Kon Tum: Nhiều hộ dân xin "thoát nghèo"

GD&TĐ - Không muốn trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước, 5 hộ dân ở xã Đăk Tơ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường suất cho những hộ khó khăn hơn.

Anh Thang xin thoát nghèo cho gia đình vì nhận thấy mình “giàu” hơn một số hộ hàng xóm. Ảnh: Trúc Hân.
Anh Thang xin thoát nghèo cho gia đình vì nhận thấy mình “giàu” hơn một số hộ hàng xóm. Ảnh: Trúc Hân.

Một cơn mưa rừng bất chợt chiều cuối tháng 11, buộc vợ chồng anh A Thang (38 tuổi, xã Đăk Tơ Re) đành bỏ dở công việc trên nương rẫy, chạy về nhà sớm hơn mọi hôm. Bước lên thềm anh còn quay lưng nhìn về phía ngọn đồi tiếc nuối "mưa muộn hơn chút nữa thì đã làm xong đám cỏ".

Ngồi trong căn nhà sàn truyền thống của người đồng bào Xê Đăng ở thôn Kon Rơ Lang, anh Thang khoe vụ lúa vừa rồi gia đình thu hoạch được hơn 70 bao. Ngoài ra vườn cao su rộng 1 ha và rẫy mì 3 ha đang chờ thu hoạch. Nhận thấy mình "giàu" hơn rất nhiều so với những người hàng xóm, sau khi bàn bạc với vợ, anh quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo hồi cuối tháng 10.

Trong phần lý do đề nghị xét duyệt thoát nghèo, cận nghèo, anh viết "gia đình kinh tế ổn định, nhường suất cho những hộ khó khăn hơn".

"Hộ bên cạnh nhà tôi, đến bữa cơm cũng phải đi vay mượn, họ xứng đáng được hỗ trợ", anh Thang chia sẻ.

Làm trưởng thôn nên chị Y Byenh xin thoát nghèo để làm gương, cũng như tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Trúc Hân.
 Làm trưởng thôn nên chị Y Byenh xin thoát nghèo để làm gương, cũng như tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Trúc Hân.

Anh Thang tâm sự, gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo từ năm 2017 nên được nhiều ưu đãi trong vay vốn, miễn phí bảo hiểm y tế... và đặc biệt, cứ đến dịp tết, anh nhận 25 kg gạo, bột ngọt, nước mắm, mì tôm. Hiện vợ chồng anh có hai người con, đứa con gái lớp 12 đang đi học ở huyện, một đứa lớp 5 học ở gần nhà.

Hơn một tháng nay, kể từ khi lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình được UBND xã Đăk Tơ Re chấp thuận, vợ chồng anh Thang làm quần quật suốt ngày ở trên rẫy, đến tối mịt mới về. Dân làng cũng thấy lạ vì thời gian gần đây họ trở nên siêng năng hơn trước.

Ngồi trên bậu cửa trước nhà, chị Y Byenh, trưởng thôn Kon Tơ Neh cho hay, chị có 4 người con nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2016, 2 vợ chồng chị chú tâm làm ăn nên kinh tế dần ổn định. Hiện nay, gia đình chị đã có 2ha đất trồng sắn, trên 200 cây cao su cùng với đó là cây bời lời. Không những vậy gia đình chị còn chăn nuôi gia súc, gia cầm nên kinh tế dần đi lên.

“Mình được hưởng hộ nghèo 3 năm nay rồi. Giờ đây kinh tế gia đình dần đi lên nên mình muốn nhường suất hộ nghèo cho những hộ khó khăn hơn. Vợ chồng mình còn sức khỏe, cứ cố gắng sẽ thành công thôi”, chị Byenh nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Re cho biết, xã thuộc vùng 3 đặc biệt khó khăn. Xã có 1300 hộ thì có đến 79,75% là người dân tộc thiểu số, trong đó 545 hộ nghèo, 129 hộ cận nghèo. Cuộc sống người dân khó khăn là do sinh đẻ không có kế hoạch. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu canh tác cây nông nghiệp, không biết áp dụng khoa học kĩ thuật, giá cả lên xuống thất thường.

Ông Thái cho hay, trong đợt rà soát hộ nghèo vào tháng 10 vừa qua trên địa bàn xã có 5 hộ dân đã viết đơn xin thoát diện hộ nghèo, trong đó có 2 thôn trưởng. Trong 5 hộ dân này có 4 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: chị Y Byenh, anh A Cách, dân tộc BahNar (thôn Kon Tơ Neh), hộ anh A Thang, anh A Lanh, dân tộc Xơ Đăng (thôn Kon Rơ Lang).

Vị chủ tịch cũng cho hay, năm 2019, xã giảm được trên 9% hộ nghèo cao hơn nhiều so với mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh Kon Tum.

“5 hộ dân xin thoát nghèo cho thấy người dân đã có ý thức vươn lên, không còn sự trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư của Nhà nước cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, những hộ dân này là tấm gương để địa phương vận động người dân vươn lên thoát nghèo”, ông Thái nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ