Những nỗ lực giảm nghèo
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 4 triệu trẻ em bị thiếu hụt tiếp cận ít nhất hai dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hội nhập xã hội và bảo vệ.
Đại dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo ở trẻ em bởi các em phải gánh chịu nhiều vấn đề gia tăng do trường học đóng cửa, bị cô lập tại nhà, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nước sạch, vệ sinh,…Thêm vào đó, cha mẹ các em thường không có công việc ổn định trong khu vực phi chính thức tiếp tục gây ra tổn thương vì bạo lực và nguy cơ tái nghèo, suy dinh dưỡng,…
Từ năm 2006, Việt Nam đã nghiên cứu và thử nghiệm áp dụng nghèo đa chiều trẻ em từ năm 2006. Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2008-2014 nghèo đa chiều trẻ em được tính toán theo 6 chiều: giáo dục, sức khỏe, nhà ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh, lao động sớm, sự thừa nhận và bảo trợ xã hội. Trong giai đoạn 2010-2014 thêm chiều vui chơi giải trí.
Tỷ lệ nghèo đa chiều trẻ em theo 6 chiều đã giảm hơn một nửa trong giai đoạn 2008-2014, từ 28,9% năm 2008 xuống 13,1% năm 2014. Năm 2014, tỷ lệ nghèo đa chiều trẻ em cao hơn tỷ lệ nghèo thu nhập hơn 1,5 lần, tương ứng là 13,1% so với 8,4%, cho thấy, còn có nhiều trẻ em nghèo bị bỏ sót nếu chỉ đo bằng thước đo thu nhập.
Tỷ lệ nghèo đa chiều chung năm 2016 là 9,2%, cao hơn tỷ lệ nghèo thu nhập gần 2 lần (5.8%) do tiêu chí thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều cao hơn, cộng thêm các tiêu chí thiếu hụt của các chiều dịch vụ xã hội. Mặc dù vậy, sau một năm, tỷ lệ nghèo đa chiều chung cũng giảm được 1,3 điểm %, xuống còn 7,9% vào năm 2017. Tỷ lệ nghèo đã giảm ở khu vực thành thị, nông thôn và ở tất cả các vùng.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Bên cạnh những thành tựu về giảm nghèo mà đại đa số người dân nói chung và trẻ em nói riêng được hưởng lợi thì vẫn còn những đối tượng bị tụt lại phía sau, gồm: trẻ em ở nông thôn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trẻ em trong các hộ nghèo.
Trong giai đoạn 2010-2016, tỷ lệ nghèo về thu nhập ở nông thôn cao hơn ở thành thị khoảng 3 lần; cứ 10 người dân ở nông thôn thì có hơn 7 người nghèo, trong khi cứ 10 người dân ở thành thị thì chỉ có 2 người nghèo.
Do đó, trẻ em ở nông thôn, đặc biệt là trẻ em ở các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Bắc trung bộ duyên hải miền Trung và trẻ em dân tộc thiểu số cần được ưu tiên trong những chính sách giảm nghèo sắp tới.
Nghèo đói ở trẻ em được xem là vấn đề trước mắt và lâu dài, hơn thế nữa, giảm nghèo bền vững cần được bắt đầu từ trẻ em.
Unicef cho rằng, cần triển khai trên toàn quốc các hệ thống và các biện pháp an sinh xã hội thích hợp cho mọi người, bao gồm cả các chính sách an sinh xã hội và đến năm 2030 đạt được diện bao phủ đáng kể cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Trong đó, bao gồm an sinh xã hội cho trẻ em; trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giảm nghèo toàn diện và bền vững và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Một trong những giải pháp được khuyến khích là cung cấp các gói trợ cấp tiền mặt phổ quát cho trẻ em. Đây được xem là bước đi quan trọng để mở rộng độ bao phủ, tăng mức hưởng và đẩy nhanh chương trình cải cách trợ giúp xã hội.
Bà Rana Flowers, đại diện Unicef tại Việt Nam cho biết: Unicef cùng với các cơ quan Liên Hợp Quốc đang vận động Chính phủ xây dựng một lộ trình thực hiện theo các giai đoạn, trong đó ưu tiên hàng đầu cho tất cả trẻ em từ 0 đến 3 tuổi vì đây là giai đoạn then chốt trong sự phát triển của trẻ em và dần dần mở rộng độ bao phủ đến cả những trẻ em lớn tuổi hơn.
Gói trợ cấp phổ quát cho trẻ em cần được đặt trong tổng thể và được hỗ trợ bởi các chính sách xã hội rộng lớn hơn, trong đó hỗ trợ tiền mặt và dịch vụ nhằm cải thiện phúc lợi của trẻ em trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ khỏi xâm hại, bạo lực. Tất cả đều hướng tới phát triển nguồn vốn con người có chất lượng.
Theo báo cáo của Viện Phát triển Hải ngoại và Unicef, các gói trợ cấp phổ quát cho trẻ em đã chứng tỏ hiệu quả làm giảm tỷ lệ nghèo. Đầu tư 1% GDP cho gói trợ cấp tiền mặt phổ quát cho trẻ em ở các quốc gia thu nhập trung bình có thể giúp giảm 20% nghèo trên toàn dân số.