Kỳ 2: Để thư viện phát triển đúng vai trò trong giáo dục

Kỳ 2: Để thư viện phát triển đúng vai trò trong giáo dục

(GD&TĐ) - Ngoài cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong thư viện, phòng đọc đạt chuẩn… chất lượng thư viện trường học còn cần một đội ngũ cán bộ chuyên trách, biết cách quản lý. Và quan trọng không kém, họ phải biết cách giao tiếp, tiếp thị sách, giới thiệu sách, "dẫn dụ" tuổi trẻ đến với sách, nhen lên ở các em niềm say mê đọc sách.

 Xây dựng "văn hóa đọc" cho học sinh

 Việc giới thiệu sách báo cho giáo viên, học sinh chiếm vị trí quan trọng trong công tác thư viện. Đây là việc phải làm thường xuyên, khoa học và hợp lý nhằm giới thiệu những cuốn sách, bài báo có nội dung phục vụ thiết thực cho dạy và học, nhất là trong quá trình cải cách giáo dục.

Theo thầy Lê Doãn Huy, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Như Xuân (Thanh Hóa): Giải pháp lớn nhất nâng cao chất lượng công tác thư viện, trả lại thư viện đúng chức năng của nó chính là sự thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục về vị trí, vai trò thư viện trường học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường phải có các giải pháp kích thích đọc sách, xây dựng "văn hóa đọc" cho tuổi trẻ, để đọc sách trở thành thói quen không thể thiếu trong đời sống, trong nếp sinh hoạt, học tập ở nhà trường. "Văn hóa đọc" phải được xây dựng từ trong nhà trường, làm cho học sinh "nghiện sách", "mê" sách. Muốn vậy, phải có một đội ngũ cán bộ thư viện được đào tạo chuyên nghiệp, chuyên trách, biết cách quản lý thư viện đã đành, mà quan trọng không kém phải biết cách giao tiếp, tiếp thị sách, giới thiệu sách, "dẫn dụ" tuổi trẻ đến với sách, nhen lên ở các em niềm say mê đọc sách.

Mô hình thư viện mở đang được áp dụng hiệu quả tại các trường.
Mô hình thư viện mở đang được áp dụng hiệu quả tại các trường.

Còn Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội, “hiến kế”: Các hoạt động của thư viện trường học cần được mở rộng, phong phú hấp dẫn hơn, không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, cho mượn sách mà cần khuyến khích học sinh đến với sách nhiều hơn bằng các hình thức: tổ chức thi kể chuyện, hỏi đáp về nội dung những cuốn sách hay, hướng dẫn các em viết thu hoạch hoặc cảm xúc về cuốn sách đã đọc.

Thầy Lê Ngọc Tĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ  (Thái Nguyên) chia sẻ: “Để thư viện trường học ngày càng có đông bạn đọc, ngành Giáo dục cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị và đội ngũ cán bộ chuyên trách cho thư viện nhà trường. Phòng đọc đạt chuẩn là điều kiện tối thiểu để thu hút học sinh và giáo viên.

 Cần có cán bộ chuyên trách

Theo thông tư liên bộ số 35/2006/TTLB-BGD-BNV của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ ngày 23/8/2006 về “Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”, mỗi trường học được bố trí một cán bộ chuyên trách vừa làm công tác thư viện, vừa làm công tác thiết bị (trừ trường tiểu học hạng 1, trường chuyên biệt, trường THPT chất lượng cao). Thông tư này đã tạo điều kiện để mỗi trường có một người chuyên làm công tác thư viện và thiết bị. Thế nhưng đây vẫn là sự “cào bằng” biên chế, trường có ít hay nhiều lớp học, có thư viện lớn hay nhỏ, có thiết bị nhiều hay ít đều chỉ có một biên chế ngang nhau. Cùng một lúc phải làm cả 2 công việc (vừa thư viện vừa thiết bị) ở một trường có khoảng 30 lớp trở lên là một gánh nặng và quá tải.

Công tác thư viện nếu làm tốt, đúng nghĩa thì cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, kể cả trí tuệ. Đây không đơn thuần là công việc chân tay (chỉ đơn giản là đi lấy sách cho mượn và nhận trả sách) mà đòi hỏi người làm thư viện phải nắm bắt và hiểu được nguồn tài liệu họ đang quản lý, hiểu đối tượng mà họ đang phục vụ, có nghiệp vụ để sắp xếp và quản lý thư viện khoa học và hợp lý, là  cầu nối hữu hiệu để đưa nguồn tri thức đến cán bộ, giáo viên và học sinh.

Thống kê của Bộ GD&ĐT năm học 2009 - 2010: Trong tổng số 24.746 trường có thư viện, chỉ có một nửa số này đạt chuẩn (khoảng 13.580 trường). Đội ngũ cán bộ thư viện có 26.578 người, nhưng chỉ có hơn 49% là cán bộ chuyên trách (13.110 người).

Thầy Lê Ngọc Tĩnh cho biết, ở nhiều trường phổ thông hiện nay, người làm công tác thư viện vừa là nhân viên đánh máy hoặc đánh trống…, hoặc vừa giảng dạy. Cá biệt có trường hợp cán bộ thư viện là giáo viên bị kỷ luật, hoặc kém năng lực giảng dạy, nên được chuyển sang.

Với đội ngũ cán bộ thư viện như hiện nay, thật khó có thể phát huy được hết hiệu quả của thư viện trường học. Thư viện vẫn chỉ tồn tại như một hình thức cần phải có, chứ không tác động và hỗ trợ được cho hoạt động giảng dạy và học tập. Đổi mới cải cách giáo dục, phương pháp giảng dạy và học tập, đòi hỏi tính năng động sáng tạo của cả người dạy và người học. Nếu không có một thư viện hỗ trợ hiệu quả, khó có thể thay đổi được cách dạy và cách học.

Thống kê của Bộ GD&ĐT năm học 2009 - 2010: Trong tổng số 24.746 trường có thư viện, chỉ có một nửa số này đạt chuẩn (khoảng 13.580 trường). Đội ngũ cán bộ thư viện có 26.578 người, nhưng chỉ có hơn 49% là cán bộ chuyên trách (13.110 người).

Cả nước vẫn còn tới 3.859 trường học chưa có thư viện trường học. Hệ thống thư viện trường học chậm phát triển cả số lượng và chất lượng. Nhiều trường nếu có thư viện chỉ là hình thức, không phát huy được hiệu quả.

Trịnh Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ