Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Quản lý chặt để tránh hệ lụy

GD&TĐ - Nhiều ý kiến ủng hộ việc cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, trừ khi có sự cho phép của giáo viên vào mục đích học tập...

Học sinh Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội).
Học sinh Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội).

Thực tế cho thấy, sau thời gian nghỉ hè và sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) như một thói quen thì vào năm học mới, các thầy cô khá vất vả trong việc kiểm soát học sinh dùng thiết bị này.

Tăng cường giám sát

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, thông thường học sinh mang ĐTDĐ để gọi điện cho người thân/tìm kiếm thông tin phục vụ học tập, tin tức báo chí hay tham gia khóa học online.

Dù vậy, nếu không được quản lý và cho sử dụng ĐTDĐ tràn lan, học sinh sẽ dùng để chơi game cũng như các mục đích không chính đáng khác và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Do đó, bước vào năm học mới, Trường THCS Thái Thịnh quy định học sinh không được mang ĐTDĐ tới lớp.

Em nào mang điện thoại phục vụ hoạt động liên lạc thì phụ huynh phải trao đổi với thầy cô chủ nhiệm, học sinh tự giác để vào tủ chứa điện thoại của lớp và nhận lại sau khi kết thúc buổi học.

Trường hợp cần sử dụng điện thoại thông minh cho việc tương tác khi tham gia các tiết học và hoạt động giáo dục, thầy cô sẽ thông báo tới phụ huynh và có hướng dẫn cụ thể với học sinh.

Khi làm tốt thói quen này, các em sẽ tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè nhiều hơn. Qua đó lan tỏa văn hóa đọc cũng như hoạt động văn hóa thể thao cho học sinh.

Thầy Cường cũng cho biết, trong những năm qua, nhà trường luôn bố trí một điện thoại công cộng miễn phí ngay tại trường. Nếu em nào có nhu cầu gọi điện thoại cho bố mẹ/người thân để hẹn giờ đưa đón, quên đồ dùng học tập... đều có thể sử dụng. Tất cả có quy định, nhật ký cuộc gọi để nhà trường giám sát. “Đa số phụ huynh đồng tình với cách làm của nhà trường về việc không cho học sinh sử dụng tràn lan ĐTDĐ khi đến trường”, thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.

Là giáo viên Tiếng Anh tại Trường THCS Chí Minh – TP Chí Linh (Hải Dương), cô Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ, thời đại công nghệ số, điện thoại thông minh trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, kể cả học sinh. Với vô vàn ứng dụng học tập, giải trí, điện thoại hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho việc học nhưng nó vẫn có những mặt trái.

Theo cô Nguyệt, hiện nhà trường quy định học sinh không được phép sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Em nào mang lên lớp sẽ đưa cho giáo viên giữ và chỉ được đem ra dùng khi thầy cô yêu cầu với mục đích phục vụ nội dung học tập. Hơn nữa, đa số trường học được trang bị các thiết bị số như máy chiếu, tivi thông minh để phục vụ đắc lực cho bài giảng của giáo viên.

hoc sinh su dung dien thoai trong gio hoc3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Quy định cứng từ đầu năm

Ông Văn Quỳnh - phụ trách Truyền thông Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, từ nhiều năm nay, nội quy của nhà trường đã đề cập rõ việc học sinh được làm/không được làm khi tới trường. Trường quy định học sinh phải tắt ĐTDĐ trước khi vào trường, để vào hộp điện thoại chung của lớp và chỉ được bật máy khi ra khỏi cổng trường.

Ngoài ra, nhà trường yêu cầu học sinh tuân thủ tuyệt đối quy tắc khi sử dụng mạng xã hội. Trong đó, các em phải sử dụng ngôn ngữ thuần Việt trong sáng, không nói tục chửi bậy trên mạng. Các nội dung bày tỏ trên mạng phải rõ ràng, không gây hiểu lầm và mất đoàn kết trong lớp, trường; mọi thông tin có tính chất riêng tư không đưa lên mạng xã hội.

“Mạng xã hội là ảo, nhưng tác động của nó đến đời sống con người là thật và có thể diễn biến nhanh vượt tầm kiểm soát. Việc chia sẻ thông tin hay bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội cần tuân thủ pháp luật. Do đó, vấn đề cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ cũng góp phần giảm tình trạng lạm dụng mạng xã hội vào mục đích khác. Trên lớp, các em tương tác với nhau và tham gia hoạt động tập thể để tăng tình đoàn kết”, ông Quỳnh nói.

Cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng nêu thực trạng, hiếm học sinh từ lớp 6 - 12 mà bố mẹ không mua cho một chiếc ĐTDĐ, nhất là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành và học sinh cả nước phải học trực tuyến thời gian dài. Dù vậy, kéo theo đó là tình trạng nhiều em có biểu hiện “nghiện” điện thoại và giảm tương tác với người xung quanh.

Nhìn nhận một cách khách quan, học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ cho bài học thông qua chiếc ĐTDĐ. Dù vậy, điện thoại dễ dàng làm học sinh mất tập trung vào bài giảng, dễ bị phân tán bởi các thông báo, tin nhắn. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại có thể gây hại cho mắt. Điện thoại cũng là công cụ để các em tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, bạo lực, gây ảnh hưởng đến tâm lý.

Do vậy, nữ hiệu trưởng đưa ra lời khuyên, giáo viên cần trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và an toàn. Khuyến khích các em tham gia hoạt động ngoại khóa để giảm thời gian dùng ĐTDĐ. Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh thì mới có thể kiểm soát được các tình huống bất thường phát sinh liên quan đến ĐTDĐ.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam ủng hộ việc cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, trừ khi có sự cho phép của giáo viên vào mục đích học tập.

Điều này nhằm giúp các em giữ mối tương tác với thầy cô và bạn bè. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng ban hành quy định tương tự về việc này. Đến lớp học, học sinh phải tuân thủ nội quy của trường và tích cực tham gia hoạt động học tập, văn hóa, thể thao; tuyệt đối tránh xa các tệ nạn và nhiều cạm bẫy trên mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

cách tìm sim năm sinh 1991 tại khosim.com cáp điện truyền thanh Đăng ký mạng Viettel tháng Các gói 5G Viettel tại 5gviettel.vn Gói wifi Viettel Mua sim đại gia khoảng giá từ 500 triệu đến 1 tỉ tại muasim.vn Mua Samsung Galaxy A05s giá giảm sốc! http://viettelhcmc.com/ Iphone 16 Pro Viettel Store thế giới sim số đẹp iPhone Xs cũ bao nhiêu tiền