Điểm khó của trường khó
Nhắc đến cái tên Cà Moong là nhắc đến tất cả những khó khăn, thiếu thốn nhất ở vùng núi cao huyện Tương Dương, Nghệ An.
Trước kia, Cà Moong là một trong 2 bản thuộc xã Kim Đa cũ không phải đi tái định cư về huyện Thanh Chương sau khi thủy điện Bản Vẽ hoàn thành, mà bà con được ở lại, nhập vào xã Lượng Minh.
Đây là bản lòng hồ với 100% bà con là đồng bào dân tộc Khơ Mú, như một ốc đảo, nằm tách biệt với các bản khác và với trung tâm xã.
Điểm trường Cà Moong cách trường chính Tiểu học Lượng Minh khoảng 50km cả đường bộ lẫn đường thủy. Có 84 học sinh, số lượng học sinh đông chỉ xếp thứ 2 sau điểm trường chính. Nhưng có đến 83 em thuộc hộ nghèo, em còn lại, gia đình mới thoát nghèo năm trước và hiện đang thuộc diện... cận nghèo.
“Trường chúng tôi là một ngôi trường khó, được chia thành 9 điểm trường. Nhưng trong đó, Cà Moong lại là điểm khó của khó. Bà con chủ yếu sống dựa vào nương rẫy và đánh bắt cá ở suối. Giao thông cách trở cũng khiến mọi hoạt động giao thương hạn chế. Đời sống bà con còn hết sức vất vả. Các em học sinh ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng rụt rè trong giao tiếp, còn nhiều hạn chế trong tiếp nhận kiến thức” - thầy Nguyễn Văn Thành - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Thầy Thành trước đó là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Na, mới chuyển về Trường Tiểu học Lượng Minh năm học 2017 - 2018. Qua nắm bắt tình hình chung của cả 9 điểm trường, thầy nhận thấy điểm Cà Moong có số lượng học sinh đông, xếp thứ 2 chỉ sau trường chính, nhưng chất lượng học sinh, kết quả xếp loại học tập những năm trước đó luôn nằm ở tốp cuối. Để vực dậy chất lượng học sinh ở đây, thầy Thành bàn với Ban giám hiệu và các cán bộ, giáo viên của điểm trường về việc mở lớp phụ đạo thêm cho học sinh vào buổi tối.
Ý tưởng này được các thầy cô đồng tình nhất trí. Vậy là lớp học buổi tối ở Cà Moong được hình thành, các thầy cô dạy miễn phí hoàn toàn. Về việc mở lớp, cũng được điểm trường thông báo, lấy ý kiến bà con trong buổi họp phụ huynh. “Điều thuận lợi là bà con dân bản rất vui mừng ủng hộ, cho các cháu từ lớp 1 - 5 đến trường ôn bài vào buổi tối. Thực tế, nếu ở nhà, các em cũng không ôn bài, mà chỉ đi chơi, nên bố mẹ cũng muốn các cháu đến trường vừa chơi, vừa học, vừa có thầy cô trông coi” - thầy Thành cho biết.
Ngọn đèn ở bản lòng hồ
Một tuần 4 buổi, cứ đúng 7 giờ tối, tiếng trống vang lên, các em lại ríu rít đến trường. Không có điện, các thầy cô cặm cụi làm hàng chục ngọn đèn dầu tự chế. Đó là những lon nước ngọt được tận dụng, đổ dầu hỏa vào, quấn vải làm bấc, thắp lên. Đủ sáng cho tất cả thầy trò cùng sinh hoạt từ 7 giờ đến 8 giờ rưỡi tối.
Toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập cũng được thầy cô giữ gìn hộ học sinh và đưa cho các em học khi đến lớp.
Các kiến thức đều được dạy tại các buổi học chính khóa vào ban ngày trước đó, nên buổi tối chỉ để các em ôn lại, tập đọc, tập viết thành thạo, không dạy thêm kiến thức.
“Các em ở trong khe nhất là ở độ tuổi tiểu học còn rất hạn chế về tiếng Việt. Vì chỉ ngoài giờ học trên lớp, thì về nhà trong giao tiếp với bố mẹ, mọi người xung quanh các em đều dùng tiếng Khơ Mú. Cũng vì thế khả năng tiếp nhận kiến thức chậm. Ở lớp phụ đạo này, các thầy cô chủ yếu kèm cặp để tăng cường tiếng Việt, tăng sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, giúp các em nắm được kiến thức nếu như trên lớp chưa tiếp thu kịp” - cô giáo Phạm Thị Hồng Nhung chia sẻ.
Điểm trường Cà Moong có tất cả 5 thầy cô giáo, trong đó có 1 thầy, 4 cô. Thầy giáo nhiều tuổi nhất là 35, còn lại đều rất trẻ, lứa tuổi đôi mươi vừa mới ra trường, chưa có gia đình. Trong đó, cô Nhung điểm trưởng mới 24 tuổi. Nhưng các thầy cô giáo trẻ vẫn xung phong vào điểm khó. “Mình đang còn trẻ, nhiệt tình, chưa vướng bận gì, thì vào khe dạy học để các thầy cô nhiều tuổi, hoặc vướng bận con nhỏ được dạy vùng thuận lợi hơn”, cô Vàng Thị Vân nói.
Ngày vượt sông hồ vào đến Cà Moong, tôi cũng không khỏi “cố nén một tiếng thở dài”. Sóng điện thoại hầu như không có, chỉ thỉnh thoảng hứng được chút sóng rớt. Nằm giữa vùng thủy điện Bản Vẽ, nhưng cho đến giờ, nơi đây vẫn chưa có điện.
Tất cả những gì ở bản Cà Moong, chính là đồng nghiệp, là bà con, là gần 90 đứa trẻ. Cảm xúc lo ngại ban đầu qua đi, đã bao nhiêu thế hệ thầy cô khác, cũng đã từng bám bản, bám trường dạy học, từ những năm tháng trước đó còn khó khăn thiếu thốn hơn. Các thầy cô là người tiếp bước.
Với những nỗ lực đó, kết thúc năm học 2017 - 2018, chất lượng dạy học ở Cà Moong có nhiều chuyển biến tích cực. Cả 5 khối lớp chỉ có 4 em chưa hoàn thành chương trình lớp học, trong khi năm học trước đó, riêng lớp 1 đã có 4 em không hoàn thành. Những em này, vào đầu tháng 8, khi thầy cô vào nhận trường lớp chuẩn bị năm học mới sẽ tiến hành phụ đạo và tổ chức kiểm tra đánh giá lại. Nếu các em hoàn thành sẽ cho lên lớp, còn không hoàn thành thì lưu ban vào học với khóa sau.
Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh - cũng cho biết: Sau khi lớp học buổi tối ở Cà Moong đi vào hoạt động có hiệu quả, trường đã nhân rộng mô hình này ở điểm trường bản Minh Thành, ở khu vực khe Mạt. Lớp học phụ đạo của Minh Thành cũng duy trì tốt và tạo chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy học ở đây.