Quảng Ninh: Hiệu quả tích cực từ chương trình giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, diện mạo vùng dân tộc thiểu số (DTTTS) và miền núi của tỉnh Quảng Ninh có nhiều khởi sắc.

Người dân tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo
Người dân tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo

Cơ sở hạ tầng của các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được đầu tư, cải thiện rõ rệt; chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Đời sống người dân nâng cao

Thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; cụ thể hóa Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK); UBND tỉnh ban hành Quyết định 196/2017/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Đề án 196).

Đề án 196 xác định, nhiệm vụ đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm, cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, cấp xã trực tiếp thực hiện, thôn bản đoàn kết, đồng lòng, người dân tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo.

Với mục tiêu đến hết năm 2020, tất cả các thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 từng nhóm tiêu chí được đưa ra với kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể.

Đối với phát triển sản xuất, tỉnh ưu tiên bố trí vốn đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề nghị của các địa phương. Tổng số vốn phân bổ thực hiện các dự án là trên 119 tỷ đồng, đến năm 2020 đã hỗ trợ được 9.431 hộ dân với 283 dự án. Việc xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp quy hoạch và phát triển các thương hiệu của địa phương theo Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Người dân được hỗ trợ vốn, xây dựng mô hình sản xuất hợp quy hoạch góp phần phát triển kinh tế bền vững
Người dân được hỗ trợ vốn, xây dựng mô hình sản xuất hợp quy hoạch góp phần phát triển kinh tế bền vững

Công tác khuyến nông được triển khai đồng bộ về hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người dân cùng DTTTS, miền núi.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 và các chính sách giảm nghèo, số hộ nghèo từ các xã ĐBKK giảm từ 61,99% (cuối năm 2015) xuống còn 13,38% hộ nghèo, cận nghèo (tháng 12/2019). Điển hình có, 475 hộ nghèo tại các xã, thôn ĐBKK tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,5 triệu đồng/ người (năm 2015) lên 32,62 triệu đồng/người (năm 2019). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân thuộc Chương trình 135 được nâng lên rõ rệt, nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yếu vùng ĐBKK với tổng kinh phí trên 1.376 tỷ đồng, trong đó: 285 công trình giao thông, 247 công trình thủy lợi, 65 nhà văn hóa thôn, 61 công trình nước sinh hoạt, 32 trường học, 2 trạm y tế và 4 trạm điện. Các công trình dự án, hạ tầng chủ yếu phục vụ trực tiếp cho sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

Đến nay, diện mạo nông thôn được cải thiện rõ rệt. 100% xã ĐBKK có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn ĐBKK có bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 17/17 xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% hộ dân các xã, thôn ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,8% số hộ dân thuộc xã, thôn ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Đến tháng 12/2018, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ nhà ở cho 1.311 hộ nghèo. Giai đoạn 2016-2020, UBMTTQ tỉnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ 1.389 hộ nghèo tại các xã, thôn ĐBKK để xây nhà ở, mức hỗ trợ không hoàn lại là 25 triệu đồng/hộ.

Các địa phương lồng ghép các nguồn lực, đầu tư xây mới 55 nhà văn hóa cấp xã, thôn, nâng cấp 1 nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 75,3 tỷ đồng tại các xã, thôn ĐBKK thuộc các địa phương: Hạ Long, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Ba Chẽ.

Nếu như năm 2017 có 6 xã và 2 thôn được công nhận ra khỏi diện ĐBKK thì năm 2018 có thêm 8 xã và 190 thôn hoàn thành Chương trình 135. Năm 2019 tiếp tục có 12 xã và 16 thôn ra khỏi diện ĐBKK.

Tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn thuộc diện ĐBKK thuộc Chương trình 135, hoàn thành Đề án 196 trước 1 năm. Điển hình có những xã đạt mục tiêu kép, vừa hoàn thành Chương trình 135 vừa đạt chuẩn nông thôn mới trong 1 năm như: Tình Húc, Húc Động huyện Bình Liêu; Hà Lâu huyện Tiên Yên; Đồn Đạc, Thanh Lâm huyện Ba Chẽ.

Kết quả thực hiện Chương trình 135 và Đề án 196 trong 5 năm qua đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK. Đây là cơ sở quan trọng để tinh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, là nền tảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ