Ngay từ đầu con đường lớn, hỏi nhà “dị nhân” Sửu thì ai cũng biết bởi ông nổi tiếng bởi khả năng tìm lại đồ bị mất cắp, thậm chí cả người bị bắt cóc chỉ bằng tờ giấy, con dao nhọn và đọc thần chú.
Chân dung “dị nhân” Trịnh Văn Sửu.
Kỳ lạ phương pháp tìm lại những thứ đã mất
Nhấp chén trà nóng, ông Sửu tỉ tê tâm sự về cuộc đời mình. Ông cho biết: “Trước đây, có một thời gian dài tôi hoạt động cách mạng ở Tây Nguyên, đã học được thuật này từ người dân tộc ở Tây Nguyên. Để học được khả năng này phải có căn duyên.
Người học mỗi ngày phải ngồi thiền khá lâu, sáng nhìn lên mặt trời 2 tiếng, chiều nhìn lên mặt trời 1 tiếng, luyện sao cho tâm thật tĩnh mới mong thành công.
Hồi trước ở trong vùng có ông Hoàng Văn Vản cũng rất hâm mộ thuật này, ngỏ ý muốn học nhưng khi nghe tôi bảo, thấy những điều kiện khó quá đành bỏ dở nửa chừng”.
Theo ông Sửu, phương pháp tìm lại những thứ đã mất rất đơn giản nhưng người khác nhìn vào sẽ không hiểu gì. Mỗi lần làm phép ông chỉ cần tờ giấy trắng, sau đó viết chữ vào, nhưng không ai có thể đọc được đó là chữ hay là thứ gì, rồi ông vẽ các hình như hình chữ nhật và dùng con dao nhọn cắm vào giữa trung tâm tờ giấy đó rồi niệm câu thần chú.
Làm xong, ông đưa tờ giấy, con dao cho người bị mất của đem về.
Tuy nhiên, đối với người và đồ vật, con vật ông có phương pháp khác nhau. Nếu tìm người thì ông chỉ cần hỏi đầy đủ họ tên, tuổi, ngày tháng năm sinh của người đó viết vào tờ giấy rồi đọc thần chú xong đem cho người nhà bị mất con về để dưới bàn thờ phụ và cứ 12 giờ trưa thắp một nén hương trong vòng nửa tháng là có thể tìm lại được người nếu như người đó còn sống.
Còn nếu là con vật, đồ đạc thì ông hỏi ngày giờ bị mất, dấu vết chân của con vật bị mất đi về hướng nào rồi đưa tờ giấy và con dao cho người mất đem về cắm vào nơi con vật ở thì có thể tìm thấy được.
Ông dặn người bị mất của cứ ngày này, giờ nọ đến địa điểm nhất định là có thể tìm được vật đã thất lạc.
Ông Sửu cho biết: “Trong quá trình làm phép, điều kiêng kị nhất là không được cho ai thấy và nghe được câu thần chú. Nếu ai đó lỡ nhìn thấy hay nghe được thì sẽ mất linh nghiệm, Do vậy, mỗi lần làm phép tôi phải dặn mọi người trước, không được vào nơi đang làm”.
Anh Trịnh Sơn Nam (con trai ông Sửu) đang kể về khả năng kỳ lạ của bậc sinh thành.
Người con trai của ông Sửu cũng khẳng định: “Phép của bố tôi chỉ linh nghiệm khi vật hay người mất khoảng 2 tuần đổ lại, chứ lâu quá thì phép cũng không được thiêng”.
Anh Trần Văn Chiến ở làng Đồn, xã Chi Lăng, người được ông Sửu giúp nhiều nhất cho biết: “Tôi rất phục cách tìm vật của ông Sửu. Theo tôi, nó không phải mê tín bởi ông ấy không lập đền, mở phủ, cũng không đòi hỏi bất cứ tiền nong gì mà toàn làm điều tốt lành cho bà con.
Cách làm của ông là dùng phép hay thuật để giữ hay kìm chân kẻ xấu, không cho tiêu thụ đồ vật của mình. Do đồ vật bị kìm lại, không bị tẩu tán nên cứ tìm theo hướng xác định ban đầu thế nào cũng thấy”.
Theo ông, đối với những trường hợp người bị mất của ở xa, không có điều kiện đến tận nơi thì chỉ cần ông hướng dẫn cách làm qua điện thoại là được. Tuy nhiên, ông cho biết, cách này không hiệu quả bằng việc trực tiếp, nhưng cũng cho kết quả rất tốt.
Mặc dù chuyên cứu giúp người tìm của đã mất nhưng chưa bao giờ ông lấy một đồng tiền công. Ông bảo: “Trước khi học được khả năng này, người truyền lại nghề cho tôi đã căn dặn việc này là để làm phúc giúp người chứ không phải là nghề để kiếm sống.
Ghi nhớ lời dặn đó, từ khi học được thuật này, tôi chưa hề đòi hỏi ở người đến nhờ bất kỳ điều gì, chỉ cần sau khi tìm lại được của thì nhớ đến tôi là được rồi”.
Con trâu mất tự “tìm đường” trở về nhà
Ông Sửu nguyên là cán bộ thủy văn người Quảng Nam tập kết ra Bắc. Năm 1971 ông chuyển cả gia đình về Chi Lăng sinh sống. Không một ai biết ông Sửu có bí thuật này, chỉ đến năm 1975 ông mới bắt đầu dùng thuật này để giúp mọi người trong làng.
Khi được hỏi về việc tại sao có khả năng này nhưng lại mãi đến năm 1975 ông mới đứng ra giúp mọi người, ông cho biết: “Vì tôi là một đảng viên, rất sợ mọi người bảo mê tín dị đoan nên không dám làm. Mãi về sau, thấy người dân mất trâu bò nhiều quá, mà ngày ấy con trâu có giá trị bằng cả gia tài nên tôi quyết định làm giúp người”.
Người đầu tiên ông Sửu giúp là ông Lành Văn Sìn, một thầy mo có tiếng trong vùng bị mất con trâu. Hôm đó, nhà ông Sìn chuẩn bị làm lễ cúng để làm lại mái nhà. Khi định dắt con trâu ra để làm lễ cúng thì không thấy nữa.
Ông Sìn lo lắng lắm, không có trâu thì không thể làm được lễ cúng. Cả nhà đang nhốn nháo lên chia nhau đi tìm thì ông Sửu đi ngang qua thấy nên mới ghé vào hỏi rõ mọi chuyện rồi nói với ông Sìn: “Để tôi tìm trâu giúp cho”.
Ông Sìn lắc đầu, không tin và bảo: “Ông chỉ được cái nói phét, tôi là thầy mo mà chưa tìm được nữa là“. Tuy nhiên, sau đó ông Sìn đã đồng ý để ông Sửu tìm.
Ông Sửu hỏi thăm chuyện mất trâu vào ngày, giờ nào, hướng đi rồi ghi vào giấy. Sau đó, ông lấy con dao nhọn xuyên qua tờ giấy, cắm trước cửa chuồng trâu, hướng về phía dự đoán là con trâu bị dắt đi rồi nói với ông Sìn: “Nếu con trâu chưa bị giết thì giờ này ngày kia ra cánh đồng phía trước mặt là tìm thấy”.
Quả thật, sau đó con trâu đã được tìm thấy vào đúng ngày, giờ, địa điểm mà ông Sửu đã nói. Từ đó câu chuyện tìm trâu cho nhà thầy mo Sìn lan truyền khắp nơi. Trong làng, mỗi khi nhà ai bị mất trâu bò đều tìm đến ông Sửu nhờ giúp đỡ.
Một trường hợp được tìm đồ thất lạc khác là anh Trần Văn Chiến ở làng Đồn, xã Chi Lăng, người được ông Sửu giúp 3 lần, trong đó 2 lần tìm trâu, 1 lần tìm xe máy. Con trâu đầu tiên bị mất, anh Chiến nhờ mọi người dân trong làng tìm cả tuần nhưng không thấy, nghe tiếng ông Sửu, anh đã tìm đến nhờ ông giúp.
Sau khi làm xong các thủ tục, niệm thần chú, ông Sửu bình tĩnh nói: “Anh cứ yên tâm mà về đi, giờ chưa có ôtô kẻ trộm cắp sẽ không đưa con trâu nhà anh đi xa được đâu, không phải đi tìm nữa. Đúng hai tháng sau con trâu sẽ tự tìm về nhà“.
Dù biết ông Sửu nổi tiếng với khả năng tìm lại của nhưng anh Chiến cũng không thể tin được con trâu đã mất 2 tháng mà có thể tìm thấy. Nhưng anh cũng đành bất lực vì đã mượn người tìm khắp nơi rồi nhưng không thấy.
Đúng ngày, giờ như ông Sửu đã nói, bỗng có một con trâu đang ăn cỏ trên đồi sau nhà anh. “Đến giờ tôi vẫn không thể tin nổi có thể tìm lại được con trâu đó, dù đã mất đến hai tháng trời”, anh Chiến tâm sự.
Con trâu thứ hai mất ở cánh đồng Mả Tổ, ông chỉ hướng, anh tìm thấy ở bìa rừng. Lần thứ ba, anh bị kẻ gian lừa mất chiếc xe máy Dream. Ngày đó, chiếc xe này trị giá đến hơn 5 cây vàng. Anh vội báo công an và chạy ngay đến nhờ ông Sửu nhờ cậy.
Ông Sửu rất bình tĩnh và còn dặn: “Nếu chiếc xe không bị chia nhỏ ra để bán thì chắc chắn sẽ tìm lại được”. Khoảng gần một tháng sau, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) báo anh Chiến đã tìm được chiếc xe.
Như lời anh công an thì kẻ lừa đảo khai chiếc xe cứ đi được một đoạn lại chết máy nên nó gửi lại nhà dân để lừa chiếc khác. Giờ, tuy đã có xe máy mới nhưng anh Chiến vẫn giữ lại chiếc Dream làm kỷ niệm.
Anh Trần Văn Chiến, người được ông Sửu tìm lại giúp hai con trâu và 1 chiếc xe máy.
Không chỉ có biệt tài tìm trâu bò, đồ vật mất, ông Sửu còn tìm lại được người con gái cho anh Hoàng Văn Téo, xóm mới A, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) là Hoàng Thị Xuân (15 tuổi). Anh Téo kể lại, đến giờ ăn cơm trưa không thấy con về ăn cơm, gọi mãi nhưng cũng không thấy gì.
Đi khắp làng tìm không thấy, anh được một người bán hàng kể rằng đã thấy Xuân cùng một người con trai lạ đi về hướng Hà Nội. Sực nhớ đến ông Sửu, anh tìm đến ông để nhờ giúp.
Ông hỏi ngày tháng năm sinh của Xuân, hỏi nghi đi hướng nào rồi viết vào một tờ giấy dặn anh về để dưới bát hương bàn thờ phụ, cứ 12 giờ trưa thắp một nén hương, liên tiếp thực hiện trong 15 ngày.
“Trừ khi nó vượt biên, còn không chỉ nửa tháng anh sẽ nhận được tin, đón được con về”, ông Sửu nói. 15 ngày sau, anh Téo nhận tin một trung tâm nhân đạo ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội báo xuống nhận con.
Mặc dù câu chuyện về khả năng tìm lại vật của ông Sửu xôn xao từ cách đây rất lâu nhưng đến bây giờ vẫn còn nhiều người ở thôn Quán Thanh nửa tin nửa ngờ. Có người cho rằng đó là điều nhảm nhí, hoang tưởng hoặc nếu có tìm được thì cũng là sự trùng hợp.
Nhưng cũng có không ít người cho rằng khả năng tìm vật của ông Sửu là có thật vì có lần họ thấy “dị nhân” đã đứng ra tìm trâu, bò cho một người trong làng bị trộm lấy mất. Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ hiệu tạp hóa ngay đầu làng Quán Thanh quả quyết như vậy.