Đánh đổi du lịch để trồng cây chưa biết hiệu quả
Sau khi Báo GD&TĐ có phản ánh về việc đánh đổi rừng thông hơn 20 chục năm tuổi trồng cây mắc ca tại huyện Kon Plông, nhiều người dân sau đó đã lên tiếng, họ cảm thấy rất tiếc vì những cánh rừng thông hàng chục năm tuổi rất đẹp đã bị cạo trọc để làm dự án mà chưa biết hiệu quả đến đâu.
Trong khi đó, thị trấn Măng Đen nói riêng và huyện Kon Plông nói chung là vùng du lịch sinh thái trọng điểm. Nếu du lịch sinh thái mà những cánh rừng thông trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển dần bị biến mất thay vào đó là các dự án thì ai còn đến du lịch?
Anh Phạm Phú một hướng dẫn viên du lịch thường dẫn khách tham quan các địa danh ở Kon Tum chia sẻ: Kon Plông được mệnh danh là Đà Lạt 2 vì nơi đây có khí hậu mát mẻ, trong lành. Ngoài ra, những cánh rừng nguyên sinh, rừng thông ngút ngàn tạo nên hình ảnh nên thơ cho vùng đất này.
Tuy nhiên giờ tôi dẫn những đoàn khách lên Kon Plông, đi dọc QL24 họ hay phàn nàn về những rừng thông bị cạo trọc. Mặc dù tôi có giải thích là để lấy đất làm dự án kinh tế, tuy nhiên, nhiều vị khách họ cảm thấy tiếc nuối cho những đồi thông tuyệt đẹp.
Còn đối với các cơ quan có chuyên môn của tỉnh Kon Tum cũng thừa nhận, dự án mắc ca còn quá nhiều rủi ro đối với vùng đất này. Ông Trần Việt Cường - Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NN-PTNT Kon Tum cho biết, hiện Kon Tum chưa có quy hoạch chi tiết mà mới chỉ có định hướng về việc trồng cây mắc ca.
Cuối tháng 5-2017, Sở NN-PTNT cũng đã có báo đánh giá thực trạng và khả năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo báo cáo: Qua thực tế kiểm tra của đoàn Tổng cục Lâm nghiệp về phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh năm 2016 cho thấy, cây mắc ca sinh trưởng kém, đến trung bình….. Từ tình hình thực tế phát triển cây mắc ca nên chưa đánh giá được hiệu quả của loại cây này và cây trồng khác.
Nói về dự án trồng mắc ca, Sở NN-PTNT có ý kiến bằng văn bản đối với dự án trồng cây mắc ca tại huyện Kon Plông. Theo như ý kiến của Sở này: Tuy mắc ca là cây trồng mới có giá trị, song chưa có những nghiên cứu chính thức về sự phù hợp với yêu cầu sinh thái, cũng như hiệu quả đối với loại cây trồng mới ở Kon Tum. Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, việc trồng cây mắc ca chỉ trồng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự, không trồng quy mô lớn ở những nơi chưa khẳng định hiệu quả.
Nhưng không hiểu tại sao, UBND tỉnh Kon Tum lại chấp thuận cho Công ty Công ty TNHH Đăng Vinh đầu tư trồng cây mắc ca trên quy mô lớn tại địa phương? Điều lạ lùng hơn, một dự án ngốn nhiều đất đến thế nhưng huyện Kon Plông lại “đè” 198ha đất lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là rừng thông 20 tuổi giới thiệu địa điểm cho chủ đầu tư?
Rừng thông bị băm nát lấy đất làm dự án
Được biết, hiện nay huyện Kon Plông đang có 4 dự án đã được trình phương án chặt hạ cây thông để phục vụ đầu tư. Ngoài dự án trồng mắc ca của Công ty TNHH Đăng Vinh ngốn hơn 100ha rừng thông, còn có các dự án: Đầu tư mở rộng dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp nuôi dê sữa công nghệ cao (hơn 195ha đất rừng thông); Bảo tồn sim rừng và xây dựng nhà máy chế biến rượu vang sim (hơn 30ha đất rừng thông); Đầu tư trồng rau, hoa, cây ăn quả, dược liệu dưới tán rừng (9ha đất rừng thông).
Trong những dự án đang triển khai, có những đồi thông nằm khá gần thị trấn Măng Đen. Từ thị trấn Măng Đen chỉ cần đục thẳng vào rừng thông khoảng 3km, một khu rừng hàng chục ha đã bị cạo trọc. Trên mặt đất chỉ có chi chít hàng nghìn gốc rễ thông bị đào bới nằm lăn lóc.
Một cán bộ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông cho biết, diện tích rừng thông đang được khai thác gần Măng Đen là của dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Kon Plông và dự án chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP dược liệu và thực phẩm Măng Đen. Rừng thông của 2 dự án trên đều đã được trồng 20 năm.
Những diện tích rừng thông bị chặt hạ đó chưa phải là con số cuối cùng, đang còn nhiều dự án vẫn đang nhăm nhe “xí phần” ở những đồi thông này. Được biết, toàn huyện Kon Plông có hơn 2.000ha rừng thông, tuy nhiên, UBND tỉnh Kon Tum có định hướng khai thác là hơn 800ha, hiện đã và đang khái thác hơn 300ha để bàn giao cho các chủ đầu tư.