TPHCM cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học:

Kỳ 2: Phối hợp giáo dục, kiểm soát học sinh

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng điện thoại không kiểm soát có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề học tập.

Nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại, Trường THCS Lê Văn Tám trang bị nhiều điện thoại bàn để học sinh liên lạc miễn phí với gia đình. Ảnh: M.A.
Nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại, Trường THCS Lê Văn Tám trang bị nhiều điện thoại bàn để học sinh liên lạc miễn phí với gia đình. Ảnh: M.A.

>>> Kỳ 1: Ý kiến từ phụ huynh

Đó cũng chính là lý do nhiều trường học đã đưa ra những quy định để có thể giới hạn, kiểm soát việc sử dụng phương tiện liên lạc này trong môi trường học đường.

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền - Cố vấn chương trình mầm non và phổ thông cho các trường ngoài công lập tại Việt Nam: Tùy vào bối cảnh

“Quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường được trường áp dụng khoảng 5 năm nay và phụ huynh rất đồng thuận. Học sinh vi phạm, nhà trường sẽ tạm giữ điện thoại và mời phụ huynh vào để cùng giáo dục. Suốt nhiều năm nay, nhà trường không có tình trạng học sinh nói xấu nhau trên mạng xã hội, các em vui chơi, học tập rất hòa đồng”. - Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

Xét về mức độ an toàn của học sinh khi di chuyển trên đường hoặc tan trường, thậm chí ngay cả trong trường học cũng có thể xảy ra rủi ro. Chính yếu tố này một số phụ huynh đã trang bị cho con em mình các thiết bị như: Điện thoại thông minh, Ipad, đồng hồ thông minh có chức năng nghe gọi hay nhắn tin để có thể thuận lợi liên lạc.

Đối với học sinh nhỏ tuổi như tiểu học, đây là một món đồ rất có giá trị và các em chưa bảo quản được, nhà trường có thể cấm không mang đến trường. Tất nhiên trong tình huống này nhà trường phải đảm bảo được 100% học sinh phải được liên hệ với cha mẹ khi cần thiết.

Đối với học sinh trung học, việc cho phép mang điện thoại đến trường cũng phụ thuộc vào những hoàn cảnh, môi trường nhất định. Bởi, có những nơi gần như quá khó khăn để mỗi em có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, cũng không nhất thiết là phải ra cái quy định cấm.

hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-2-4571.jpg
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền.

Tại nhiều địa phương, học sinh gần như tự đi học, thậm chí nhiều em sống chung với ông bà hoặc gia đình người lớn bận công việc nên không thể đưa đón. Do đó, có thể nhiều phụ huynh đã sắm cho con mình điện thoại để liên hệ, giám sát một cách dễ dàng, nên việc này nhà trường cũng khó mà cấm được.

Nói cách khác, trong bối cảnh Việt Nam, không nên ra chính sách có tính chất quốc gia, thậm chí là tỉnh, thành. Mà chính sách đó nên được giao cho Ban Giám hiệu quyết định và tùy thuộc vào bối cảnh, đặc điểm của học sinh đang theo học tại trường.

Tất nhiên, việc giáo viên giám sát học sinh sử dụng điện thoại cũng như đưa ra quy định về việc sử dụng thiết bị này trong giờ học, giờ chơi là cực kỳ quan trọng và cần thiết.

Trong giờ học, các em học sinh chỉ được sử dụng các thiết bị điện tử dưới sự giám sát của giáo viên và sử dụng cho mục đích học tập. Khi không có yêu cầu của giáo viên, học sinh tuyệt đối không được sử dụng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh, thầy cô cần quan tâm đúng mức đến việc sử dụng điện thoại di động của con em mình, xây dựng được cho các con ý thức sử dụng thiết bị này một cách hợp lý.

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc -Trưởng ban Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Ngăn chặn bạo lực học đường

Gần đây, một số quốc gia trên thế giới cũng có động thái thắt chặt việc cho học sinh dùng điện thoại trong trường, như: Pháp, Hy Lạp, Hungari, Đan Mạch… Năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) còn kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.

Tại Việt Nam, tình trạng học sinh dùng điện thoại “vô tư” ở trường, lớp đã dẫn tới một số hệ lụy khác nhau. Tệ hơn, thời gian qua, cũng đã có những vụ việc bạo lực học đường phát sinh từ những mâu thuẫn tưởng chừng đơn giản trên mạng xã hội.

hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-3-7940.jpg
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Vừa qua, trong lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng dặn dò và khuyên học sinh “bớt” sử dụng điện thoại di động. Theo thầy Quân, dùng điện thoại để tìm kiếm, cập nhật kiến thức là tốt nhưng đừng để công cụ này âm thầm biến các em thành “tù binh” của mạng xã hội và game.

Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi thanh xuân, hoài bão của học sinh. Bớt sử dụng điện thoại, bớt cám dỗ thông thường sẽ giúp các em chăm chỉ, dành tâm trí những hoài bão phi thường. Thầy Quân mong Phổ thông Năng khiếu là nơi không có điện thoại di động.

Tuy nhiên, như cách thầy Vũ Hải Quân đã nói, bớt sử dụng điện thoại khác với cấm hoàn toàn không cho các bạn dùng điện thoại. Bởi, ở lứa tuổi học sinh, nếu như trường học buông lỏng để học sinh quá thoải mái dùng điện thoại thì rõ ràng sẽ dễ phát sinh nhiều hệ lụy.

Nhưng nếu quá “khắt khe”, thiếu linh hoạt cũng gây khó khăn cho các em và gia đình. Tôi thấy nhiều trường sẽ có tủ để điện thoại của học sinh, những tiết học có sử dụng điện thoại, giáo viên chủ nhiệm sẽ phát cho học sinh vào đầu tiết, hết tiết thu lại.

Với học sinh bán trú, đầu mỗi buổi học sẽ nộp điện thoại cho giáo viên. Cuối buổi học các em sẽ nhận lại điện thoại liên hệ với phụ huynh, đặt xe công nghệ để về nhà. Học sinh nội trú đầu tuần nộp điện thoại đến cuối tuần nhận lại trước khi về thăm nhà.

Trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay, nhiều tiết học giáo viên yêu cầu học sinh phải sử dụng điện thoại để làm việc nhóm, ghi hình. Do đó, ngoài những nội quy, quy định về vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh từ phía nhà trường, thầy cô cũng cần quan tâm kiểm tra, nhắc nhở để các em tuân thủ. Tất nhiên, lúc đầu đưa ra quy định cấm sẽ có những khó khăn nhất định. Khi học sinh ý thức trong việc sử dụng điện thoại đúng cách, chắc chắn sẽ hạn chế được những mâu thuẫn dẫn tới bạo lực học đường.

TS Tâm lý Bùi Hồng Quân - Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Cần tổ chức nhiều sân chơi bổ ích

hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-4-81.jpg
TS Tâm lý Bùi Hồng Quân.

Liên quan đến việc cho học sinh sử dụng điện thoại tại trường thu hút được rất nhiều sự quan tâm và ý kiến trái chiều. Bởi, thực tế là chúng ta không phủ nhận công nghệ sẽ tác động đến giáo dục.

Việc nhà trường ứng dụng công nghệ trong dạy học là một tất yếu. Tuy nhiên, nếu để học sinh sử dụng điện thoại một cách tự do mà không có sự quản lý và giới hạn sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Ở góc độ cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ việc các trường đưa ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và giờ ra chơi. Trường hợp nếu thầy cô yêu cầu học sinh sử dụng thiết bị công nghệ thông tin liên quan đến tiết dạy, hiện nay đã có hệ thống máy tính nên học sinh không nhất thiết phải sử dụng phương tiện này.

Tất nhiên, khi cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhà trường cần phải có những sân chơi cho học sinh ngoài giờ học chẳng hạn như các câu lạc bộ đội nhóm, đọc sách ở thư viện; các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao ngoài giờ hay câu lạc bộ năng khiếu,… Những điều này nhà trường hoàn toàn có thể làm được bởi trước đây khi chưa có điện thoại, các cơ sở giáo dục vẫn làm rất tốt.

Theo tôi, một trong những giải pháp để tổ chức các hoạt động ngoài giờ học hiệu quả là nhà trường tổ chức tiếp nhận phiếu thăm dò lấy ý kiến của học sinh. Trên cơ sở đề xuất đó, Ban giám hiệu có thể cân nhắc, chọn lựa ra những hình thức, hoạt động phù hợp đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Nếu như không có quy định cấm, nhiều em sẽ chỉ quan tâm tới điện thoại mà ít tham gia các hoạt động hội nhóm. Bởi, trong môi trường học đường, việc học sinh chuẩn bị bài vở, trao đổi với bạn một vài câu hoặc chơi, trò chuyện cùng nhau trong giờ ra chơi hay sau giờ học là điều cần thiết. Bên cạnh đó, việc không sử dụng điện thoại sẽ giúp học sinh gắn kết với nhau hơn qua các sân chơi tập thể, có được tâm lý thoải mái để học tập hiệu quả.

Bác Sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh): Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-5-6138.jpg
Bác Sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến.

Trong cuộc sống hiện đại, có nhiều yếu tố tác động khiến con trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử. Việc tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn cả sức khỏe thể chất. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Anh quốc, con trẻ dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh thường bị mất ngủ, trong khi giấc ngủ rất quan trọng, giúp trẻ phát triển trí não.

Nếu con trẻ thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, học tập. Mất ngủ trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tập trung, suy giảm nhận thức. Bên cạnh đó, mắt trẻ đang trong quá trình phát triển, nếu tiếp xúc với bức xạ từ điện thoại sẽ làm suy giảm thị lực và gây ra nhiều bệnh về mắt.

Một nghiên cứu của các chuyên gia Trường Sức khỏe công cộng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng, những trẻ em dùng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh hơn 5 giờ/ngày thì tăng 43% nguy cơ bị béo phì. Ngoài ra, khi người lớn tập trung làm việc hoặc không kiểm soát những hình ảnh trẻ thấy trên màn hình sẽ vô tình tạo cơ hội cho trẻ tiếp thu những thông tin xấu.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỷ lệ trẻ đến bệnh viện khám vì mắc hội chứng Tic (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được) có xu hướng cao hơn trước. Nguyên nhân cũng do con trẻ xem tivi, chơi trò chơi điện tử quá nhiều.

Bên cạnh những lợi ích, việc lạm dụng thiết bị thông minh có thể làm giảm sút sức khỏe, ảnh hưởng đến mắt, não, gây tâm lý bất ổn, lo âu ở học sinh, không tốt cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tuyệt đối không nên sử dụng thiết bị điện tử. Ngoài ra, trẻ lớn tuổi hơn cũng không khuyến khích xem. Trường hợp sử dụng thì chỉ nên tiếp xúc khoảng 60 phút/ngày.

Không thể phủ nhận những lợi ích của thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng trong việc hỗ trợ con trẻ học tập. Thế nhưng, bên cạnh sự hữu ích, các em dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng. Điều này đặt ra yêu cầu gia đình và nhà trường cần quan tâm phối hợp trong việc quản lý, giáo dục và bảo vệ học sinh trong quá trình sử dụng thiết bị thông minh.

“Tôi tán thành quy định của nhà trường bởi là học sinh không có việc gì ngoài học nên sử dụng điện thoại trong trường là không cần thiết. Bản thân tôi cũng có 2 con đang học lớp 9 và lớp 5, gia đình cũng rất hạn chế cho sử dụng điện thoại ở nhà. Bởi, theo quan sát của tôi, con sử dụng điện thoại chủ yếu là lướt mạng xã hội, chơi game. Do đó, đến trường các con cần tập trung hoàn toàn cho việc học và hoạt động thể thao khác nên cấm dùng điện thoại trong trường là rất cần thiết” - Chị Trương Thị Tuyết Phương (TP Thủ Đức, TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AC Milan ‘trảm tướng’

AC Milan ‘trảm tướng’

GD&TĐ - AC Milan đã sa thải huấn luyện viên Paulo Fonseca sau chưa đầy 6 tháng nắm quyền đội chủ sân San Siro.