi bịt mắt đánh trống thu hút nhiều du khách tham gia.
Trò chơi bịt mắt đánh trống thu hút nhiều du khách tham gia.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar khẳng định, việc tổ chức Lễ hội Lồng tồng hàng năm cũng góp phần xây dựng nền văn hóa đặc sắc của xã nhà nói riêng và huyện Cư M’gar nói chung, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa, thực hiện thắng lợi nghị quyết đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ